Bạo lực bùng phát trở lại ở thủ đô Kiev, Ukraine - Ảnh nguồn: Xã luận
Tình trạng bạo lực diễn ra ở quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev tối qua, khi cảnh sát tiến vào khu vực của người biểu tình để tháo dỡ lều trại và giải tán đám đông.
Nhiều người chết do những phát súng và hàng trăm người bị thương, trong đó hàng chục người ở trong tình trạng nghiêm trọng, Reuters dẫn lời cảnh sát và đại diện phe đối lập nói.
Trước đó cơ quan an ninh quốc gia Ukraine ban đầu gia hạn cho người biểu tình chấm dứt tình trạng hỗn loạn, nếu không muốn đối mặt với "những biện pháp cứng rắn". Cảnh sát sau đó tiến vào Quảng trường Độc lập, trung tâm của chiến dịch biểu tình.
Người biểu tình phản ứng bằng bom xăng, pháo hoa và gạch đá, khi cảnh sát tiến chậm về phía trước. Cảnh quay trực tiếp trên truyền hình cho thấy cảnh sát ném lựu đạn vào người biểu tình. Hai bên được ngăn cách bằng một dãy lều đang cháy, lốp cao su và gỗ, quảng trường biến thành một vùng chiến sự. Giao tranh vẫn tiếp diễn vào rạng sáng nay.
Trước đó, một trong những lãnh đạo đối lập, Vitaly Klitschko, phát biểu với người biểu tình ở quảng trường. "Chúng ta sẽ không rời nơi đây. Đây là hòn đảo của tự do. Chúng ta sẽ bảo vệ nó", ông nói.
Ông Klitschko hôm nay cho biết ông đã kết thúc thảo luận với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich mà không đạt được thỏa thuận nào về cách chấm dứt bạo lực ở Kiev.
"Chính phủ phải rút quân ngay lập tức và chấm dứt bạo lực đẫm máu, vì người dân đang chết. Tôi đã nói với ông Yanukovich như thế", Klitschko nói sau cuộc thảo luận đêm khuya. "Làm sao chúng tôi có thể thảo luận khi máu đang đổ?".
Bạo loạn đang lan ra ít nhất ba thành phố ở miền Tây Ukraine. Cảnh sát cho biết người biểu tình chiếm các trụ sở chính quyền khu vực ở các thành phố Ivano-Frankivsk và Lviv. Truyền thông địa phương đưa tin người biểu tình đốt Sở cảnh sát chính ở Ternopil.
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ ra từ tháng 11, sau khi ông Yanukovich rút khỏi một thỏa thuận thương mại như dự kiến với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó quyết định chấp nhận viện trợ của Nga.
Các nước phương Tây từng cảnh báo Yanukovich về việc trấn áp các cuộc biểu tình thân EU, hối thúc ông quay lại châu Âu và triển vọng về một sự phục hồi kinh tế với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Nga cáo buộc phương Tây can thiệp vấn đề nội bộ của Ukraine.
Ukraine từng xảy ra tình trạng hỗn loạn về chính trị kể từ khi giành độc lập từ Liên Xô cách đây hơn 22 năm, nhưng chưa trải qua bạo lực ở quy mô này trước đây.
Theo VNE