Cả trăm ngàn người biểu tình chiếm Bangkok

Thứ ba, 14/01/2014, 08:24
Ngày 13/1, phe biểu tình Thái Lan bắt đầu chiến dịch “đóng cửa thủ đô” và phong tỏa nhiều khu vực trọng điểm của Bangkok.


Người biểu tình chiếm bùng binh tượng đài Chiến Thắng - Ảnh: Minh Quang

Bốn trong 6 làn xe của con đường Rachawithi dẫn đến tượng đài Chiến Thắng, một trong những điểm trung chuyển lớn của Bangkok, bị chiếm dụng làm nơi đậu xe của người biểu tình, còn 2 làn trở thành nơi đóng quân. Họ tập trung thành từng nhóm và giăng bạt cắm trại ngay giữa vòng xoay nơi hằng ngày có cả triệu lượt xe qua lại.

Tất cả các ngả đường đổ về bùng binh tượng đài Chiến Thắng đều bị chiếm giữ. Lượng người tham gia lớn đến mức bịt kín cả khu này khiến không một phương tiện giao thông nào có thể ra vào thủ đô.

Tượng đài Chiến Thắng là cửa ngõ đầu tiên để phe chống đối tiến vào bên trong chiếm những điểm huyết mạch khác của Bangkok với sự ủng hộ của thêm nhiều người khác sau giờ tan tầm. Cả 7 địa điểm bị chiếm giữ đều nằm ở những khu vực thương mại và hành chính đầu não của Bangkok, tạo nên một chuỗi liên kết siết chặt thủ đô.

Không khí dường như bị nén lại cùng tiếng hò hét đinh tai của người biểu tình và những lời hô hào của các thủ lĩnh phát từ loa phóng thanh cực đại trên sân khấu được dựng giữa các đại lộ.

Người biểu tình còn kéo đến các cơ quan chính phủ trong và ngoài Bangkok để buộc công chức ngưng làm việc, thậm chí đột nhập vào cả trụ sở Cảnh sát Quốc gia. Theo ghi nhận của phóng viên, có hàng trăm ngàn người tham gia cuộc biểu tình lớn hôm qua nhưng chưa có cơ quan nào đưa ra con số thống kê.

Thủ lĩnh phe chống đối Suthep Thaugsuban tuyên bố “lại một ngày lịch sử nữa được ghi nhận ở Thái Lan”. Đứng trên sân khấu chính ở khu Pathumwan, ông này còn nói rằng sẽ không thương lượng hay nhân nhượng với chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra để có cái gọi là cả hai cùng thắng. Thay vào đó phe biểu tình chỉ chấp nhận chiến thắng hoặc thất bại.

Mặc dù vậy, thủ đô Thái Lan hôm qua không đến mức tê liệt hoàn toàn và hoạt động ở các khu vực không bị chiếm đóng vẫn diễn ra tương đối bình thường. Lực lượng an ninh không có động thái nào để ngăn cản người biểu tình mà chỉ đứng canh gác không để xảy ra sự cố.

Phát biểu trên truyền hình, Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho biết không có bạo động xảy ra nên chính phủ vẫn chưa cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại vì trong những lần biểu tình trước thường xảy ra bạo lực đột ngột do các phần tử lạ mặt kích động, dẫn đến bạo động. Thật ra, trong hôm qua cũng đã có ít nhất 2 vụ nổ súng chưa rõ thủ phạm nhằm vào phe đối lập nhưng không có người chết.

Trong ngày 13/1, Thủ tướng Yingluck nhóm họp với nội các trong khuôn viên doanh trại quân đội. Đến chiều, bà rời khỏi khu vực này và trở về tư gia mà không đưa ra phản ứng về cuộc đại biểu tình. Thay vào đó, Thủ tướng Yingluck đề nghị gặp các đảng vào ngày 15/1 để bàn về có nên hoãn ngày bầu cử dự kiến diễn ra vào 2/2 hay không.

Đến cuối ngày, phe biểu tình dọa sẽ chiếm Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan và cả sân bay nếu như bà Yingluck không từ chức và cũng đặt thời hạn đến 15/1 để thực hiện hành động tiếp theo.

Trong khi đó, ở các tỉnh, đặc biệt là miền Bắc Thái Lan, phe áo đỏ cũng tổ chức biểu tình để ủng hộ chính phủ và phản đối chiến dịch “chiếm Bangkok”. Tuy nhiên, phe này sẽ không tiến vào thủ đô vì không muốn gây xung đột.

Theo Hiến pháp Thái Lan, người dân được quyền bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa bằng cách kêu gọi tụ tập biểu tình để phản đối chính phủ hay tổ chức chính trị, xã hội. Tuy nhiên, luật Thái Lan cấm biểu tình gây bạo động, rối loạn an ninh xã hội hoặc làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Người huy động biểu tình hơn 7 người mà bạo loạn sẽ bị buộc tội nổi loạn với mức án cao nhất là 20 năm tù giam. Vì thế, chính phủ Thái không thể ngăn cấm phe chống đối phong tỏa Bangkok mà chỉ có thể xử phạt nếu có bạo động, thiệt hại hoặc những người bị ảnh hưởng có thể khởi kiện.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn