Nhà báo Trường Phước và ý tưởng ngày doanh nhân Việt Nam

Thứ hai, 13/10/2014, 07:28
Có lẽ ít ai biết ý tưởng lấy ngày 13/10 là ngày tôn vinh doanh nhân VN lại bắt nguồn từ 1 người hoàn toàn chưa từng kinh doanh, đó là cố nhà báo Trường Phước.

Năm nay vừa tròn 10 năm giới doanh nhân  được tôn vinh khi Chính phủ chính thức  quyết định lấy ngày 13/10 là ngày doanh nhân VN. Song để có đươc dấu ấn quan trọng này, có lẽ rất ít ai  biết ý tưởng này lại bắt nguồn từ 1 người chưa từng kinh doanh, đó là nhà báo Trường Phước

Nhà báo Trường Phước trong một lần phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn  Thị Bình

Năm 2014, đúng 10 năm nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng Trường Phước ra đi. Ông ra đi trước gần 6 tháng  khi ngày doanh nhân VN được chính thức công nhận. Ông ra đi để lại bao bộn bề trong công việc mà ông mong muốn được làm cho cuộc đời cho những con người tốt đẹp hơn. Mười năm  thiếu vắng giọng nói đánh thép, câu chữ bình luận sắc sảo, rất thực tiễn và cũng rất sâu đặm đầy tính kế thừa và luôn rất nhân văn. Khoảng lặng sự trống vắng của một nhà báo tài ba Trường Phước hình như cho đến bây giờ vẫn chưa tìm được sự lấp đầy rất cần thiết đó. Nhưng là người làm báo luôn quyện hồn mình với nhịp sống, gắn bó từng trang viết với những thăng trầm của cuộc sống. Đó cũng chính là phẩm cách của nhà báo Trường Phước để người đời mãi nhớ về anh, mãi nhớ về tính hào sảng, tầm vóc trí tuệ bản lĩnh vững vàng của anh.

Và có lẽ cũng chính vì căn nguyên đó cốt cách đó, nhà báo Trường Phước là người sớm nhận ra và đánh giá đúng vai trò của doanh nhân Việt Nam. Chính nhà báo Trường Phước là người đã dày công tìm gặp lại những nhà Công thương xưa như nhà gia đình Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ;  Đỗ Đình Thiện; Nguyễn Sơn Hà; Trần Đình Long; Trần Chánh Chiếu ... Chính nhà báo Trường Phước ở thời điểm lúc đó khi xã hội chưa đánh giá đúng vai trò của doanh nhân, thậm chí doanh nhân còn bị chà đạp với những điều phi lí. Việc tìm lại những nhà Công thương xưa có công với nước nhưng lại bị thua thiệt, ẩn mình trước cuộc đời. Ông đã mạnh dạn tiên quyết xóa đi những bụi mờ trên những tấm gương sáng đó. Bằng những lập luận thực tiễn bằng những phép so sánh với những thực tiễn của xu thế toàn cầu và xác lập rõ vai trò trọng trách của doanh nhân Việt Nam xưa và nay trong tiến trình phát triển của quốc gia.

Vào thời điểm những năm đổi mới, nhiều doanh nhân khi chưa có được một cơ chế, một sự chia sẻ, đã phải ngã ngựa trên con đường lập nghiệp. Nhưng vị thế của doanh nhân Việt Nam ngày càng được xã hội công nhận với những sức đóng góp đáng kể nếu không muốn nói là to lớn vào công cuộc đổi mới đất nước trong thời kì mới. Nhưng cũng ở thời điểm đó vẫn còn nhiều cái nhìn khe khắt thậm chí là coi thường với các doanh nhân . Nhiều doanh nhân làm ăn chân chính đóng góp cho đất nước  nhưng vẫn phải lặng lẽ “đi nhẹ, nói khẽ, cười mỉm”. Cái nhìn của doanh nhân trong đó có cả một số vị lãnh đạo, vẫn coi doanh nhân như là một tầng lớp con phe, con buôn … Chính ở thời đoạn còn tranh sáng tranh tối nhìn nhận về doanh nhân đó, nhà báo Trường Phước đã có bài “Trở lại với người trở lại với mùa xuân” với những trang  viết sắc nét mang tầm triết lý cao .Sau khi phân tích về  vai trò của doanh nhân và những cơ chế nên có với doanh nhân ,trong bài có đoạn: “Điều thứ 12  - quyền tư hữu tư sản của công dân được đảm bảo. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn trọng, gắn bó với các nhà tư sản dân tộc yêu nước, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần không phải là một sách lược, một thủ đoạn mà là một đường lối lâu dài, chiến lược để xây dựng và bảo vệ đất nước, hơn thế, một tình cảm thực sự với những ai có tấm lòng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc “tranh lấy nền độc lập cho nước nhà”. Có lẽ các nhà tư sản nổi tiếng một thời khi ấy gắn bó cùng chính phủ và chế độ mới trước hết vì lòng yêu nước mà cũng vì yêu mến Cụ Hồ. Các ông Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện… và bao người khác cho tới lúc qua đời vẫn ấm áp trong lòng hình ảnh cụ. Ngày 2/9 Người đọc Tuyên ngôn Độc lập thì đến ngày 17/9/1945, Người đã “tiếp những nhà giàu có ở Hà Nội và chụp ảnh chung” (tường thuật của một tờ báo). Bức ảnh ấy đến nay còn giữ được. Và vang mãi những lời ân cần, tha thiết của Người, từ ngày 17/5/1945 cho đến tận hôm nay vẫn thời sự: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nếu nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghệp thịnh vượng… Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới Công thương trong cuộc kiến thiết này”

Chính vì nhận thức đúng về vai trò của doanh nhân Việt Nam cùng với những điều bĩ cực mà họ đang phải nếm trải bởi những điều họ đáng ra không phải chịu đựng như thế nhưng họ đã vượt qua tiếp tục khẳng định tâm và tài của mình để làm giàu cho đất nước và giàu cho chính mình, nhà báo Trường Phước đã có bài viết “Tôn vinh doanh nhân và doanh nghiệp tôn vinh sức mạnh của chúng ta” trong đó nhà báo Trường Phước khẳng định mạnh mẽ: “không có sự tôn vinh nào lớn hơn việc được coi là lực lượng xung kích của đất nước trong trận chiến đấu mới đang cần chúng ta tạo ra những Điện Biên Phủ lớn, nhỏ! Việc có một ngày Doanh nhân Việt Nam là đòi hỏi tất yếu, cần thiết cũng như đất nước đã có những ngày đầu ý nghĩa: Ngày quốc phòng toàn dân (22/12). Ngày thầy thuốc việt nam (27/2), ngày Nghề cá Việt Nam(1/4) …”.

Nhà báo Trường Phước trò chuyện với bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà doanh nhân Trịnh Văn Bô

Theo nhà báo Trường Phước:”Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ đơn thuần là xã hội tôn vinh doanh nhân và Doanh nghiệp là ngày vui vẻ đầm ấm của những người bề ngoài có vẻ sang trọng, sung sướng mà đầy lao tâm khổ tứ, gian khổ và biến động. Nó còn là một sự nhắc nhở về truyền thống của dân tộc ta. Đặc biệt khi đất nước nghiêng nghèo hoặc đứng trước những giờ phút quyết định, lòng yêu nước được phát huy cao độ. Doanh nhân Việt Nam chân chính luôn xuất phát từ lòng yêu nước. ý chí tự cường “ học mua học bán” mà trưởng thành. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đấu tranh và cạnh tranh gay gắt này, ý chí đó càng được phát huy.

Thứ hai, nó nhắc nhở giới doanh nghiệp và các doanh nhân một điều giản dị nhưng đôi khi nhiều người không nhớ. Sự tôn vinh này của xã hội đối với Doanh nhân xuất phát từ đường lối đổi mới của Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và chỉ đạo thông qua sự điều hành ngày một sát đúng của Chính phủ, sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nhiều thành phần.  Còn nhớ, ngày 2/9/1945 Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam thì đến ngày 17/9/1945, Người đã “tiếp những nhà giàu có ở Hà Nội và chụp ảnh chung”. Bức ảnh ấy đến nay còn giữ được.  (Tường thuật của một tờ báo). Ngày 13/10/1945, người hoan nghênh giới công thương Việt Nam có ngay tổ chức Công thương cứu quốc đoàn, gia nhập mặt trận Việt Minh. “ Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nếu nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng… Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Thứ ba, nó nhắc nhở  sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ, chuyên nghiệp giữa các Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam mà do di sản của quá khứ để lại, chưa thật vững bền. Tất cả vì lợi ích của bản thân doanh nghiệp và lợi ích đất nước. Không chỉ là chụp giật, “bắn phát một” mà vì quyền lợi lâu dài. Đành rằng thương trường, về mặt nào đó là “chiến trường” hiểu theo nghĩa cạnh tranh và đấu tranh. Nhưng cạnh tranh theo luật pháp, đấu tranh theo đạo lý – mà đạo lý cao nhất là lợi riêng ích chung kết hài hài hòa, biết bỏ cái nhỏ vì cái to lớn, lâu dài hơn. Các cụ dạy, “Khôn ngoan đá đáp người ngoài – Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!”.

Thứ tư, ngày doanh nhân Việt Nam nhắc nhở ý chí làm giàu của người Việt Nam mà phần lớn xuất phát điểm thấp, thậm chí nghèo đói, thiếu thốn vốn, chỉ có lòng tin vào con đường đổi mới… hãy xem cụ Trần Chánh Chiếu, từ năm 1908 đã kêu gọi mọi người hùn vốn, “cùng nhau lập một công ty đặng mà lập lò nghệ tại Nam kỳ, lò chỉ (kéo sợi bông vài), lò dệt, lò savon (xà phòng) thuộc da và pha lý dạy cho con nít làm các nghề ấy…” Xà phòng Con Vịt – có lẽ là thương hiệu Việt Nam đầu tiên về xà phòng- còn tốt hơn và rẻ hơn của Hoa kiều. Bạch Thái Bưởi xuất thân là con mồ côi, phấn đấu trở thành vua vận tải Bắc kỳ một thời, Nguyễn Sơn Hà khi cần làm áo mưa cho bộ đội trong điều kiện cực kỳ khó khăn về nguyên vật liệu.. khi ích chung và lợi riêng được kết hợp hài hòa, tinh thần sáng tạo được phát huy. Mới đây, một nữ công nhân trở thành Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng với doanh thu 1000 tỷ đồng, đồng thời kiêm chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thái Hưng – đó là chị Nguyễn Thị Vinh, được coi là một gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam năm 2004. Chị đã nói một câu rất tiêu biểu: “đừng bao giờ nghĩ mình không làm được mà sẽ làm tốt”. Suy nghĩ giản dị ấy đã đưa bao doanh nhẫn tới thành công. Cố nhiên phải có khoa học, nghệ thuật kinh doanh, phải biết chớp thời cơ, có văn hóa kinh doanh.. Nhưng có ý chí, lòng quyết tâm mới có các thứ khác!

Cuối cùng, ngày doanh nhân Việt nam nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam con đường lập nghiệp. Đóng góp cho xã hội, cải thiện đời sống của bản than và gia đình không nhất thiết là quan thức nhà nước hay làm một “tri thức” mà không có thực tài. Con đường kinh doanh  chính đáng mở ra rất nhiều triển vọng. Ở Việt Nam 800 người mới có một nhà kinh doanh trong khi ở Singapore 4 người có một doanh nhân. Ở nông thôn Việt Nam  tiềm năng rất dồi dào, chúng ta có thể làm cho 2,7 triệu hộ kinh doanh cá thể trở thành doanh nghiệp! “Không ai giàu ba họ - Không ai khó ba đời!”. Miễn là cố gắng đúng hướng. Mới tháng 2/2004, Bill Gates vẫn là người giàu nhất thế giới với 46,6 tỷ USD, đến tháng tư địa vị tưởng như không ai thay được ấy đã nhường chỗ cho ông lngavar Kamprad người Thủy Điển tháng 2 còn đứng thứ 13! Con người ấy lặng lẽ, sống quá giản dị, đi một cái xe Volvo cũ kỹ chứ không hề là “ông chủ trên tiền” như một vài doanh nhân mới phất của ta! Vì Doanh nghiệp chân chính, đích thực luôn suy nghĩ như ông Bạch Thái Bưởi: “Các con cháu phải làm sao để cho ngọn cờ của công ty người Việt nam ta phấp phới trên 5 châu 4 biển, để cả thế giới biết đến người Việt Nam, đất nước Việt Nam” (22/7/1932).

Lưu lại những vấn đề đó để mới thấy được sự trăn trở nỗi niềm đau đáu của nhà báo Trường Phước về một lực lượng không thể thiếu và đang phát triển từng ngày trong sự lớn lên của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Và chính nhà báo Trường Phước là người đã sớm có ý tưởng nên có ngày doanh nhân Việt Nam để xác lập và tôn vinh vai trò của giới doanh nhân Việt Nam. Nhà báo Trường Phước đã trăn trở nhiều ngày về ý tưởng ấy. Lúc đó cũng là thời điểm ông bị căn bệnh cũ tái phát, đang chuẩn bị  sang Trung Quốc ghép thận lần thứ hai. Sức khỏe của nhà báo Trường Phước giảm hẳn, đôi bàn tay cầm bút rất khó khăn nhưng trong căn nhà nhỏ ở phố Trung Liệt, Hà Nội anh vẫn ghìm lại những mệt nhọc để viết ra những bài viết về doanh nhân Việt Nam. Rồi một ngày khi tôi gọi điện để xin ý kiến anh về việc nên có một ngày doanh nhân Việt Nam. Anh bảo tôi đến ngay. Khi tôi đến anh đã ngồi sẵn chờ tôi và trao đổi luôn: “theo mình nên lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày doanh nhân Việt Nam. Bởi vì ngày đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương Việt Nam. Đó cũng chính là ngày một vị chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khai sinh. Về vai trò, trọng trách của giới Công thương lúc đó nay là doanh nhân với dân tộc với đồng bào: Bác đã khẳng định trong bức thư đó trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giảnh lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công thương trong công cuộc kiến thiết này

Như thế bằng bức thư này người đã xác lập rất rõ vị thế của doanh nhân với dân tộc và với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Bởi vị lấy ngày 13/10 bác gửi thư cho giới Công thương làm ngày cho doanh nhân Việt Nam hôm nay là hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa rất sâu sắc. Đó cũng là ngày để không chỉ doanh nhân nhìn lại mình mà cả các cơ quan chức năng và những người có trọng trách với đất nước có những suy nghĩ  đúng về vai trò doanh nhân Việt Nam với đất nước.”

Sau đó ngày 13/10  được Chính phủ chọn làm ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm. Đương nhiên để có ngày doanh nhân Việt Nam còn có sự góp sức của nhiều người, nhiều tổ chức nhưng nhà báo Trường Phước là người sớm nhất  nếu không muốn nói là người đầu tiên có ý tưởng và định vị về ngày 13/10 – ngày doanh nhân Việt Nam hàng năm. Điều này cũng được nhà báo Trường Phước ghi lại trong nhật ký  để lại cho nhà báo Huyền Dung và các con còn lưu giữ.

Bài viết này sau 10 năm nói về nhà báo Trường Phước với ngày Doanh nhân Việt Nam không phải là để mọi người biết đến ông phải nhớ đến ông bởi lúc sinh thời ông có bao giờ mong mọi người tụng ca mình với điều không đúng thậm chí né tránh những vinh quang không có thực. Với ông nhịp thở  luôn hòa cũng nhịp thở thời đại, trái tim ông luôn đập cùng với trái tim CON NGƯỜI chân chính như ông đã từng mong muốn với riêng lớp doanh nhân: “sương đã tan rồi nắng đã lên rồi dù ông Chẩn cũng đã già rồi. Nhưng tương lai của các Doanh nghiệp dân doanh và đất nước làm sao cưỡng lại được” (Gặp lại “vua lốp” trong những ngày thi hành Luật doanh nghiệp).

Cùng với sương tan rồi nắng đang lên, cùng với ngày doanh nhân 13/10 hàng năm, doanh nhân Việt Nam đã và đang được Đảng và Chính phủ, nhân dân coi trọng và mong muốn họ  là những người làm nên những trang sử mới cho đất nước.

Với bài viết này .tôi muốn thắp một nén nhang để báo cáo với anh rằng ý tưởng của anh đã trở thành hiện thực. Cái tiêu chí sống “ta đi trong nắng trong mưa đời bân rộn’’cuối cùng của anh đã được đền đáp. Anh hãy vui cùng giới doanh nhân, doanh nghiệp Viêt Nam, nhà báo Trường Phước nhé.

Tháng 10 năm 2014

Theo Infonet

Các tin cũ hơn