Sà lan đổ đất đá suốt ngày lẫn đêm khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn.
Không chỉ vậy, người dân tỏ ra bức xúc vì chủ đầu tư chưa lấy ý kiến người dân trước khi triển khai dự án và lo ngại cho tương lai của sông Đồng Nai.
Ngày mất việc, đêm mất ngủ
Nhiều người dân cho biết: Buổi sáng từ 5 - 6 giờ, các sà lan, xáng cạp đã có mặt tiến hành đổ đất đá lấp sông và họ làm tới 2 - 3 giờ sáng - chỉ khi hết đá mới ngưng. “Ban ngày làm không sao, tối phải để người dân được nghỉ ngơi chứ. Ở nhà tôi, bà già thì bị bệnh, ông già buồn rầu mới qua đời hơn một tháng”, một người dân bức xúc.
Nhiều người dân tỏ ra lo ngại và cho rằng, tháng 7, tháng 8, trời mưa nhiều, nước lũ sông Đồng Nai tràn xuống, dâng lên bậc thềm nhà. Nếu “bóp” lòng sông lại thì vài năm tới, nước sẽ ngập vào nhà. Sau vài chục năm sẽ xuất hiện dòng sông xoáy, có khả năng gây xói mòn cầu Ghềnh và cù lao Hiệp Hòa. Trước đây, sông Đồng Nai đã xoáy mất một cù lao kéo dài từ cầu Ghềnh tới cầu Mới ngày xưa.
Ông Lôi Thành - hội phó Phụng Sơn Tự, là di tích cấp tỉnh, đã có tuổi thọ khoảng 80 năm - cho biết: Việc sà lan, xáng cạp đổ đất đá ngày đêm lấp sông Đồng Nai ngay cạnh chùa gây ra nhiều tiếng ồn, lớp học buổi tối ở chùa cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Ngô Phước Sáng - chủ quán cà phê Cây Bàng, người sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đồng Nai hơn 20 năm (195/5A, P.Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) - cho biết: “Ban ngày và cả ban đêm, các sà lan, xáng cạp đổ đất đá xuống sông Đồng Nai rất ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt và việc kinh doanh của gia đình tôi. Do quán cà phê của tôi nằm sát bờ sông Đồng Nai nên mỗi khi lấp sông là bụi bặm bay mù mịt, nhiều người khách tới quán rồi lại trở ra lại do quá bụi và ồn ào. Không chỉ bị ảnh hưởng việc kinh doanh, mà ban đêm tôi cũng không ngủ được do tiếng máy móc, đổ đất đá… Lượng khách vào quán đã giảm khoảng 40%”.
Nhiều người dân cũng phản ánh, thời gian gần đây, tuyến đường Cách mạng tháng Tám dọc sông Đồng Nai thường xuyên xuất hiện xe tải ben hàng chục tấn mang theo bụi bặm và ồn ào khiến người dân bức xúc. Anh Lê Văn Viết (ngụ P.Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) cho biết: Đây là khu vực nội đô TP. Biên Hòa, nhưng những xe tải ben ước chừng 15-20 tấn liên tục qua lại chở đất đá vào khu vực lấp sông Đồng Nai.
Xe tải ben đổ đá, lấp sông Đồng Nai bị người dân phản ứng. |
Chưa lấy ý kiến người dân?
Theo phản ánh của người dân sống bên sông Đồng Nai, ngoài những tác động của dự án làm xáo trộn cuộc sống người dân, chủ đầu tư trước khi thực hiện dự án này cũng chưa lấy ý kiến của người dân. Tất cả những người dân mà chúng tôi hỏi đều trả lời rằng: Chúng tôi chưa được lấy ý kiến.
Ông Sáng cho rằng: “Dự án này sẽ ảnh hưởng tương lai con cháu về sau, tạo hàm ếch ngay dưới, khi nước xoáy chảy không được, nó sẽ xoáy sâu vào lòng đất gây sụp lở, về sau cù lao Hiệp Hòa sẽ không ổn định được, cuộc sống sẽ hồi hộp như khu vực Thanh Đa ở TP.HCM. Trước mắt đã thấy vậy, đời sau con cháu, khi ép con nước, nó sẽ xoáy mạnh hơn”.
Ngày 4/12, ông Lê Ngọc Toàn - PCT UBND P.Quyết Thắng - cho biết: “Chúng tôi có nhận được ý kiến phản hồi của người dân về việc đưa sà lan vào cặp bờ sông Đồng Nai để đổ đất đá lấp sông gây ồn ào, khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được ý kiến của người dân về việc xe tải ben loại 15 - 20 tấn chạy trong đường nội đô Cách mạng tháng Tám. Chúng tôi đã chuyển ý kiến này lên cấp trên do UBND phường không đủ thẩm quyền để giải quyết”.
“Ngoài ra, đây là chủ trương của tỉnh, dự án chỉ nằm trên địa bàn của P.Quyết Thắng, việc triển khai dự án cũng khiến chúng tôi mất đi nguồn thuế môn bài”, ông Toàn chia sẻ.
Cũng theo UBND P.Quyết Thắng, do đây là dự án lấn ra sông nên số hộ bị giải tỏa chỉ có 38 hộ, trong đó có 14 hộ bị giải tỏa trắng. Tuy nhiên, đất bị thu hồi để phục vụ dự án nhiều nhất là đất của các cơ quan nhà nước, trong đó Sở GD&ĐT bị thu hồi nhiều nhất.
Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch 1/500 cho phép Cty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai để xây dựng công viên ven sông, xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, cao ốc khách sạn… Để thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai, cần lượng cát san lấp 460.000 khối, đá 120.000 - 130.000 khối. Dự án triển khai xây dựng trong 9 năm, kinh phí đầu tư 2.200 tỷ đồng. Dự án phân bố hơn 1,3km chạy dài từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, P.Quyết Thắng, có diện tích 8,4ha nằm dọc sông Đồng Nai. Dự án chia làm ba giai đoạn, giai đoạn đầu sẽ thực hiện xây dựng hạ tầng, xây dựng các tuyến kè lấn sông Đồng Nai, xây dựng trạm bơm nước, quy hoạch lại nhà ở ven sông…; giai đoạn 2 sẽ tập trung di dời, cải tạo các công trình giá trị lịch sử lâu đời tại Biên Hòa như trường Nguyễn Du, Phụng Sơn Tự, miếu Ngũ Hành…; giai đoạn 3 sẽ hoàn thiện các cao ốc văn phòng, khách sạn, khu dân cư xanh tiện nghi, trung tâm thương mại, mua sắm… |
Theo Lao động