Đặc nhiệm TP.HCM đang tiếp nối SBC huyền thoại

Thứ năm, 10/03/2016, 10:05
Thủ đoạn, phương tiện tội phạm tinh vi, liều lĩnh hơn nên phương án truy quét của đặc nhiệm là ưu tiên “đánh chặn”.

Hàng loạt vụ cướp, cướp giật, trộm cắp táo tợn đang xảy ra gây bất an cho người dân nên trong buổi làm việc với Công an TP.HCM (ngày 17-2), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng gợi ý về lực lượng săn bắt cướp (SBC).

Từ SBC huyền thoại

Hơn 40 năm đã qua nhưng những huyền thoại của lực lượng SBC thời kỳ mới thành lập cùng tên tuổi như Ba Tung, Hai Thành, Sáu Ngọc, Hai Lửa, Lý Đại Bàng, Duy Chiến, Mai Tấn... vẫn in đậm trong tâm trí người dân TP.

Sau ngày 30-4-1975 tình hình an ninh trật tự tại TP rất phức tạp. Những băng nhóm giang hồ, tội phạm hình sự lộng hành gây án cướp, cướp giật và sẵn sàng bắn trả công an, bộ đội khi bị truy bắt. Lúc ấy, Công an TP.HCM quyết định lập SBC, một lực lượng trinh sát chống cướp chuyên nghiệp trực thuộc phòng cảnh sát hình sự. Nhiệm vụ của SBC là chủ động trấn áp, phòng ngừa và truy bắt nóng các đối tượng phạm pháp. Đây là mô hình nhân rộng mà Công an quận 5 áp dụng hiệu quả trước đó.

TP.HCM là nơi đầu tiên và duy nhất lập đội chuyên bắt cướp. Đội trưởng SBC ngày ấy là ông Ba Tung, một cựu trinh sát biệt động thành Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là thiếu tướng).

Thuở đó, những chiến sĩ SBC được tuyển chọn đều dưới 30 tuổi, giỏi võ thuật, chạy môtô điêu luyện và có tài bắn súng “bách phát bách trúng”. Khi truy bắt kẻ phạm pháp quả tang đang chạy trốn nếu bắn cảnh cáo mà tội phạm vẫn chống cự thì trinh sát được bắn hạ. Trinh sát SBC được quyền chạy môtô quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, được quyền xuất trình thẻ để xác minh nghi phạm ở bất cứ nơi đâu, được phép kiểm tra người, đồ vật, phương tiện, giấy tờ tùy thân của các đối tượng nghi vấn trên đường…

Từ khi hoạt động, SBC đã lập nhiều chiến công gây chấn động dư luận như phá vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ nghệ sĩ Thanh Nga, vụ bắc cóc con bác sĩ Lã Hỷ. SBC điều tra vụ thảm sát tại nhà quận chúa Mộng Hoa, giải cứu 11 em bé bị bắt cóc bán lên vùng rừng núi Lâm Đồng, phá các băng cướp có súng như băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Salem”, Thái Lập Thành, băng cướp Bông Hồng Trắng, truy bắt các tên cướp khét tiếng Điềm Khắc Kim, Tín Mã Nàm…

Vào đầu năm 1990, băng nhóm cướp, cướp giật co vòi không dám lộng hành, các đội SBC giải tán. Một số cán bộ, chiến sĩ SBC chuyển công tác trở thành cán bộ lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện…

SBC nổ súng vào nghi phạm bắt cóc con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Ảnh: Tư liệu

Đến đặc nhiệm tinh nhuệ

Hơn 15 năm sau, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM lại diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự gia tăng, việc tái lập lực lượng cảnh sát chống tội phạm tinh nhuệ được đặt ra.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng cần một cái tên gọi khác nhân văn hơn, không thể gọi việc truy bắt tội phạm của công an là “săn bắt”. Sau khi bàn thảo, thống nhất, ngày 2-4-2008, Công an TP.HCM chính thức ra mắt đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (HSĐN) thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội (PC45). Trung tá Trần Văn Ngọc (hiện là đại tá, trưởng Công an quận Bình Tân) là đội trưởng.

Đội HSĐN hội tụ hơn 50 cán bộ, chiến sĩ được tuyển lựa, đào tạo nâng cao về võ thuật, bắn súng và lái xe. Từ đó đến nay Đội HSĐN của Phòng PC45 luôn phối hợp với cảnh sát HSĐN, công an các quận, huyện trong công tác nắm tình hình đối tượng, phá án, truy bắt đối tượng phạm pháp trên các địa bàn.

Thực tế, HSĐN các quận, huyện và TP đã đảm nhận tốt vai trò chủ lực trong việc đấu tranh trấn áp các loại tội phạm băng nhóm, tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu xã hội đen mà trong các bài trước chúng tôi đã phản ánh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân cho rằng tội phạm hoạt động mạnh, cướp giật tràn lan, TP cần có một lực lượng bắt cướp dũng cảm, trang bị chuyên nghiệp và có nghiệp vụ cao. Bởi lẽ hầu hết tội phạm đường phố nếu không câu kết thành băng nhóm thì là những tên tội phạm chuyên nghiệp. Những người này thực sự là “đối tượng của công an” nên không ai khác công an phải chủ lực đối đầu với loại tội phạm này.

Nói về lực lượng này, Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an), từng là chỉ huy đội cảnh sát hình sự Công an quận Tân Bình thập niên 1980, được đồng đội gọi tên là anh “Hai lửa” cho biết cần có chính sách đãi ngộ với họ.

Ông nói: Trước đây SBC làm rất tốt nhiệm vụ chống tội phạm cướp, cướp giật, bảo vệ an ninh trật tự cho TP. Các cán bộ, chiến sĩ HSĐN vẫn máu lửa, lăn xả nhưng cần chú trọng thêm nhiều thứ để họ tiếp nối truyền thống hào hùng của SBC ngày nào. “Ngay đầu vào phải tuyển người trẻ, có tâm huyết, nhiệt tình cống hiến, chấp nhận nguy hiểm, gian khổ. Chỉ huy phải có nghiệp vụ chuyên sâu, sáng tạo, sẵn sàng nằm bờ ngủ bụi với lính. Nhà nước cần có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng, trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại cho lực lượng này”.

Thực tế TP.HCM đang quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm và nếu các đề xuất tăng gấp đôi quân số HSĐN, trang bị bộ đàm, camera hành trình, áo giáp, áo chống đạn… thành hiện thực, tội phạm sẽ kéo giảm.

Đặc nhiệm Bình Thạnh phá nhiều vụ án lớn

Chỉ chín trinh sát (ba người khác đi học) phụ trách một địa bàn rộng, đông dân. Phương tiện làm việc chỉ có một cái bộ đàm, đa số phải sử dụng xe cá nhân nhưng năm 2015, đơn vị này phá bốn băng cướp giật, dàn cảnh hoành hành khắp TP.HCM. Họ còn góp phần khám phá 100% các vụ trọng án.

• Đầu năm 2015, đơn vị bắt gọn 15 người trong một băng cướp giật do Nguyễn Thanh Lợi, Trương Đức Sang (Bét, cùng ngụ quận Bình Thạnh) cầm đầu. Băng này quy tụ những thanh thiếu niên bụi đời, nghiện ngập, liều và cướp giật bằng các xe Wave, Exciter… độ chế, gây án sau khi cắn “no” ma túy.

Sau ba tháng ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà (dù vợ sắp sinh con), Thiếu tá Lê Minh Huy, chỉ huy cảnh sát đặc nhiệm và đồng đội nắm toàn bộ quy luật của băng cướp này và cất lưới.

• Trong năm, đơn vị này triệt phá một băng trộm cắp, tiêu thụ hơn 50 xe gian…

• Mới đây, lực lượng này góp phần lớn trong việc khám phá, bắt giữ hung thủ giết xe ôm trong một con hẻm.

HT

Hoạt động của đặc nhiệm hình sự ngày nay là ưu tiên sử dụng phương án “đánh chặn”, phát hiện tội phạm băng nhóm, tội phạm chuyên nghiệp ngay từ đầu. Tốt nhất là phối hợp lực lượng cơ sở, đồng thời tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia nhiều mô hình phòng, chống tội phạm và có cơ chế khen thưởng xứng đáng.

Một cán bộ phòng PC45 - Công an TP.HCM

Theo PLO

Các tin cũ hơn