Tướng Lê Mã Lương bật mí "sức mạnh" cứu 12 nạn nhân sập hầm

Thứ hai, 22/12/2014, 09:02
Theo tướng Lê Mã Lương, giải cứu thành công 12 nạn nhân sập hầm là cái kết tuyệt vời của một kế hoạch chỉn chu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng...

Trong vụ tai nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Păng Tiêng, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), 12 công nhân đã được giải cứu thành công sau 4 ngày bị mắc kẹt trong hầm.

Nếu trong hơn 82 giờ ấy, 12 công nhân phải sống trong bóng tối, trong cái lạnh đến giảm thân nhiệt, đối diện với tử thần thì ở bên ngoài, gần 1.000 người tham gia cứu hộ thuộc đủ các lực lượng, ban ngành đã nỗ lực hết sức để có thể giải cứu thành công các nạn nhân và hàng triệu người Việt Nam đều hồi hộp dõi theo diễn biến sự việc, để rồi tất cả như vỡ òa hạnh phúc khi các công nhân lần lượt được giải cứu, đưa ra khỏi hầm sâu.

Xung quanh sự kiện giải cứu thành công 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Hiện trường vụ sập hầm Đạ Dâng.

Sự quyết tâm của Chính phủ đã huy động sức mạnh toàn dân

- Giải cứu thành công 12 nạn nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng trong vòng 82 giờ đồng hồ, nhiều người cho rằng đó là một kỳ tích, Thiếu tướng đánh giá sao về vụ việc này?

- Sáng 16/12, khi biết tin sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng (trên địa bàn Xã Lát, Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) làm 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm sâu, bản thân tôi rất lo lắng và theo dõi sát sao những thông tin liên quan đến sự cố này cũng như công tác cứu hộ của các lực lượng chức năng.

Tôi lo lắng, nếu không cứu nổi 12 công nhân sẽ kéo theo nhiều nỗi đau khôn cùng cho những người thân của họ và của toàn xã hội. Nỗi lo lắng ấy được giải tỏa khi đến 16h30 ngày 19/12, toàn bộ 12 công nhân đã được giải cứu thành công.

Bản thân tôi đánh giá, việc giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt dưới hầm sâu này là một kỳ tích nhưng kỳ tích này có được là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các cấp, bộ ban ngành từ Chính phủ đến các cơ quan bộ ngành khác.

Đó là cái kết tuyệt vời của một kế hoạch chỉn chu, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thể hiện sự quyết tâm, ý chí, tinh thần rất cao quý giữa con người với con người. Đồng thời, thể hiện nhân văn trong công việc, tất cả các lực lượng tham gia cứu hộ đều đoàn kết chung một ý chí quyết tâm phải cứu bằng được 12 công nhân. Họ dường như thấu hiểu nỗi thống khổ của các công nhân ở dưới hầm sâu đang đối mặt giữa sự sống và cái chết để nỗ lực hết mình, sớm giải cứu được các công nhân.

- Sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo 3 bộ trong cuộc giải cứu 12 công nhân đã kết nối sức mạnh để lập nên kỳ tích, thiếu tướng nhìn nhận sao về ý kiến này?

- Sự hiện diện của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ, ngành tại hiện trường vụ sập hầm lò để chỉ đạo công tác cứu hộ một cách khẩn trương, kịp thời thể hiện trách nhiệm cao của Chính Phủ.

Nhờ sự vào cuộc chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, chúng ta huy động được tối đa các lực lượng với quyết tâm cao nhất, sớm giải cứu các công nhân dưới hầm sâu. Nhờ sự chỉ đạo này, công tác cứu nạn đối với 12 công nhân bị mắc kẹt trong sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng đã được tập trung quyết liệt với quyết tâm cao.

Sự vào cuộc của các cơ quan như Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các ban, ngành tỉnh Lâm Đồng, các lực lượng quân đội, công an, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và các lực lượng cứu nạn khác đã tạo sức mạnh tổng hợp lập nên kỳ tích trên.

Tôi đánh giá cao vai trò của Chính phủ cho đến các ban ngành, địa phương trong vụ giải cứu thành công 12 nạn nhân này. Khẳng định niềm tin của người dân vào Nhà nước, dù bất kỳ sự cố nào, khó khăn, gian nan đến đâu nhưng có sự vào cuộc của Chính phủ cùng sự quyết tâm của các ban ngành sẽ luôn thành công.

Các công nhân được giải cứu thành công nhờ phương pháp "hầm trong cát".

Lực lượng công binh góp phần rất lớn vào thành công của cuộc giải cứu với phương pháp "hầm trong cát"

- Vụ giải cứu thành công 12 công nhân là sự nỗ lực rất lớn từ tất các các ban ngành, đơn vị tham gia cứu hộ, trong đó không thể không kể đến đóng góp không nhỏ của lực lượng công binh, Thiếu tướng đánh giá sao về lực lượng này với phương pháp “hầm trong cát” đã mang lại kết quả tốt đẹp?

- Có thể nói việc giải cứu thành công 12 công nhân là một chiến công chung của toàn bộ các lực lượng tham gia cứu hộ. Và đóng góp lớn nhất phải nói đến chiến công của lực lượng công binh, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 93 trực tiếp tham gia đào hầm cứu hộ.

Qua vụ giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt dưới hầm sâu này, tôi đánh giá lực lượng công binh ngày càng trưởng thành, làm chủ được công nghệ hiện đại, có tinh thần đoàn kết, nỗ lực hết mình để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao. Theo dõi toàn bộ diễn biến cuộc giải cứu với sự góp mặt của cán bộ, chiến sĩ công binh vốn có nhiều kinh nghiệm với các thiết bị kỹ thuật cao. Trong điều kiện hầm chật hẹp, khó đưa máy móc vào nên công binh đã đề xuất phương pháp “hầm trong cát” là rất hợp lý. Phương pháp này, công binh đã từng sử dụng trong nhiều trường hợp cứu đồng đội trong chiến tranh nên có nhiều kinh nghiệm.

Dù đây là phương pháp thủ công chỉ bằng cuốc, xẻng nhà binh, các công binh đào thủ công, dựa vào sức người và sự sử dụng linh hoạt các thiết bị máy móc khác nhưng có thể tránh được những địa chấn có thể làm sập hầm. Trên thực tế phương pháp này đã thành công khi áp dụng chưa đầy 24 giờ sau, hầm bên trái được tiếp cận và cứu được các công nhân bên trong.

Từ đó có thể thấy, dù thời chiến cũng như thời bình, khi có sự cố với sự nỗ lực đóng góp của các lực lượng quân đội thì khả năng thành công là rất lớn. Đây là chiến công rất lớn mà lực lượng công binh đã đóng góp để chào mừng lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Mã Lương.

Bài học kinh nghiệm để lại từ vụ giải cứu 12 công nhân sập hầm Đạ Dâng

- Qua vụ việc giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm trên, nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc này để lại rất nhiều bài học quý cho công tác cứu nạn hầm mỏ, Thiếu tướng nghĩ sao?

- Chính xác là như vậy, đây là bài học rất quý cho công tác cứu hộ, được rút ra từ các góc độ như có sự thống nhất về mặt chỉ huy, sự khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, sự áp dụng linh hoạt các phương pháp cứu hộ một cách khoa học…

Các sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới nhưng vụ việc này đã cho người dân cả nước một niềm tin mạnh mẽ của nhân dân với chính quyền và các cơ quan chức năng, lực lượng công binh…

Khi người dân gặp sự cố họ sẽ tin với sự vào cuộc của Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành như trên thì sẽ cứu hộ thành công. Đồng thời, cho thấy, khi cả người cứu hộ và các nạn nhân trên dưới một lòng có quyết tâm cao, cùng nhau nỗ lực thì sẽ thành công.

Qua đây, tôi cũng mong muốn gửi lời chúc tới lực lượng công binh khi họ đã làm nên kỳ tích - kỳ tích giải cứu thành công 12 công nhân sập hầm Đạ Dâng là món quà ý nghĩa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn