Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Có thẻ nhà báo cần gì giấy giới thiệu

Thứ hai, 22/12/2014, 12:35
Phát biểu tại Phiên họp thứ 33 UBTVQH sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hiến pháp quy định Tòa án xét xử công khai, nhà báo khi dự tòa xuất trình thẻ nhà báo là được vào dự, cần gì phải giấy giới thiệu nữa, không nên có thêm giấy phép con, gây cản trở hoạt động của báo chí.

Cơ quan Thẩm tra - Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc UBTVQH ban hành Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là cần thiết, bảo đảm thi hành các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, một trong những nội dung được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các ĐB quan tâm là hành vi xử phạt đối với các nhà báo tại dự thảo Pháp lệnh, khi có vi phạm.

Chủ tịch QH cho rằng, Hiến pháp quy định tòa án xét xử công khai, nhà báo khi dự tòa xuất trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo là được vào dự.

“Vậy nếu đã có thẻ rồi sao lại phải giấy giới thiệu nữa? Đây có phải thủ tục hành chính phiền hà và quy định này không rõ ràng, gây khó khăn cho báo chí? Mặt khác, cho dù nhà báo không mang những giấy tờ đó, hành vi này cũng chỉ xảy ra trong lúc ra vào phiên tòa, tòa chưa xử thì không thể coi đó là cản trở phiên tòa. Không có thẻ, không cho vào thì thôi, sao lại xử phạt hành vi cản trở phiên tòa?” – Ông Hùng lập luận.

nha bao
Phóng viên tác nghiệp tại tòa. Ảnh: Thanh Niên

Chủ tịch QH nói thêm, có chăng nên quy định loại phiên tòa nào thì hạn chế bao nhiêu nhà báo, phóng viên. Trong trường hợp đã quy định, không có thẻ mà vẫn tìm cách vào đưa tin thì mới vi phạm, xử phạt.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, đối với một số vụ án đặc biệt, có chỉ đạo hạn chế số lượng báo chí, ngoài thẻ nhà báo còn phải có giấy giới thiệu nữa. Trường hợp phóng viên không thuộc đối tượng được mời mà đến gây rối, cãi lộn thì phải xử phạt vi phạm.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nhìn nhận, phóng viên đến dự tòa với tư cách nhà báo rất khác với tư cách công dân. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho nhà báo, Tòa cũng có những quy định cụ thể khác là cần thiết.

Còn quy định phóng viên đến Tòa ngoài thẻ nhà báo phải có giấy giới thiệu là ý kiến của Hội nhà báo đề xuất trong quá trình lấy ý kiến dự thảo pháp lệnh này. Nhưng nhiều nước cũng quy định nhà báo phải tuân thủ quy định của Tòa án, không được mang một số thiết bị khi tham dự phiên tòa, thậm chí có nơi nhà báo chỉ được vẽ chân dung bị cáo chứ không được chụp ảnh.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, có thể do điều kiện Tòa phải hạn chế chỗ ngồi, nhưng nguyên tắc Tòa án xét xử công khai theo Hiến pháp phải được tôn trọng.

“Tòa chỉ xử phạt khi nhà báo không xuất trình thẻ và gây cản trở tại tòa. Quy định thêm giấy giới thiệu để làm gì, cứ giấy to đẻ giấy nhỏ, đưa vào như thế không đúng. Hành vi xử phạt phải đích đáng với vi phạm. Phải phân biệt trường hợp xử kín với xử công khai…” – Chủ tịch QH phát biểu.

Cũng theo Chủ tịch QH, pháp lệnh xử phạt này cần quy định rõ những hành vi cản trở tòa án của những người tham dự phiên tòa, phải có chế tài, trình tự, thủ tục rõ ràng. Những hành vi này cũng nên gọn lại như phải xảy ra tại phiên tòa, gây cản trở phiên tòa và việc xét xử tại tòa án.

“Nên liệt kê rõ những hành vi cụ thể chứ quy định chung chung. Hành vi nào cản trở phiên xét xử thì mới xử phạt, không mở rộng mênh mang quá. Cần quy định cụ thể như vậy UBTVQH mới thông qua được” - ông Hùng chốt lại.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến tại phiên họp. Trên cơ sở đó rà soát, chỉnh sửa dự thảo trình lại tại phiên họp tới, chưa thể thông qua ngay tại phiên họp này (như dự kiến).

“Phạm vi hành vi vi phạm cần điều chỉnh, chọn một số loại hành vi cụ thể, trên cơ sở luật đã quy định, không nên tự đặt ra những cái mới để quy định vào đây” – Ông Lưu chốt lại.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn