Công đoạn xếp xương đòi hỏi sự khéo léo.
Nửa đêm đi xem bốc mả
Trong một lần tình cờ, tôi gặp bốn người trong một đội bốc mộ gồm các ông Đỗ Bá Bạ, Đỗ Bá Hạ, Vũ Quốc Huy và Vũ Viết Hạnh (cùng ở thôn Nhị Trai, xã Trừng Xá, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Gặp nhau buổi trưa thì ông Đỗ Bá Bạ hẹn tôi đúng 12h đêm hôm đó cùng nhau ra bãi tha ma của làng My Xuyên, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để tận mắt chứng kiến công việc cụ thể của cái nghề có một không hai này.
Theo lịch hẹn, nửa đêm hôm đó, tôi có mặt ở cây đa Cò Vạc làng My Xuyên. Người nhà của đám bốc mộ đã tập kết đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc tắm rửa người chết gồm tiểu sành, thau chậu, nước thơm…
Đêm ở quê không có bóng đèn điện cũng không có xe cộ đi lại. Đúng 12 giờ đêm, người nhà thắp nhang khấn, xin người mất cho phép được “tắm rửa”. Sau đó, đội bốc mộ hì hục đào nấm mộ của người chết hơn 4 năm về trước. Đêm về khuya, trời trở nên khá lạnh, nhưng trên trán của những con người này ướt đẫm mồ hôi.
Đào được khoảng 30 phút thì ông Bạ hô lên: “Đây rồi!”. Thế là họ luồn vào hai đầu ván hai cái gánh bằng sắt khá vững chắc. Quan tài được chôn 4 năm, có khá nhiều nước, nên 4 người đàn ông phải gắng sức lắm mới đưa được lên mặt đất. Sau khi đưa ván lên, ông Bạ dùng xà beng chọc cho nước chảy bớt ra ngoài rồi mới đưa ván đến chỗ bằng phẳng để thực hiện công đoạn quan trọng nhất.
Lúc này, tất cả những người có mặt đều hồi hộp và có chung tâm trạng lo lắng, không biết thi hài của người mất có được “sạch sẽ” hay không? Ông Bạ khấn xin một lần nữa rồi nhẹ nhàng bật nắp quan tài. Mùi tử khí của thi hài chôn 4 năm dưới lòng đất xông ra không dễ chịu chút nào. Người nhà cũng đã chuẩn bị sẵn nước hoa cho những người phu bốc mả, tuy nhiên khi họ định xịt nước hoa, ông Bạ ngăn lại, ông bảo cứ để nguyên như thế, họ đã quen rồi, dễ làm hơn.
Có mặt trong đám đông, tôi cũng cố chen bằng được để tận mắt chứng kiến “di sản” của một kiếp người sót lại sau 4 năm về với đất mẹ. Nhìn vào trong quan tài, tôi chỉ thấy lùng bùng một mầu đen đặc quánh nước, quần áo, vài cái xương người nằm ngổn ngang. Người nhà nhìn thấy cảnh này cũng xót lắm, nhưng biết làm sao, quy luật tự nhiên là vậy.
Đã quen với công việc, những người trong đội phu bốc mả thoăn thoắt vục cả hai bàn tay vào trong tấm ván, mò lấy những đoạn xương người. Cái đầu tiên họ vớt lên chính là sọ của người chết, rồi thì xương chân, xương tay, xương sườn… Tất cả được để lên một tấm vải nhựa. Sau khi mò lại lần cuối xem có sót gì không, ông Bạ mới lệnh cho người trong đội bắt đầu công đoạn tắm rửa.
Những thùng nước thơm đun từ lá sả, hương nhu, lá bưởi và cả ngũ vị hương được người nhà chuẩn bị sẵn. Ông Bạ đưa từng đoạn xương người rửa thật kỹ, rồi lau khô đặt lên một chỗ sạch sẽ. Công đoạn cuối cùng của đội phu bốc mộ là việc xếp xương. Ban đầu, tôi cứ thắc mắc là chiếc tiểu sành nhỏ thế làm sao để được cả bộ xương người. Ông Bạ bảo xếp xương người cũng có nguyên tắc của nó. Xếp xương phải làm sao đúng vị trí “đầu gối quá mang tai” như con người khi còn trong hình hài của một bào thai, có như vậy họ mới thực sự được trở về với tổ tiên.
Ông Bạ bảo, làm nghề này đã lâu ông thuộc từng vị trí của xương, có lần ông ngồi nói chuyện với một bác sĩ giải phẫu mà sau đó người đó phải bái phục trước kinh nghiệm và hiểu biết của ông.
Miếu thờ người thanh niên chết trên sông tại nhà ông Bạ. |
Nghề tử tế
Ông Đỗ Bá Bạ năm nay đã 66 tuổi. Ông theo nghề này cũng khá tình cờ. Vào khoảng những năm 2000, trên khúc sông qua địa phận xã Minh Tân, huyện Lương Tài có một xác chết đã bắt đầu phân hủy, trôi lập lờ khiến mọi người kinh hãi. Người dân chài lưới thường kiêng việc “cướp cơm” của hà bá nên chẳng ai dám vớt. Các lực lượng chức năng buộc phải tìm người dám làm việc này.
Qua lời giới thiệu, họ tìm đến ông Bạ, ở cách hiện trường 5 cây số. Ban đầu, ông cũng ngại làm nhưng vì thương xác chết nằm cô quạnh giữa sông, ông tu nửa chai rượu rồi băng mình ra giữa sông vớt xác. Vớt xác lên rồi đợi mãi chả có ai đến nhận, ông lại rủ thêm ông Vũ Quốc Huy cùng nhau đào mộ chôn cất tử tế cho người ấy.
Thế rồi tiếng tăm của ông Bạ gan lì cứ thế đồn đi xa, người ta cứ đến thuê ông đi bốc mộ. Ông rủ thêm con trai rồi người nhà ông Huy nữa thành một đội chuyên đi bốc mộ thuê khắp các vùng trong tỉnh và nhiều nơi khác như Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa… Ông bảo, cái nghề của ông được người chết cho ăn lộc. Theo ông, cái nghiệp của ông bắt nguồn từ cậu thanh niên chết trên sông không ai đến nhận năm đó, vì thế, ông Bạ đã lập một cái miếu thờ người thanh niên này ngay trong khuôn viên nhà mình.
Ông Bạ tâm sự, làm cái nghề bốc mộ này nhiều khi gặp phải những chuyện rất kinh hoàng. Nhiều xác chết mặc dù đã được chôn từ 3 - 4 năm nhưng khi bốc lên vẫn chưa phân hủy hết. Lý giải về điều này, ông Bạ cho biết, nhiều người khi còn sống được gia đình tẩm bổ các thức ăn quý như sâm, nhung nên khó tiêu, có trường hợp người mất ở xa, để bảo quản, người ta ướp hóa chất. Một lý do nữa là người nhà thường mặc quần áo bằng nylon cho người mất khiến quá trình phân hủy diễn ra rất lâu…
Sự việc đáng sợ nhất mà đội bốc mộ của ông gặp phải diễn ra cách đây không lâu. Đó là nấm mộ của một cụ bà ở làng My Xuyên. Ông Bạ kể, khi bật nắp quan tài, cả đội bốc mộ lẫn người nhà kinh hãi vì xác chết còn nguyên, chưa bị phân hủy chút nào, trong tư thế hai chân và hai tay cùng co lên phía nắp quan tài. Khi ấy, cả đám đông chạy tán loạn vì quá bất ngờ. Cả đội chỉ còn lại duy nhất ông Bạ ở lại.
Trong “sự nghiệp” bốc mộ của mình, ông chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng đáng sợ như thế. Nhưng đã đào lên rồi không thể chôn lại mà buộc phải “xẻ thịt, vạc xương”. Làm cái nghề này, đội bốc mộ cũng đã chuẩn bị sẵn đồ nghề. Đó là những bộ dao kéo không khác gì của bác sĩ phẫu thuật. Hôm đó, ông Bạ đã phải làm tỉ mẩn mấy tiếng đồng hồ mới róc hết được những phần thịt và nội tạng của người quá cố.
Ngồi trò chuyện với ông Bạ, tôi còn được nghe nhiều chuyện xót lòng không chỉ từ người chết, mà còn từ những người đang sống. Cách đây một năm, trong lần bốc mộ ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách nơi ông ở 30 cây số, người mất là người thân của một cháu bé 10 tuổi. Khi đào quan tài lên, ông bảo cháu bé khóc lấy một tiếng để gọi bố, nhưng cháu bé không khóc mà vẫn nhởn nha cười đùa. Ở lứa tuổi đấy, cháu bé đâu đã cảm nhận được nỗi đau từ việc mất người thân. Tiếng cười của con trẻ khiến lòng người lớn thắt lại. Hôm đó, đội phu của ông chẳng dám lấy tiền. Thôi thì, âu đó cũng là làm việc nghĩa!
Ngồi trò chuyện với những người phải làm cái nghề vục tay vào quan tài, tôi mới thấy rằng, nghề nào cũng có ý nghĩa và đáng trân trọng. Công việc của họ là một công việc tử tế, nó nối liền sợi dây giữa người sống và người chết, khiến những người đang sống chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn rằng, cuộc sống thật đáng sống biết bao.
Theo Lao Động