Rải tiền ngàn tỷ
Mở đầu bài bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Nguyễn Tiến Hùng - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: các bị cáo, bị hại đều có những điểm chung là lòng tham và sự cả tin.
Một số bị cáo không thu lợi thì liên đới bởi sự vị nể và không nhìn thấy trước hậu quả có thể xảy ra. Các bị hại đa phần đều bị chiếm đoạt tài sản bởi ham muốn thu về những lợi ích kếch xù, sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc cơ bản nên bị cáo Như mới dễ dàng qua mặt.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như |
Để làm sáng tỏ nhận định trên, luật sư Hùng nhắc lại quá trình Huyền Như tiếp cận, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 công ty, 3 ngân hàng và các cá nhân như bản cáo trạng nêu.
Trong đó, để huy động gần 1.500 tỷ đồng rồi chiếm đoạt 80 tỷ đồng của Công ty Thái Bình Dương, bị cáo Như phải "lại quả" cho Phạm Anh Tuấn trên 121 tỷ đồng tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Như khai cũng phải trả công môi giới cho Trần Hoàng 30 tỷ đồng tuy nhiên người này thừa nhận chỉ nhận 4 tỷ đồng. Như vậy, bị cáo Như đã "lỗ" khoảng 45 tỷ đồng.
Tương tự, để huy động vốn rồi chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Như sẵn sàng rải tiền khi chấp nhận trả mức lãi suất trong và ngoài hợp đồng từ 32 - 36%/năm.
Ngoài ra, Như khai chi cho Vũ Minh Hải khoảng 30 tỷ đồng tiền môi giới nhưng quá trình điều tra Hải chỉ thừa nhận đã nhận 20 tỷ đồng.
Không chỉ chịu chi lãi suất cao ngất ngưởng, các khoản "ngoại giao", Như cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho những đối tượng cho vay lãi nặng. Như vay của Nguyễn Thiên Lý 554 tỷ đồng, Nguyễn Thị Lành 7.842 tỷ đồng...
Sau khi lừa các đơn vị, cá nhân có tiền, Như dùng 1.296,3 tỷ trả cho Nguyễn Thiên Lý, 9.028 tỷ trả cho Lành, còn rất nhiều đối tượng khác.
Chị gái lương chỉ 3-8 triệu đồng
Bị cáo Phạm Anh Tuấn - người bị cáo buộc đã nhận 121 tỷ đồng của Huyền Như, bị đề nghị mức án từ 13-15 năm tù. |
Tại tòa, khi được hỏi, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh - chị gái Huyền Như bật khóc khi nói về hành trình phạm tội. Bị cáo Hạnh không ngờ bị chính em ruột đưa vào vòng lao lý.
Lúc còn làm nhân viên cho Như, bị cáo được trả lương 3 triệu đồng/tháng, khi lên làm Phó giám đốc công ty lương cũng chỉ ở mức 8 triệu đồng.
Ngoài các khoản trên, Hạnh không được thu lợi bất cứ khoản nào khác trong khi em gái liên tục rải những khoản tiền ngàn tỷ. Với việc ký vào hồ sơ giả cho Như vay tiền, bị cáo Hạnh bị VKS đề nghị mức án từ 16-18 năm tù.
Phần bào chữa của luật sư Trương Thị Hòa đối với bị cáo Hạnh khiến người nghe không khỏi xúc động. Một người phụ nữ ít học, kiếm sống bằng công việc bán hột vịt lộn hàng ngày chỉ vì tin tưởng em gái đã dính vòng lao lý khi bụng mang thai.
Những ngày tháng sắp tới, 3 đứa con nhỏ không biết sẽ ra sao. Bị cáo chia sẻ với luật sư một khát khao duy nhất lúc này là được quay về với công việc bán hột vịt lộn ngày nào để có tiền nuôi con.
Mẹ già, chị gái cuộc sống chẳng mấy khá giả trong khi những khoản tiền tỷ được rải rất nhiều nơi. Không biết lúc chi tiền, Huyền Như có nghĩ đến những tình huống này không?
Cũng trong phần đề nghị mức án, bị cáo Nguyễn Thiên Lý bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù về tội "cho vay lãi nặng", tổng hợp với bản án 4 năm tù trước đó bị cáo chưa thi hành thành 6 năm 6 tháng đến 7 năm tù. |
Theo VNN