Thầy không ra thầy, trò không ra trò...
Clip dài hơn 1 phút ghi lại hình ảnh một thầy giáo trẻ mặc áo trắng đang quát mắng một nam sinh mặc áo đen rồi tát liên tiếp 4 cái vào mặt nam sinh này. Ngay sau đó, một nam sinh khác tiến lên bục giảng và hỏi thầy giáo: “Sao thầy đánh nó dữ thế?”. Thầy giáo lại quát tháo và tát luôn một cái rất mạnh vào mặt nam sinh này. Nam sinh liền xông lên tấn công đánh trả thầy giáo ngay trên bục giảng. Phía dưới một số học sinh chạy lên can ngăn, lôi nam sinh xuống phía dưới và nói vọng lên: “Chúng tôi đóng tiền vô đây học để ông đánh à?”.
Hình ành thầy quát mắng và đánh trò ngay trên bục giảng (ảnh cắt từ clip)..
Ngày 18/2, ông Đào Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Định xác nhận: Clip đó được quay tại tiết Hóa học của lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Huệ - xã Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định. Thầy giáo trong clip là thầy Trần Anh T, 24 tuổi, được ký hợp đồng ngắn hạn 2013-2014. Học sinh thứ nhất bị thầy đánh tên là Ng, học sinh thứ 2 bị đánh và tấn công lại thầy là L.
Ngày 18/2, cô Quách Nguyễn Huyền Trân – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết, sự việc này diễn ra trước Tết, nguyên nhân là do lớp học quá ồn, thầy giáo thiếu kiềm chế nên đã đánh học sinh để răn đe. “Nhà trường đã yêu cầu cả học sinh và thầy giáo viết bản kiểm điểm và tổ chức họp phụ huynh. Thầy T đã xin lỗi phụ huynh và học sinh trước lớp. Học sinh đánh lại thầy cũng đã nhận lỗi”.
Cô Trân cũng cho rằng: “Cách cư xử của cả thầy và trò trong sự việc trên đều không thể chấp nhận được. Thời điểm này đang là giữa học kỳ 2 nên nhà trường không muốn sự việc làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Việc đưa ra kết luận xử lý với giáo viên, học sinh thuộc về Sở GDĐT”.
Về phía Sở GDĐT Bình Định, ông Cao Văn Bình - Phó Giám đốc Sở cho biết thêm: “Sở đang xem lại báo cáo của trường về vụ việc và chờ Giám đốc Sở đi công tác nước ngoài về để đưa ra quyết định xử lý”. Ông Bình cũng cho rằng, đây là một hình ảnh rất phản cảm trong môi trường giáo dục, Sở sẽ có phương án xử lý khách quan nhất.
Trước đó, đã có không ít sự việc liên quan đến đạo đức học đường được phản ánh. Tháng 4/2012 một clip dài 3 phút ghi lại hình ảnh cuộc “khẩu chiến” của một học viên cao học Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) với một giảng viên. Nguyên nhân là do học viên trong lớp không nghe giảng lại lớn tiếng nói chuyện điện thoại, khi bị giảng viên nhắc nhở thì vùng vằng, cãi tay đôi với thầy. Trước đó, đã từng xảy ra vụ việc một học sinh lớp 10 Trường THPT Nghi Lộc III (Nghi Lộc, Nghệ An) xông vào phòng học hành hung một cô giáo khiến cô này bị động thai, dẫn tới hư thai…
“Lỗ hổng” đạo đức
Sự việc thầy trò “hỗn chiến” trên bục giảng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc xuống cấp đạo đức trong môi trường sư phạm. Nhận định về việc này, GS Văn Như Cương cho rằng: “Dù vì bất kỳ lý do gì thì những hành động của cả thầy và trò đều không thể chấp nhận được. Học trò dù đóng tiền để được học, có quyền dân chủ nhưng không được phản kháng kiểu “vô giáo dục” như vậy, người thầy không biết kiềm chế, đánh học sinh là vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Đồng tình với quan điểm này, TS Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt cho rằng, cần có hình thức xử phạt để răn đe các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm.
Ông Hoành cũng chỉ ra trong Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng ghi rõ: “Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người học. Phạt tiền từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo”.
Ở một khía cạnh khác, các giáo viên lại cho rằng, việc chưa chú trọng dạy kỹ năng xử lý tình huống sư phạm đã tạo “lỗ hổng” về đạo đức trong nghề giáo. Cô Nguyễn Thị Ninh – một giáo viên trẻ tốt nghiệp ĐH Sư phạm cho biết: “Trong trường, bộ môn tâm lý giáo dục nhưng việc học rất mô phạm. Hầu hết đều là những kiến thức sách vở, các giảng viên không đưa được ra nhiều tình huống thực tế để sinh viên thực tập. Khi sinh viên ra trường họ chỉ biết xử lý các tình huống bằng chính kinh nghiệm non nớt của mình”. Cũng theo cô Ninh, nếu không có sự kiềm chế, giáo viên rất dễ rơi vào tình huống xô xát với học sinh.
Mới đây, góp ý cho ngành giáo dục tại Hội nghị quán triệt về việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Có những thứ không cần đến đề án triệu đô, không cần đến tiền mà vẫn có thể làm ngay, đó là việc dạy cho học sinh, giáo viên đạo đức làm người”. Thiết nghĩ ngành giáo dục cần lưu tâm đến vấn đề này đầu tiên khi bắt tay vào đổi mới giáo dục.
Theo tôi nên tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc trước khi đánh giá hay nhận xét. Tuy nhiên có thể khẳng định, thầy giáo ở đây đã có những hành động bột phát sai lầm, thiếu kỹ năng về ứng xử trong sư phạm. Cũng không thể nói đó là vấn đề nổi cộm trong giáo dục mà đây chỉ là những trường hợp bột phát ở một số địa phương mà thôi". Cô Đào Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang Đây là thầy giáo trẻ mới ra trường, còn thiếu kiến thức về đạo đức nghề giáo và rõ ràng là không hiểu về pháp luật. Tuy nhiên cũng cần xem xét biện pháp xử phạt phù hợp vì đây mới chỉ là thầy giáo trẻ và mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn về phía học trò, tôi thấy mừng là cả lớp đã không hùa vào với bạn đánh thầy mà đã có hành vi can ngăn. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội |
Theo Dân Việt