Bắc Ninh: Doanh nhân hồ hởi trước cơ hội tỷ USD

Thứ bảy, 11/10/2014, 10:01
Trước ngưỡng cửa hội nhập cùng những cơ hội tỷ USD dồn dập đến, đây sẽ là thời điểm để chứng kiến một thời đại doanh nghiệp – doanh nhân mới ở Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng.

Bắc Ninh: Doanh nhân hồ hởi trước cơ hội tỷ USD

Vũ Minh

07:48 11/10/2014

BizLIVE -

Trước ngưỡng cửa hội nhập cùng những cơ hội tỷ USD dồn dập đến, đây sẽ là thời điểm để chứng kiến một thời đại doanh nghiệp – doanh nhân mới ở Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng.

Ảnh minh họa.

Đón dòng vốn lớn

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Ninh vẫn tiếp tục có dấu hiệu tăng nhiệt với việc công bố hàng loạt dự án tỷ đô của các tập đoàn đa quốc gia (TNC).

Thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh cho biết, 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 111 dự án đầu tư FDI được cấp mới với tổng mức đầu tư cấp mới hơn 1,27 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn cho 41 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 216 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư FDI sau điều chỉnh trong 9 tháng đạt gần 1,5 tỷ USD. Luỹ kế đến tháng 9/2014, Bắc Ninh đã thu hút 593 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh hơn 8 tỷ USD.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của những đại gia tên tuổi hàng đầu thế giới như Samsung, Canon... khiến Bắc Ninh trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Tính đến nay, chỉ tính riêng Samsung đã đổ tới 3,5 tỷ USD vốn đầu tư vào Bắc Ninh, trở thành hiện tượng, hình mẫu đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam suốt gần 3 thập kỷ qua.

Mới đây, Microsoft dự tính sẽ biến Bắc Ninh thành cứ điểm mới trong tham vọng đầu tư lớn cho Nokia Việt Nam.

Cụ thể, hồi tháng 8 vừa qua, thông tin này đã chính thức được Nokia Việt Nam cho biết, hãng Microsoft - chủ đầu tư mới của  Nokia Việt Nam sẽ đóng cửa một phần hoạt động của các nhà máy tại Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc), toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary) và chuyển nhà máy tại Reynosa (Mexico) thành một trung tâm sửa chữa để tập trung phát triển Nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh (Việt Nam).

Theo đó, tập đoàn này sẽ nâng số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Nokia Bắc Ninh từ 6 dây chuyền trong năm 2013 lên tới 39 dây chuyền tính đến cuối năm 2014 với sản lượng hàng tháng lớn gấp 3 lần so với sản lượng đã đạt được từ cuối năm 2013.

Theo kế hoạch của Nokia Việt Nam, khả năng vào cuối tháng 10/2014, phần lớn dây chuyền sản xuất thiết bị điện thoại di động sẽ được tập trung tại nhà máy ở Bắc Ninh. Cứ điểm này sẽ tập trung sản xuất dòng điện thoại cao cấp và hiện đại nhất của Microsoft như LUMIA630 và LUMIA530 chủ yếu dành cho xuất khẩu.

Tại Diễn đàn Doanh nhân trẻ Bắc Ninh vừa tổ chức ngày 9/10 vừa qua, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tiết lộ, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft vừa chính thức có buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh về kế hoạch đầu tư thêm hệ thống dây chuyền cho nhà máy Nokia tại Việt Nam.

Theo nhìn nhận của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Bắc Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn từ những dòng vốn tỷ USD.

Theo ông Thiên, ít có địa phương nào giống như Bắc Ninh, có Samsung, Canon và sắp tới là Microsoft … đây là cơ hội hiếm có để doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập.

Thách thức công nghiệp hỗ trợ

Cũng giống như Việt Nam, Bắc Ninh vẫn đang gặp khó với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ mặc dù đang sở hữu nhiều siêu dự án tỷ USD.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh cho biết, lũy kế đến nay, đã có khoảng hơn 180 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,1 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp điện tử, máy tính, ô tô, xe máy, cơ khí; tổng diện tích thuê đất và nhà xưởng khoản 210ha, quy mô vốn bình quân khoảng hơn 6 triệu USD/dự án.

Các nhà đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Với việc ngày càng nhiều các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Nokia… quyết định chọn Bắc Ninh làm cứ điểm đầu tư mới với quy mô vốn hàng tỷ USD; các khu công nghiệp của tỉnh đang ngày càng thu hút nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ.

Có thể kể đến một số nhà đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu tại Bắc Ninh hiện nay như: Samsung SDI Việt Nam, Intops Việt Nam, Mitac Precision, Flexcom…

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh, trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các TNC, công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh hiện vẫn còn là thách thức không hề nhỏ. Hầu hết quy mô các doanh nghiệp vẫn nhỏ lẻ, chưa kết nối được với các tập đoàn lớn như Samsung, Nokia…

Trong khi đó, dư địa phát triển của công nghiệp hỗ trợ Bắc Ninh lại rất lớn do nhu cầu nhập nguyên liệu của các TNC đang ở mức cao.

Tại buổi chào hàng của Samsung tại Hà Nội ngày 11/9 vừa qua, đại diện Samsung cho biết, hiện Samsung đang phải nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất lên tới gần 20 tỷ USD mỗi năm.

Sắp tới, mỗi năm Samsung sẽ sản xuất khoảng 200 triệu điện thoại di động tại Việt Nam (chiếm ½ sản phẩm toàn cầu của hãng này), kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD/năm cộng với hàng trăm triệu USD tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, thông tin từ GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hoạt động sản xuất của Samsung đang tạo ra điều kiện và cơ hội để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một loại sản phẩm công nghệ cao. Nhưng, hiện có 93 xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Samsung thì có tới 86 doanh nghiệp có vốn FDI, chỉ có 7 doanh nghiệp của Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh Mẫn Ngọc Anh đánh giá, trước cơ hội lớn đang mở ra từ việc Việt Nam có thể gia nhập Hiệp định TPP trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã và đang tìm đến Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng như trường hợp Samsung.

“Đó là cơ hội để các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp làng nghề Bắc Ninh tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đây là lúc để các doanh nghiệp trẻ Bắc Ninh nắm lấy vai trò, khẳng định chỗ đứng của mình, cùng liên kết tạo ra sức mạnh để trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Samsung, Microsoft, Nokia…”, ông Anh nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trước ngưỡng cửa hội nhập sâu với thế giới đang đặt ra những bài toán vô cùng khốc liệt đối với Việt Nam đặc biệt là các doanh nhân.

“Đứng trước một chuyển biến hội nhập, doanh nghiệp lại đang ốm yếu, đóng cửa nhiều, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm về doanh nghiệp. Khi không còn có thể hoạt động dựa vào bầu sữa ngân sách, cơ chế xin cho… sẽ là thời điểm để chứng kiến một thời đại doanh nghiệp – doanh nhân mới”, ông Thiên khẳng định.

Theo Bizlive

Các tin cũ hơn