Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của Ngân hàng Á Châu (ACB) sáng 8/4, một số cổ đông thắc mắc về khoản nợ cho vay từ 6 công ty liên quan Bầu Kiên sẽ có cách giải quyết như thế nào? Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, ACB đang trong quá trình tích cực xử lý món nợ này. Tính đến thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên là gần 5.800 tỷ đồng (trong đó dự nợ cho vay gần 1.900 tỷ đồng, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ đồng).
Theo ông Toàn, các khoản nợ trên đã được cân đối bằng tài sản đảm bảo và cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Kế hoạch xử lý các khoản nợ này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn theo một cơ chế riêng. Tuy nhiên, ACB còn phải cố gắng, thảo luận đưa ra phương án xử lý với người vay bán tài sản đảm bảo để thu hồi. Trong năm 2016 này, ngân hàng đặt mục tiêu thu hồi ở mức 2.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cũng đánh giá nợ đã cân đối theo giá tài sản hiện nay và có thể thu hồi được nợ gốc. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của nhóm 6 công ty được đánh giá thường xuyên hàng quý.
Ông Đỗ Minh Toàn (phải) cho biết năm nay ACB cố gắng thu hồi 2.000 tỷ đồng trong nhóm nợ liên quan 6 công ty Bầu Kiên. |
Tổng giám đốc ACB cho biết thêm, kế hoạch năm 2016 là trích lập dự phòng 1.500 tỷ đồng, riêng trích dự phòng cho nhóm 6 công ty liên quan Bầu Kiên là 1.000 tỷ, và quý I vừa qua đã trích 200 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ trên, ông Toàn cũng chia sẻ thông tin liên quan hai khoản tiền gửi liên ngân hàng tại các ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB) và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).
Trong đó, khoản nợ 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, từ quý IV/2015, ACB và nhà băng này dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã cơ cấu khoản nợ trong 5 năm (mỗi năm trả một phần năm). Tức là khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình đã được phê duyệt đến ngày 30/9/2020 và mức lãi mà CB phải trả cho ACB là 2% một năm. Khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng trụ sở của Ngân hàng Xây dựng với giá trị tài sản đảm bảo được định giá là hơn 400 tỷ đồng.
"Năm 2015, ACB đã trích dự phòng 176 tỷ đồng, theo đánh giá của ban lãnh đạo, nếu đến quý II/2016, khoản này trở lại nợ nhóm một thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng", ông Toàn nói.
Riêng khoản tiền 772 tỷ tại GPBank, ông Toàn cho biết, ACB đã đàm phán mua tài sản cố định để gán nợ. Tính đến ngày hôm qua (7/4), ACB đã mua nợ hơn 500 tỷ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt, với lãi suất 9,2%. Khoản còn lại 272 tỷ, từ nay đến 30/9, ACB chuẩn bị thủ tục mua tài sản do GPBank sở hữu trên cở sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên ngân hàng không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.
Chia sẻ thêm về những khoản nợ liên quan đến các khoản nợ của công ty Bầu Kiên, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng TP.HCM cho rằng, nhóm nợ 6 công ty trên được cho cơ chế riêng để giải quyết tới 2019-2010 vì nó xuất phát từ những tồn đọng trong quá khứ và bản thân Ngân hàng Á Châu không thể tự giải quyết được.
"Tuy nhiên, khi đã có cơ chế rồi thì bản thân ACB cũng phải có sự quyết tâm cao trong đó tăng cường trích lập dự phòng, tăng cường thu hồi nợ", ông Dũng đánh giá đồng thời giải thích thêm về vấn đề cổ tức khi nhiều cổ đông thắc mắc không được nhận tiền mặt.
Theo ông Dũng, ACB năm nay chia 10% cổ tức được đánh giá là khá tích cực so với nhiều ngân hàng khác chỉ được 3-5%, thậm chí có đơn vị không có. Và hình thức chia thì Ngân hàng Nhà nước khuyến khích chia bằng cổ phiếu nên ACB năm nay không chia bằng tiền mặt. Điều này nhằm mục đích tăng tính bền vững trong hoạt động cho ngân hàng.
Tại đại hội, Chủ tịch ACB - Trần Hùng Huy cũng cho biết năm qua ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn nhưng nhà băng đã đạt một số chỉ tiêu đáng khích lệ. Theo đó, kết thúc năm 2015, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch.
Ông Huy cho rằng, nếu tính thuần tuý con số hoạt động kinh doanh (loại bỏ những tồn đọng của quá khứ) thì ACB đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 201.457 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014. Nhà băng này đã nâng vốn huy động lên 175.000 tỷ theo kế hoạch đầu năm, mức tăng trưởng 13%, với nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 30% (cùng kỳ tăng 15%).
Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay tại ACB tăng trưởng đạt tối đa 15% theo hạn mức phân bổ của Ngân hàng Nhà nước, trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng mạnh 25%. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,32% so với mức 2,17% tại thời điểm cuối năm 2014.
Với xu thế mới, ông Huy cho biết ACB sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, các giải pháp mới và luôn chấp nhận thay đổi. Trong năm 2016, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến tăng 14% so với năm trước, chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng; tín dụng của ngân hàng sẽ tăng trưởng tối đa hạn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, dự kiến khoảng 18%, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng ở mức 18%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Ngân hàng Á Châu cũng dự kiến thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2015 với tỷ lệ 10% (được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước ngày 29/3/2016). Tổng số vốn tăng thêm là 896 tỷ đồng, tăng từ mức vốn hiện tại 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết do ACB là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn để áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.
Hơn nữa, việc tăng vốn điều lệ trên vốn chủ sở hữu do vậy sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các chương trình cấp tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, việc tăng vốn giúp ACB nâng cao năng lực tài chính, ứng phó biến động thị trường.
Về chủ trương thành lập Công ty Tài chính tổng hợp hoặc mua lại công ty tài chính đã được thông qua từ Đại hội đồng cổ đông năm 2015, Ban kiểm soát của ngân hàng cho biết Hội đồng quản trị ACB đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Đại diện cổ đông Standard Chartered Bank, ông Julian Fong Loong Choon đã gửi đơn từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Trong thư, ông xác nhận không có bất kỳ khiếu nại gì đối với ngân hàng mà có liên quan đến sự từ nhiệm của ông.
Tại đại hội, đại diện Standard Chartered Bank cũng chia sẻ, trong các năm qua, ngân hàng này đã cử người vào để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, và hiện giờ ACB đã cơ bản ổn định với nhiều nhân sự tốt nên Standard Chartered đã rút dần nhân sự biệt phái của mình về.
"ACB có ba cổ đông nước ngoài, Standard Chartered đầu tư năm 2005 với 15% vốn, và giờ chúng tôi khẳng định tiếp tục là đối tác chiến lược và đầu tư bền vững vào ngân hàng này", Phó chủ tịch ACB, đại diện Standard Chartered cho biết.
Theo VNE