Tối 1/3, khu phố Tây - Phạm Ngũ Lão nhộn nhịp quán xá. Hai cô gái Hàn Quốc thong thả trò chuyện vui vẻ. Bất ngờ, nam thanh niên đi bộ ép sát, giật iPhone 6 rồi chạy nhanh về đường Đề Thám, lao vào một con hẻm…
Đang tuần tra ở khu phố Tây, 2 trinh sát gồm Phan Minh Phúc và Ứng Việt Hoàng tổ chức truy đuổi. Sau đoạn đường khoảng 500 m, cảnh sát đã tóm gọn kẻ gây án cùng tang vật.
Nghi can bị bắt khai tên là Nguyễn Văn Đăng (17 tuổi, ngụ quận 2) - thợ đánh giày. Vì sắp đến hạn đóng tiền trọ nhưng không xoay sở được tiền nên anh ta dạo quanh khu phố Tây nhắm vào du khách nước ngoài để cướp giật.
Một vụ cướp giật diễn ra giữa trung tâm quận 1. Ảnh cắt từ clip. |
"Sài Gòn quá nguy hiểm với khách nước ngoài"
Vào những tháng cuối năm 2015, dư luận, đặc biệt là giới kinh doanh du lịch lữ hành xôn xao trước vụ nam du khách người Đức tên S.Grets bị chém, cướp tài sản ngay trung tâm TP.HCM. S.Grets lắc đầu nói: “Không ngờ ở trung tâm Sài Gòn mà chúng tôi bị tấn công, mất hết tài sản. Quá nguy hiểm”.
Vụ án xảy ra lúc rạng sáng, ông S.Grets cùng bạn gái ngồi hóng mát bên kênh Tàu Hũ, đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Nhóm 5 thiếu niên cầm hung khí, dao Thái Lan xộc tới chém ông S.Grets bị thương.
Cặp đôi này hoảng sợ, lo tìm đường thoát thân và nhóm thiếu niên đã cướp một ĐTDĐ và 600.000 đồng rồi tẩu thoát.
Từ trình báo của nạn nhân, Công an quận 1 bắt giữ nhóm thiếu niên từ 11 đến 14 tuổi. Ngoài vụ tấn công gây thương tích cho ông S.Grets, công an xác định nhóm này gây ra hàng loạt vụ dùng hung khí tấn công người dân, du khách tại trung tâm quận 1 rất táo tợn để cướp tài sản.
Ông Nguyễn Công Trứ (60 tuổi, ngụ quận 8), có thâm niên 20 năm hành nghề xe ôm tại khu phố Tây cho biết: “Ngày nào ở khu trung tâm Sài Gòn cũng có du khách nước ngoài bị cướp giật, có ngày xảy ra vài vụ. Hễ nghe tiếng xe gầm rú, phóng bạt mạng là biết vừa có cướp xảy ra…”.
Nhóm hành nghề xe ôm thuộc nghiệp đoàn xe ôm phường Phạm Ngũ Lão chia sẻ: "Trong lúc hành nghề, chúng tôi luôn dặn du khách cẩn thận, nhưng họ đâu thể đề phòng cả ngày. Cướp giật bây giờ quá lộng hành Sài Gòn…".
Tội phạm quá tinh vi hay công an thiếu quyết tâm?
Theo đại tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận 1, trong năm 2015 địa bàn quận 1 xảy ra 345 vụ phạm pháp hình sự, trong đó cướp giật tài sản là 109 vụ (chiếm 32,59%), trộm cắp là 177 vụ (chiếm 51,3%)… Trong số 109 vụ cướp giật thì có 55 vụ là cướp giật tài sản có nạn nhân là công dân mang quốc tịch nước ngoài.
Chia sẻ với Zing.vn, một cán bộ Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 xác nhận, hầu như ngày nào công an phường cũng nhận được trình báo của du khách về việc bị cướp giật.
Thiếu tá Đỗ Thế Chính - Đội phó đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 1 tiết lộ, ngoài cướp giật thì tại trung tâm TP.HCM có các băng nhóm dùng chiêu giả gái mại dâm, tiếp cận đụng chạm, sờ mó nam du khách rồi nhanh tay trộm ví tiền, ĐTDĐ và tài sản.
Đại tá Lê Ngọc Phương - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM thừa nhận, tội phạm ở khu vực trung tâm đang nhắm vào du khách nước ngoài. "Nhiều vụ giá trị tài sản không cao nhưng chúng tôi bị lãnh sự quán các nước phàn nàn, rất đau đầu", ông Phương nói.
Hai thiếu niên cầm đầu băng nhóm tấn công, chém du khách người Đức cướp tài sản. Ảnh: C.Tâm. |
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự của TP.HCM cũng cho rằng, nhiều băng nhóm trộm, cướp hoạt động tại trung tâm TP.HCM có bố trí người "giám sát" ngược lại công an. Những “ăng-ten” là người bán hàng rong ở vị trí trọng điểm, chỉ cần nghi vấn có trinh sát hay các lực lượng khác xuất hiện là chúng báo cho đồng bọn biết.
Tại hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ngày 1/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong thẳng thắn với lãnh đạo ngành công an và các quận, huyện: "Các anh phải quyết tâm làm, làm đến nơi đến chốn, để tội phạm không còn đất sống".
Ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài đến TP.HCM, điều họ lo sợ nhất là tình trạng cướp giật và an toàn giao thông.
Trong năm 2015, Sở nhận được công hàm từ đại diện các nước Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... phản ánh tình trạng công dân của họ bị cướp giật, mất hộ chiếu, tài sản… Trong số này, Nhật Bản có 83 trường hợp, Australia 73, Đài Loan (Trung Quốc) 80, Hàn Quốc 10.
“Bằng văn bản, họ bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng số lượng công dân nước ngoài bị xâm hại an ninh, cướp giật tài sản trong các quận, huyện ở thành phố và sự thiếu hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ của lực lượng chức năng khi du khách phản ánh thông tin”, ông Khánh nêu thực trạng.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, ông Khánh cho biết cách đây gần 7 năm, TP có tổ chức một lực lượng hỗ trợ du khách (không phải bảo vệ) do Thanh niên xung phong đảm nhiệm. Đến nay lực lượng này có gần 250 đội viên nhưng đội hỗ trợ du khách này yếu về ngôn ngữ, nghiệp vụ du lịch nên khi “đụng chuyện” thì không có cách giải quyết. Thù lao cho họ cũng quá thấp nên gặp cướp giật thì không quyết tâm truy đuổi.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch, Thái Lan và Lào đã thành lập cảnh sát du lịch với đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ, trang thiết bị, đào tạo kỹ năng du lịch… Trong khi đó, TP.HCM là điểm hấp dẫn với du khách nhưng đến nay vẫn chưa có cảnh sát du lịch.
Theo Zing