Vụ chai nước có ruồi: Tòa tuyên phạt bị cáo Minh 7 năm tù giam

Thứ sáu, 18/12/2015, 15:13
Như đã đưa tin, sáng nay phiên tòa xét xử vụ chai nước có ruồi tiếp tục bước vào ngày thứ hai với phần tranh luận, bào chữa của luật sư hai bên cùng đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa. Trước đó phần tranh luận luật sư của bị cáo đề nghị tòa tuyên vô tội, trong khi đại diện VKS khẳng định bị cáo có tội và đề nghị mức án 12-13 năm tù.

Kết thúc phần tranh luận căng thẳng, toà tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào đầu giờ chiều nay (18-12).

Hội đồng xét xử nhận định: Xét thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo hoàn toàn có thể báo với cơ quan chức năng, điều này là tốt cho xã hội, cho người tiêu dùng và cả cho Tân Hiệp Phát, nhưng Minh đã uy hiếp tinh thần của Tân Hiệp Phát. Việc cưỡng đoạt tài sản là uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại đến tài sản. Do tính chất nguy hiểm của tội phạm, Bộ luật Hình sự quy định rằng dù đã nhận tài sản hay chưa nhưng người bị hại cũng sợ hãi mà phải đưa tiền.

Bị cáo nghe tuyên án

Hồ sơ thể hiện bị cáo Minh đã nhận số tiền 500 triệu đồng và bị bắt quả tang. Như vậy, đây không phải là việc giao kết hợp đồng dân sự, mà là hành vi sử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt 500 triệu đồng. Vụ việc này phải căn cứ vào mục đích, động cơ của hành vi.

Phía công ty Tân Hiệp Phát bị Minh ra điều kiện vào thời điểm giáp Tết, và lo sợ bị ảnh hưởng đến thương hiệu uy tín nên phải tố giác tội phạm. Do vậy, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã bắt quả tang của Minh. Hành vi của Minh đã cố ý xâm phạm đến quyền tài sản, gây mất ổn định xã hội, cần phải có hình phạt nghiêm khắc. Các luận cứ bào chữa của luật sư tại tòa chưa đủ chắc chắn để được chấp nhận.

Công ty Tân Hiệp Phát khẳng định thiệt hại với công ty lớn, yêu cầu bị cáo xin lỗi là không có căn cứ, bởi Minh chưa phát tán tờ rơi cũng chưa đăng báo. Chai nước này là sản phẩm của công ty, đáng lẽ khi phát hiện vụ việc thì cần phải báo cho cơ quan chức năng để có cách xử lý hợp lý hơn.

Xét bị cáo Minh chưa có tiền án tiền sự, chưa gây ra thiệt hại, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt. Từ những căn cứ nêu trên, tuyên phạt Võ Văn Minh 7 năm tù.

Như đã đưa tin phần tranh luận phiên tòa này không có nhiều luật sư nhưng đã diễn ra khá căng thẳng và trong vòng một ngày.

Theo đại diện VKS, biên bản bắt quả tang và biên bản trong cuộc gặp lần thứ ba giữa hai bên đã thể hiện hành vi phạm tội của bị cáo. Xuất phát từ lòng tham, bị cáo đã cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát, cố ý xâm phạm tài sản của doanh nghiệp, gây tư tưởng không an tâm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...

Ngược lại, hai luật sư của bị cáo nói điều tra viên trong vụ án không khách quan khi hai lần cho luật sư của Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung. Việc này có khả năng làm lộ bí mật điều tra, giúp Tân Hiệp Phát có hướng xử lý vụ việc có lợi cho mình. Kết luận giám định với nội dung nắp chai có dấu hiệu mở là chưa khách quan vì chưa làm rõ ai mở. Chỉ khi nào xác định rõ bị cáo là người bỏ ruồi vào chai nước thì mới có tội. CQĐT chưa làm rõ dấu hiệu bị cáo đe dọa hay chỉ là giao dịch dân sự. Điều tra viên không cho luật sư của bị cáo dự cung đầy đủ, đến giai đoạn truy tố, kiểm sát viên không tham gia phúc cung khi có mâu thuẫn...

Mặt khác, trong hồ sơ không có người bị hại nên không có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Từ năm 2011 đến 2013 đã có ba trường hợp khác mang sản phẩm của Tân Hiệp Phát đi thương lượng thì đều bị bắt khi nhận tiền, do vậy “đây là mô típ có sẵn của công ty, được lặp đi lặp lại, việc bị cáo bị bắt là một kịch bản có sẵn”. Tân Hiệp Phát không hề lo sợ, không hề bị cưỡng ép để buộc phải đưa tiền. Từ đó hai luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa, còn nếu trả hồ sơ để điều tra lại thì đề nghị đình chỉ điều tra.

Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng việc bắt quả tang đảm bảo đúng pháp luật vì quy trình cho phép. Hành vi tố tụng của điều tra viên phù hợp vì chưa có chứng cứ cho thấy có việc lộ thông tin điều tra. Không có quy định nào cấm luật sư của nguyên đơn dân sự tham dự lấy cung bị can. Việc có tiết lộ bí mật điều tra hay không thuộc trách nhiệm của cá nhân luật sư đó...

Cạnh đó, tình tiết vụ án cũng trùng khớp với các lời khai của bị cáo. Luật sư của bị cáo cho rằng phải có người bị hại cụ thể thì mới cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản là sai vì không có quy định nào bắt buộc người bị hại chỉ là cá nhân. Vụ này có hai loại đối tượng bị thiệt hại: Thứ nhất là cá nhân bà Bích với tư cách giám đốc Tân Hiệp Phát, thứ hai là pháp nhân Tân Hiệp Phát...

Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng dù chưa làm rõ được ai bỏ con ruồi vào chai nước thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo. Bị cáo không phải là người tiêu dùng mà là người kinh doanh hưởng lợi nên không hưởng các quyền của người tiêu dùng là được thương lượng bồi thường... Từ đó đại diện VKS đề nghị tòa bác các luận cứ của hai luật sư và phạt bị cáo 12-13 năm tù, đồng thời không phải bồi thường cho Tân Hiệp Phát vì doanh nghiệp này không yêu cầu.

Theo PL TP.HCM

Các tin cũ hơn