Theo cáo trạng, các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên (đều làm dịch vụ thủ tục xuất nhập cảnh tại phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM) đã móc nối với Nguyễn Giang Lam (nguyên cán bộ công an làm việc tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM) thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu ôtô theo diện Việt kiều hồi hương rồi nhờ các cán bộ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu của các Việt kiều để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe, sau đó thuê các hãng tàu vận chuyển xe từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ.
Trong thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, các bị cáo đã làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô, mô tô đứng tên 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó có 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên nhập khẩu trái pháp luật 54 xe ô tô các nhãn hiệu Roll Royce, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Jaguar, Land Rover… với tổng giá trị hơn 5,3 triệu USD. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền thuế lên đến hơn 150 tỷ đồng.
Trong đó, Lam hưởng lợi bất chính 360.000 USD, Vinh hưởng 556 triệu đồng, Thạnh hưởng 556 triệu đồng và Nguyên hưởng 478 triệu đồng. Với 54 Việt kiều cho thuê mướn tên nhập khẩu trái pháp luật, hiện có 9 người xuất cảnh, 4 người không đến làm việc, một số người đã chết. Các Việt kiều thừa nhận số tiền được nhận từ các suất mua bán này từ 1.000 đến 9.000 USD. Hiện có 22 Việt kiều đã làm đơn tự nguyện nộp lại.
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi buôn lậu mà cho rằng mình chỉ làm dịch vụ. Riêng bị cáo Lam phủ nhận toàn bộ nội dung cáo trạng và kêu oan. Các luật sư bào chữa cho 4 bị cáo cũng cho rằng các bị cáo không phạm tội buôn lậu và vụ án còn nhiều vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ.
Các luật sư đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ hành vi của nhiều đối tượng liên quan, trong đó có nhiều chủ salon, doanh nghiệp mua xe. Tuy nhiên, có mặt tại phiên tòa, những Việt kiều đã từng được Nguyễn Giang Lam giới thiệu cho Nguyễn Quang Vinh đều xác nhận đã bán lại các suất nhập khẩu xe trực tiếp cho Lam.
Phản hồi lại lời bào chữa của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, thông tư của Bộ Tài chính và Bộ Công thương chỉ quy định miễn thuế đối với trường hợp Việt kiều hồi hương đem một ô tô của mình đang sử dụng về nước.
Căn cứ lời khai của các bị cáo và các Việt kiều, các bị cáo đã liên hệ với các Việt kiều xin mua lại suất nhập khẩu xe của họ. Mỗi giao dịch, các Việt kiều đều được trả một số tiền. Như vậy, không thể khẳng định rằng đây là xe chính chủ của các Việt kiều. Đại diện Viện Kiểm sát cũng khẳng định việc các bị cáo móc nối, mua lại các suất nhập khẩu xe như trên là trái pháp luật.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 4 bị cáo các mức án từ 9 đến 16 năm tù cùng về tội buôn lậu.
Không chỉ vụ việc nêu trên, trong thời gian qua, trong quá trình xét hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô thuộc tài sản di chuyển theo diện Việt kiều hồi hương, các Cục Hải quan địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp bất thường, có dấu hiệu lợi dụng suất hồi hương để trục lợi.
Theo Thông tư số 118/2009/TT-BTC ngày 9/6/2009 của Bộ Tài chính, Việt kiều hồi hương được phép mang về nước một xe ô tô đang sử dụng theo chế độ nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng là tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam.
Xe ô tô này được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế GTGT. Nhưng trên thực tế, đã xuất hiện một số trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, lợi dụng chính sách này để nhập khẩu xe ôtô có giá trị cao, lách thuế.
Theo Báo Hải Quan