Ngày 4/3, hàng trăm người dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn) tập trung quanh trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu được trả lại 500m bãi biển để neo đỗ tàu thuyền, tiếp tục giữ nghề đi biển truyền thống.
Người dân Sầm Sơn ngồi la liệt dưới lòng đường ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú. Ảnh:Nguyễn Dương. |
Đây là ngày thứ 8 người dân tập trung phản đối việc cơ quan chức năng thu hồi đất ở khu vực neo đậu bến thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thuộc xã Quảng Cư) để giao cho Tập đoàn FLC xây dựng, cải tạo.
Buổi trưa, ngoài tập trung ở ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú (cách trụ sở UBND tỉnh hơn 100m), người dân cầm các tấm bảng có nội dung “Trả lại bãi biển” diễu hành qua nhiều tuyến phố. Chiều cùng ngày, họ đổ về trụ sở Tỉnh ủy.
Trước sự việc này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều thêm hơn 100 cảnh sát cơ động lập hàng rào bảo đảm an ninh ở Tỉnh ủy. Công an tỉnh còn tăng cường thêm lực lượng cảnh sát đứng sau hàng rào bảo vệ quanh trụ sở UBND tỉnh.
Ở ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú, lực lượng chức năng dùng loa tuyên truyền cho bà con thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Nội dung phát thanh còn nói đến việc lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập văn phòng ở số 11 đường Hạc Thành (TP.Thanh Hóa) và trụ sở UBND xã Quảng Cư, các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Thường Sơn và UBND thị xã Sầm Sơn để tiếp dân.
Các tuyến xe buýt được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các biện pháp nhằm hạn chế người dân tập trung đông ở trụ sở UBND tỉnh.
Lãnh đạo Thanh Hóa huy động thêm cả lực lượng Cảnh sát cơ động lập hàng rào an ninh ở trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Tuy nhiên, ngày 4/3, hàng trăm người vẫn tập trung về ngã tư đại lộ Lê Lợi - Trần Phú và một số điểm khác. Nhiều gia đình còn mang theo cả con cái. Thậm chí, lượng người còn đông hơn những ngày trước đó. Họ tập trung để thể hiện sự bức xúc trong im lặng, ngồi và nằm la liệt nhưng giữ trật tự.
Trước đó một ngày, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đối thoại với dân nhưng nguyện vọng của bà con vẫn chưa được đáp ứng.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân phá bỏ tàu, thuyền (bè, mủng) công suất dưới 20 CV, khuyến khích đóng tàu mới công suất lớn và chuyển đổi nghề nhưng bà con vẫn không đồng ý.
Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 2/3, trước kiến nghị để lại một đoạn bãi biển dài 500 - 1.000m cho bà con neo đậu tàu thuyền, ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBNd tỉnh hứa sẽ trình lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh xem xét.
Chiều 4/3, lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư vẫn chưa có ý kiến thống nhất về yêu cầu của ngư dân Sầm Sơn.
Theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án quy hoạch không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, có tổng vốn 315 tỷ, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015.
Tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư là Tập đoàn FLC, dự kiến công trình sẽ phải hoàn thành trước 30/4/2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn.
Không đồng tình với việc thu hồi toàn bộ bãi biển giao cho Tập đoàn FLC xây dựng, người dân Sầm Sơn đã nhiều lần phản đối. 8 ngày nay, họ kéo về trụ sở UBND tỉnh đề "đòi lại bãi biển".
Theo Zing