Huyền Như lừa đảo 4.000 tỷ: Giao dịch bằng niềm tin

Thứ ba, 23/12/2014, 07:15
Mặc dù đã được mời lên làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng nhiều người thân của bị cáo Lý không đến. Đây có thể là điều bất lợi cho những người này.

 - 2

Vay hàng trăm tỷ không cần sổ sách

Ngày 22/12, phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên tòa, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung (Cựu giám đốc công ty TNHH Dung Vân) cho biết đã cho Như vay 265,5 tỷ đồng. Như đã trả hơn 440 tỷ đồng.

Dung tiết lộ tại tòa, lãi suất Như vay nóng, trả trong vòng 1 đến 3 ngày là 0,4% ngày, còn vay thế chấp thì 2% tháng. Tất cả các số tiền cho vay và nhận lại, Dung đều không ghi vào sổ sách. Ngoài ra, năm căn nhà được thế chấp cũng không đăng ký với cơ quan chức năng.

 - 1

Như giao dịch với Dung hàng trăm tỷ đồng không cần giấy tờ.

Dung cho rằng, mức tiền lãi 170 triệu đồng cơ quan chức năng đưa ra là không chính xác. Tuy nhiên, khi yêu cầu trưng ra các bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình thì Dung không làm được. Ngoài ra, Dung cũng mong cơ quan chức năng xem xét số tiền 150 tỷ đồng cho Như vay vì chưa lấy được khoản lợi nào.

“Trong quá trình vay, Như đều vay trong vòng từ 1 đến 4 ngày, trả nợ và lãi sòng phẳng. Từ đây, bị cáo tin tưởng. Do đó, bị cáo không hề ghi vào sổ sách. Khi giao dịch với Như, tất cả chỉ bằng niềm tin”, bị cáo này khai nhận.

Đại gia khóc tại tòa

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Lý (bị kết án 2 năm về tội cho Vay nặng lãi) khai nhận, thông qua một môi giới chứng khoán, đã quen biết với Như. Qua lời người môi giới này, Như là một “mối làm ăn lớn”. Qua tiếp xúc một vài lần, Lý cũng bị sự sang trọng cùng “miệng lưỡi” của Như thuyết phục. “Ban đầu, chỉ là quan hệ làm ăn, nhưng sau đó là quan hệ cho vay”, Lý nói.

Theo hồ sơ vụ án, Lý trực tiếp gặp Như và đề nghị cho Như vay với lãi suất 0,4%/ngày. Ban đầu, Như vay 100.000 USD và khoảng 3 tỷ đồng. Sau đó, số tiền vay ngày một lớn. Tổng số tiền Như vay của Lý là 554 tỷ đồng và 340.000 USD.

Lý đã nhận tổng số tiền cả gốc và lãi hơn 1.294 tỷ đồng. Trong đó, làm việc với cơ quan chức năng, cả hai chỉ mới thống nhất xác nhận được hơn 672 tỷ đồng, còn 633 tỷ đồng, cả hai vẫn chưa thể xác định đồng nhất. Cơ quan chức năng cũng xác định Lý thu lợi bất chính 735 tỷ đồng.

 - 2

Như được viện dẫn sau phiên tòa.

Lý cho rằng, số tiền cơ quan chức năng đưa ra là không chính xác. Bởi, trước đó, Lý đưa nhiều lần với số tiền khá lớn, được ghi vào sổ tay nhưng cơ quan chức năng chưa đề cập đến.

Bị cáo này cho rằng, mức án 2 năm tù giam tòa sơ thẩm tuyên cho mình là quá nặng và xin cấp phúc thẩm xem xét. “Trong vụ án này, bị cáo chỉ là một nạn nhân”, Lý nói. Bất ngờ trước câu nói của Lý, vị chủ tọa hỏi, nếu không phạm tội Cho vay nặng lãi thì phạm tội gì, Lý nhanh nhảu đáp: “Bị cáo phạm tội tin Như”.

Dường như, trước những lời của mình không được HĐXX đồng ý, nhiều lần, Lý mất bình tĩnh khóc ngay tại tòa. Do đó, HĐXX phải liên tục nhắc nhở bị cáo này phải giữ bình tĩnh để trả lời các câu hỏi.

Thế nhưng, khi được gọi lên đối chất, Huyền Như khẳng định, những con số đã làm việc với cơ quan chức năng trước đây là chính xác. Những con số cơ quan chức năng nhắc đến, chủ yếu dựa vào sổ tay ghi chép của Lý và đã đối chất, khớp mới đưa vào hồ sơ vụ án.

Tự tước đi quyền lợi của mình

Ngay vào buổi chiều, Lý vẫn một mực giữ nguyên lời khai của mình. Ngoài ra, Lý cho biết, trong các tài sản bị kê biên, có một căn nhà ở quận 1 là của nhiều người đứng tên chứ không phải chỉ riêng của mình.

Vị chủ tọa cho biết, tài sản kê biên không đồng nghĩa với việc là tài sản phạm pháp mà có. Thật ra, cơ quan chức năng kê biên là để tránh trường hợp các bị cáo tẩu tán tài sản. Trong quá trình xem xét hồ sơ, HĐXX cũng đã xem xét đến căn nhà này và mời những người được cho là đồng sở hữu. Tuy nhiên, khi được mời đến tòa làm việc, dự tòa, những người này đều không có mặt.

 - 3

Các đồng phạm của Như.

Lý cho biết, một người trong đó đang mang thai tháng thứ 5 và đang bị động thai nên không đến tòa được. “Bị cáo có đưa theo giấy khám thai để xác minh”. Ngoài ra, hai người khác, một người đang ở nước ngoài và một người đang đi công tác. “Ai cũng có lý do, thưa chủ tọa”, Lý nói.

Vị chủ tọa nhẹ nhàng cho biết, khi xét xử, để làm rõ các vấn đề của vụ án đã mời những người liên quan. Những người Lý nhắc đến cũng đã được gửi giấy mời. Nếu những người này cảm thấy quyền lợi của mình thì sẽ có mặt tại tòa để bảo vệ quyền lợi. Nếu họ không đến thì tòa không thể xác minh được như thế nào. Điều này có thể, họ đã tước đi quyền lợi của mình.

Theo Khám phá

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích