Bị đại lý 'ăn chặn' tờ vé số độc đắc, cả gia đình khốn đốn

Thứ sáu, 08/04/2016, 11:21
Không được trả thưởng tờ vé số trúng 1,5 tỷ đồng, bà Tuyết uất ức "quậy" đại lý Triều Phát nên cùng người thân lĩnh án, trước khi theo đuổi vụ kiện đòi tiền suốt 5 năm.

Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ huyện Châu Thành, Kiên Giang) những ngày này nhộn nhịp hơn vì người thân quen trong ấp liên tục ghé qua chúc mừng khi hay tin bà thắng kiện đại lý vé số và được tuyên bồi thường 1,5 tỷ đồng trúng giải độc đắc 5 năm trước.

"Lúc được tòa tuyên thắng kiện tui mừng quá, chỉ biết chắp tay cảm ơn Trời Phật. Những ấm ức của tui lâu nay cũng được giải tỏa", bà Tuyết nói.

Nhà có ba mẹ con, con gái lớn lấy chồng, con trai út 26 tuổi bị tật nguyền từ nhỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm trước chàng trai lên thị xã Hà Tiên thuê trọ rồi đi bán vé số kiếm sống. Còn bà ở nhờ nhà cậu ruột trong đầm, hàng ngày cùng người mợ buôn bán nhỏ, lúc rảnh đi gặt lúa thuê.

Tờ vé số bị cho là có sự cắt dán nên chủ đại lý không đồng ý trả thưởng.

Chiều một ngày gần cuối tháng 7/2011, con trai bà báo có tờ vé số 938368 trúng đặc biệt - do Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh An Giang phát hành. Bà vui mừng nói cho gia đình biết rồi tức tốc cùng người cậu tên Phương thuê xe ôm lên Hà Tiên ngay trong đêm.

"Tui đến chỗ con là 12h đêm, tờ vé số được nó cuộn tròn nhét vào lỗ viên gạch ống trong phòng trọ. Thấy tui nó mới run rẩy lấy ra, mừng quá không ai ngủ được. Lúc đó tui nghĩ, nếu lĩnh được tiền sẽ cho anh chị em mỗi người một ít mua vài công ruộng, khỏi đi làm mướn. Nhưng ai ngờ đâu phúc chưa hưởng mà họa ập đến", giọng bà Tuyết nghèn nghẹn.

Bà kể, ngay sáng hôm sau cả gia đình mang tờ vé số đến đại lý Triều Phát (TP.Rạch Giá) đổi thưởng. Sau khi kiểm tra, chủ đại lý là ông Ngô Xương Phúc tuyên bố tờ vé số trúng độc đắc.

"Không biết cách thức trả thưởng thế nào, tui nghe ông Phúc hỏi lấy tiền hay vàng thì tôi nói lấy 20 lượng vàng 24k, còn lại lấy tiền mặt vì nghĩ có lấy tiền cả thì về cũng phải mua vàng để dành. Rồi ông ấy hỏi có mang theo giấy chứng minh nhân dân (CMND) không nên tôi quay ra giỏ xách treo trên xe máy lấy", người phụ nữ cho biết.

Khi trở vào, bà Tuyết thấy ông Phúc đã lật tờ vé số ra mặt sau, lấy CMND để ghi thông tin rồi đưa cho cậu Phương ký tên vào. Ông Phúc kêu bà Tuyết ngồi chờ để sang tiệm vàng gần đó lấy.

Chủ đại lý sau đó bỏ tờ vé số vào bịch nylon, đưa người nhà cất vào tủ. Ít phút sau, ông lại gọi người cháu kiểm tra lại lần nữa. Anh này xem bằng mắt thường nói "vé số bị cắt dán gồ ghề ở số đầu tiên và số cuối cùng trong dãy 6 con số" nên không đồng ý đổi thưởng, đồng thời gọi công an đến. Cả gia đình bà Tuyết được công an mời lên phường.

Lúc đó, cho rằng gia đình bà Tuyết làm vé số giả nên công an yêu cầu viết bản tường trình sự việc. Thằng con tui nó đi không vững, bật khóc. Khi biết trúng tờ vé số giải độc đắc tui cất giữ cẩn thận nên từng con số và màu sắc còn y nguyên. Ông Phúc còn nhiều lần đưa vào máy kiểm tra rồi mới thông báo trúng thưởng. Nhưng lúc sau lại nói vé số bị cạo sửa", bà Tuyết cho hay.

Cũng từ đó, cả gia đình bà vướng vào vòng tố tụng kéo dài 5 năm. Bà Tuyết vì bức xúc vì bị cho là sử dụng tờ vé số giả đi đổi thưởng, công an nhiều lần mời cả gia đình lấy lời khai, nên mấy chị em và con gái bà kéo đến đại lý vé số Đại Phát cự cãi. Trong lúc xô xát, mấy người trong gia đình bà có đánh mấy cái vào mặt ông chủ đại lý, nên bị công an bắt.

Bà và hai người em bị giam còn cô con gái được tại ngoại. Bà Tuyết cho hay, vì buồn phiền và thương người con tật nguyền ở ngoài không ai chăm sóc khiến bà đổ bệnh nên được công an xem xét cho tại ngoại sau hơn một tháng tạm giam. Buồn về những chuyện xảy ra, con trai bà kể từ đó cũng không còn đi bán vé số mà chuyển về quê ở với mẹ.

Bà Tuyết nói rằng từ khi trúng tờ vé số cuộc sống gia đình bà đảo lộn, khổ sở vì tham gia tố tụng kéo dài.

Sau khi được tại ngoại, tháng 8/2012, bà làm đơn kiện đòi ông Phúc phải trả thưởng 1,5 tỷ đồng. Hơn một năm sau, Công an tỉnh Kiên Giang thấy có dấu hiệu gian dối trong việc "đánh tráo" tờ vé số nên đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại đại lý Triều Phát. Sau một thời gian, công an đình chỉ điều tra vụ án hình sự vì "sau khi tiến hành điều tra thấy không có sự việc phạm tội". Vụ án được quay lại giải quyết theo thủ thục tranh chấp dân sự.

Quá trình giải quyết tiếp tục kéo dài, bà Tuyết cho biết phải vay mượn tiền nhiều người để làm lộ phí theo kiện và đóng án phí dù đã được giảm một nửa.

"Có lúc tui muốn chết cho xong nhưng nghĩ thương đứa con tật nguyền không ai chăm sóc. Rồi lại trách ông Trời thà đừng cho gia đình tui, vì tờ vé số mà phải khổ thế này. Ngày trước tui 43 ký, sau mấy năm theo kiện giờ còn 36 ký thôi", bà Tuyết nói giọng ngậm ngùi.

Hôm 4/4, TAND Thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho rằng, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy đại lý Triều Phát đã vi phạm nguyên tắc giao dịch dân sự dẫn đến việc bà Tuyết không được nhận 1,5 tỷ đồng như thoả thuận.

"Trước đó, khi tiếp nhận tờ vé số của bà Tuyết, qua kiểm tra bằng máy soi, ông Phúc thừa nhận tờ vé số trúng giải đặc biệt và thỏa thuận trả thưởng, như vậy giao dịch đã thành công. Nhưng ông Phúc lúc đó không trả thưởng cho bà Tuyết, để vụ việc kéo dài đến nay, tờ vé số đó (nếu tìm thấy) cũng không còn giá trị đổi thưởng nữa nên ông phải bồi thường số tiền trúng giải đặc biệt cho bà Tuyết", bản án nêu. Từ đó, tòa tuyên đại lý vé số phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Dù được tòa tuyên thắng kiện, bà Tuyết cho biết "chưa hết lo" vì vụ kiện có thể vẫn còn kéo dài nếu bên ông Phúc tiếp tục kháng cáo. Từ ngày xảy ra vụ việc, bà cũng không được cầm lại tờ vé số đó vì cơ quan chức năng thu giữ để giám định làm cơ sở giải quyết vụ án.

Kết quả giám định của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) về những hình ảnh camera tại đại lý vé số Triều Phát xác định: Tờ vé số của bà Tuyết đưa ông Phúc lúc đầu và tờ vé số ông Phúc đưa cho ông Phương (cậu bà tuyết) ký tên vào sau đó không phải cùng một tờ vé số.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích