Anh Mười: “Người ở xã Hàm Giang ai cũng biết tánh ông Trầm Bê là người nặng ơn nghĩa. Ai đã từng giúp đỡ ổng một bữa cơm, ổng cũng nhớ, và khi trở nên giàu có, ổng đều tìm cách trả ơn”.
Hai người được đại gia Trầm Bê nhớ ơn, đó là bà Hai Phiến, cô ruột của anh Mười và cô giáo Giàu, người đã dạy ông Trầm Bê những con chữ đầu tiên.
Mới 8 tuổi, cậu bé Trầm Bê ở đợ nhà bà Hai Phiến và giao chăn đàn vịt tàu. Tuổi thơ hiếu động, mải chơi mà cậu quên chăn vịt. Đến lúc sực nhớ, đàn vịt tàu hơn trăm con đã “tràn” sang một cánh đồng lúa chín gần đó, phá nát một khoảnh lớn. Nhìn đàn vịt mổ, rỉa lúa, cậu chỉ biết đứng khóc ròng, sợ hãi…
Nghĩ là chủ ruộng sẽ mắng bà Hai Phiến và đánh đòn cậu, Trầm Bê đã bỏ trốn, không dám về nhà. Ít ngày sau, bà Hai Phiến nhắn cho một người bạn của cậu: “Chuyện lỡ rồi, dì Hai đã đền bồi thiệt hại cho người ta. Trầm Bê đang ở đâu, cứ đi về, dì Hai không đánh đòn và la mắng gì đâu”.
Và cậu bé Trầm Bê đã quay về, tiếp tục công việc chăn vịt của mình.
Người thứ hai có ấn tượng sâu đậm trong ký ức của đại gia Trầm Bê là cô giáo Giàu, người đã dạy cho cho cậu bé Trầm Bê thuở ở đợ,… những con chữ đầu tiên.
Nhà nghèo nên Trầm Bê không thể đến trường, cô giáo Giàu thấy Trầm Bê hay đứng ngoài cửa lớp xem các bạn học nên đã động lòng, cho cậu vào lớp ngồi và dạy dỗ. Vừa đi làm vừa phải đi học nên cậu học thất thường.
Anh Mười, người sống gần nhà cô giáo Giàu cho biết: “Cô Giàu thương ông Bê lắm. Ngày đó ông Bê nghèo quá đỗi, đi chân đất, quần áo rách nát, có một bộ mặc hoài. Được cái ổng sáng dạ nên cô dạy vài lần là ổng nhớ mặt chữ. Học được vài năm, ổng theo má lên Sài Gòn mần mướn….”
Một lần đại gia về quê hương Hàm Giang (thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) dâng lễ chùa |
Khi Trầm Bê lên Sài Gòn lập nghiệp không có tiền đi xe, hai má con của ông phải năn nỉ một chủ xe đò, cho quá giang. Lên đến Sài Gòn, cậu bé Trầm Bê đến ở đợ tiếp cho một nhà giàu, năm đó ông khoảng chừng 13 tuổi. Lớn lên một chút, ông đi làm bốc vát ở một nhà máy bột mì, “bán” sức khỏe kiếm tiền nuôi má.
Theo lời ông Sơn Song Sơn, nguyên UV BCH TW Đảng, nguyên Đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa X, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cũng là người cùng quê với ông Trầm Bê cho biết về quá trình làm giàu của vị đại gia này:
“Trầm Bê mới lên Sài Gòn, tiếp tục ở đợ, đi làm thuê, làm mướn với đủ nghề lặt vặt... trầy da, tróc vẩy, rồi có vợ. Trời thương cho "vô mánh" nhiều phi vụ đất đai, cộng thêm bản tính thông minh, chăm chỉ, Trầm Bê đã mau chóng phất lên thành một đại gia giàu nứt đố, đổ vách, nổi tiếng khắp cả nước…Tuy vậy, Trầm Bê không bao giờ quên gốc gác nghèo khó của mình, không quên bà con nghèo ở quê hương mình.”.
Khi trở nên giàu có, ông đã bỏ tiền ra xây dựng chợ Hàm Giang, biến đổi hàng trăm con đường đất ở Trà Vinh thành những con đường nhựa khang trang, xây nhiều trường học, cất hàng ngàn ngôi nhà cho bà con nghèo. Dĩ nhiên, ông không quên bà Hai Phiến và cô giáo Giàu.
Anh Mười xúc động nói về việc ông Trầm Bê nhớ ơn người cô ruột của mình: “Ông Trầm Bê đã rước bà Hai Phiến lên Sài Gòn, mua cho một căn nhà khang trang, chu cấp tiền cho bà hàng tháng. Năm nay bà Hai Phiến đã 76 tuổi, già yếu, không ở Sài Gòn nữa, về quê Trà Vinh sống, để lại căn nhà đó cho con mình. Những lúc về quê, ông Trầm Bê đều đến thăm. Các con, cháu của bà Hai Phiến đều được ông Trầm Bê tạo cho công ăn, việc làm ở bệnh viện Triều An, ngân hàng Phương Nam và ngân hàng Sacombank của ổng. Bản thân tui cũng được ổng tạo cho công việc đàng hoàng”.
Anh Mười nói tiếp: “Riêng cô giáo Giàu, bả không chịu lên Sài Gòn sống. Ông Trầm Bê cũng có cho tiền cất nhà và chu cấp hàng tháng. Mỗi lần ổng về quê, dù bận thế nào, cũng dành thời gian đến thăm cô giáo cũ, mang theo quà cáp, lễ phép thăm hỏi. Năm nay bả đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ người học trò cũ, mỗi lần gặp đều khóc vì mừng…”.
Theo Giadinh Online