Diễn biến bất ngờ
Liên quan đến diễn biến mới vụ "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Lang (SN 1950, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã có đơn kiến nghị gửi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đề nghị đưa bà vào tham gia tố tụng.
Hình ảnh căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng đứng tên bà Lang. |
Bà Lang cũng đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án, trả lại cho bà khu villa có diện tích gần 3.000 m2, trị giá 43 tỷ đồng.
Theo đó, trong đơn gửi tòa, bà Lang cho biết hiện mình là người có quyền sở hữu hợp pháp đối với khu villa H2 có diện tích 2.939 m2, trị giá 43 tỷ đồng, thuộc dự án Nam Hải Resort do Công ty Indochina Resort (Hội An) làm chủ đầu tư.
Căn villa trên đã bị TAND TP.HCM tuyên tịch thu, tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án phần trách nhiệm dân sự của Huyền Như.
Giải thích về lý do tại sao Huyền Như khai đây là tài sản của mình, bà Lang trình bày do trước đây, khi bị cơ quan công an khởi tố, Huyền Như lo sợ bị các chủ nợ siết tài sản của mình và gia đình nên chủ động khai báo, đề nghị cơ quan công an phong tỏa tài sản, trong đó có khu villa của bà.
Ngoài đơn kiến nghị gửi tòa, bà Lang cũng có đơn mời hai luật sư là luật sư Nguyễn Văn Sáng và luật sư Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.
Vậy liệu bà Lang có đòi được tài sản? Các cơ quan tố tụng có sai sót khi không đưa người phụ nữ này vào tham gia tố tụng?
Cơ quan tố tụng sai sót?
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng theo thông tin dư luận phản ánh thì quá trình điều tra Huyền Như khai tài sản trên là tài sản của mình.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tố Tụng Hình sự thì lời khai của bị can, bị cáo phải phù hợp với các chứng cứ khác. Dù Huyền Như khai là tài sản của Huyền Như nhưng cơ quan điều tra vẫn phải xác minh người đứng tên sở hữu các tài sản là ai?
Bà Lang trong căn nhà tạm, bán cà phê kiếm sống qua ngày. |
Quá trình điều tra và cấp sơ thẩm đã lấy lời khai của bà Lang hay chưa? Và dù thế nào cơ quan tố tụng vẫn phải đưa bà Lang vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc ít nhất cũng là người làm chứng.
Việc không đưa bà Lang vào tham gia tố tụng là một thiếu sót nghiêm trọng.
Về việc liệu bà Lang có đòi được khu villa hay không, luật sư Đức cho biết nếu cơ quan tố tụng chứng minh được nguồn gốc số tiền để mua căn biệt thự trên là tài sản Huyền Như phạm tội mà có thì có quyền tuyên tịch thu để đảm bảo thi hành án.
Ngược lại, nếu các cơ quan tố tụng không chứng minh được thì buộc phải tuyên trả lại cho bà Lang vì bà là người đứng tên sở hữu hợp pháp.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng khi không đưa bà Lang vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Dù quá trình điều tra Huyền Như khai thế nào thì các cơ quan tố tụng cũng phải xác minh tài sản do ai đứng tên, việc quản lý, sử dụng như thế nào...
Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản không bắt buộc phải có nghĩa vụ chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản, việc này thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.
Nếu cơ quan tố tụng chứng minh được nguồn gốc số tiền mua tài sản trên do Huyền Như phạm tội mà có thì mới có quyền tuyên tịch thu để đảm bảo thi hành án.
"Cần thận trọng đánh giá"
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Lê Hà Thúy Lan - Đoàn luật sư TP.HCM tỏ ra thận trọng khi cho rằng cần phải xem xét nhiều tình tiết liên quan, hồ sơ vụ án khi đánh giá về vấn đề này.
Luật sư Lan chia sẻ, theo nguyên tắc, khi kê biên tài sản, cơ quan điều tra phải thông báo đến người đứng tên chủ sở hữu tài sản. Do vậy, cần xem xét khu villa trên bị kê biên từ trước hay sau này. Nếu đã kê biên từ giai đoạn điều tra thì bà Lang đã nhận được lệnh kê biên tài sản hay chưa?
Theo luật sư Lan, cũng cần xem xét trong biên bản kê biên tài sản bà Lang có ký hay không? Nếu đã nhận lệnh kê biên hay ký biên bản kê biên thì từ trong ý thức bà Lang phải biết. Nếu không đồng ý, khi nhận thông tin, người bị kê biên tài sản có quyền khiếu nại, khởi kiện trong thời hạn luật định.
Ngoài ra, cần xác minh xem cơ quan điều tra có lấy lời khai của bà Lang về tài sản trên hay chưa? Nếu đã lấy lời khai thì bà Lang và Huyền Như đã khai như thế nào về tài sản này...
Nếu đã nhận, biết thông tin tài sản của mình bị kê biên nhưng bà Lang và Huyền Như vẫn "im lặng" trong thời gian kéo dài suốt thời gian qua đến giờ mới kiến nghị là rất khó xem xét.
"Từ các căn cứ trên, cấp phúc thẩm mới có thể quyết định có trả lại tài sản cho bà Lang hay không. Mặt khác, nếu ngay từ đầu, bà Lang đã đề nghị được tham gia tố tụng nhưng không được chấp nhận thì mới là thiếu sót của cơ quan tố tụng" - luật sư Lan phân tích.
Trước đó, sau khi vụ án được phanh khui, dư luận biết đến bà Nguyễn Thị Lang với hình ảnh một người mẹ nghèo, từng tham gia cách mạng và đang có một cuộc sống tương đối khó khăn. Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - chị gái Huyền Như là một người phụ nữ nghèo, sống bằng nghề bán hột vịt lộn.
Theo VNN