“Siêu lừa” cũng là nạn nhân?
Luật sư Nguyễn Văn Ngoan - 1 trong 3 luật sư bào chữa cho Huyền Như - cho rằng thân chủ của mình là một phụ nữ giỏi giang, có nhiều ước mơ, hoài bão. Tốt nghiệp đại học, Huyền Như vừa làm nhân viên cho VietinBank, vừa bỏ vốn đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản.
Cách nay 7 năm, cô gái trẻ đã có số cổ phiếu trị giá hơn 50 tỷ đồng. Có nhiều tiền nhưng Huyền Như chưa muốn dừng lại, với tham vọng của tuổi trẻ, cô vay mượn thêm 200 tỷ để đầu tư phát triển sự nghiệp. Nhưng cũng từ lúc này, thị trường bất động sản và chứng khoán liên tục giảm giá khiến việc kinh doanh của Như thua lỗ và cô phải gánh khoản nợ khổng lồ.
Huyền Như tỏ ra khá mệt mỏi sau nhiều ngày đứng trước vành móng ngựa. |
Đến năm 2010 cô ta mất khả năng trả nợ. Áp lực từ những món vay "đen" khiến Huyền Như lâm vào bước đường cùng, cô bắt đầu làm giấy tờ, hồ sơ giả để vay của nơi này trả cho nơi khác với hy vọng giá nhà đất và chứng khoán tăng trở lại.
Huyền Như sử dụng chiêu thức cũ nhưng vẫn hiệu quả đó là sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao, thậm chí cao hơn 10 lần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mức lãi suất hấp dẫn này đã đánh vào lòng tham của khách hàng, khiến rất nhiều đơn vị, công ty, cá nhân dồn tiền cho cô vay.
"Nhưng với mức lãi suất “cắt cổ” thì khả năng trả nợ gần như bằng không, vì thế trong vụ án này Huyền Như thực chất cũng chỉ là nạn nhân, là người bị chiếm đoạt tiền mà người chiếm đoạt chủ yếu là nhóm người cho vay lãi nặng. Trong số tiền gần 4.000 tỷ bị cáo lừa đảo của các tổ chức, cá nhân thì những đối tượng cho vay lãi nặng đã hưởng hơn nửa. Đồng thời, lãnh đạo và đại diện các tổ chức bị hại, người môi giới cũng hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng gần 300 tỷ", luật sư nói.
Còn luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thy đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá các yếu tố khách quan đã tác động trực tiếp đến Huyền Như. Hành vi phạm tội của cô vô cùng đơn giản, không hề tinh vi hay có sự phân công cụ thể nào. Huyền Như chỉ giả chữ ký, làm giả hồ sơ tại VietinBank để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi vào ngân hàng này.
"Mỗi ngân hàng đều có quy trình quản lý riêng, nhưng hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng này quá sơ hở để Huyền Như chiếm đoạt tài sản. Công tác giám sát nội bộ của VietinBank cũng có vấn đề khi để bị cáo lũng loạn trong thời gian dài", luật sư Quỳnh Thy nói.
Theo luật sư, chính sự cả tin, nhập nhằng trong các hợp đồng uỷ thác, cho vay của những đơn vị, cá nhân này đã tạo điều kiện cho Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt tài sản, gây nên một vụ án chấn động lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam.
Luật sư bất ngờ khi Viện KSND đề nghị mức án
Sau phần bào chữa của các luật sư bảo vệ cho Huyền Như, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư khác.
Các bị cáo tại phiên tòa chiều 13/1. |
Luật sư Trương Thị Hòa - bào chữa cho Huỳnh Mỹ Hạnh - cho biết bà rất bất ngờ khi thân chủ của mình bị Viện KSND đề nghị mức án từ 16 - 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Hòa, trong vụ đứng tên vay tiền thay cho Huyền Như tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), Hạnh không biết em gái đã làm giả hồ sơ và nếu VIB thực hiện đúng, đầy đủ quy trình thủ tục thì không có sự việc đáng tiếc này xảy ra.
Bản thân bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh không hề tham gia hay có bất cứ sự bàn bạc nào trong việc thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Hạnh là chị của Huyền Như, vì quá tin vào tình ruột thịt, cộng với thiếu hiểu biết nên dễ dàng bị em gái dắt vào con đường phạm tội.
"Đây là lần đầu tiên Hạnh gây án và cũng không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội này. Mẹ, cha bị cáo là những người có đóng góp cho cách mạng, đồng thời Hạnh gây án khi đang mang thai và đã thành khẩn khai báo. Bị cáo có 3 con nhỏ chưa thành niên nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", luật sư Hòa nói trước tòa.
"Khi tôi hỏi ra tù thì bị cáo làm gì để nuôi con, Hạnh nói sẽ tiếp tục đi bán trứng vịt lộn", luật sư Hòa cho biết thêm.
Theo Zing.vn