Ông lớn trốn thuế, những nghi án chưa bao giờ giải

Thứ sáu, 10/10/2014, 15:01
Hàng loạt các nghi án trốn thuế, chuyển giá rộ lên trong cả chục năm qua nhưng rồi không được làm rõ. Tình trạng này còn kéo dài bao lâu và những nghi án này bao giờ mới được giải.

Những nghi vấn

Công ty CP Mirae (KMR) công bố số liệu kinh doanh sau soát xét với lợi nhuận ròng 6 tháng 2014 đạt 11 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với báo cáo ban đầu, cao gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ. Hồi đầu tháng 4, KMR phải giải trình chênh lệch số liệu báo cáo tài chính 2013. Trước đó, DN này cũng bất ngờ điều chỉnh kết kinh doanh 2012 từ lãi gần 4 tỷ sang lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Đầu năm 2014, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) gây sốc nhất khi lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tự lập và báo cáo sau kiểm toán năm 2013 chênh nhau tới gần… 500 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cũng đã phát hiện ra lợi nhuận sau thuế của công ty bị PVX sai lệch tới 487 tỷ đồng. Thực tế, chênh lệch số liệu sau kiểm toán là hiện tượng phổ biến trên sàn chứng khoán. Và điều phải đặt ra là sau những sai lệch lãi - lỗ này nếu không bị phát hiện thì việc tính toán nộp thuế có sai lệch và thất thoát?

Năm ngoái, dư luận đã ồn ào quanh chuyện ông lớn Coca-Cola đã thua lỗ triền miên và thuộc tốp các DN lập kỷ lục báo lỗ tại Việt Nam. Sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca-Cola không ngừng báo lỗ và chưa đóng 1 đồng thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, DN vẫn liên tục mở rộng đầu tư với kế hoạch mới nhất là đầu tư thêm 300 triệu USD tới 2015. Doanh thu liên tục tăng cao nhưng lỗ của của thương hiệu nổi tiếng thế giới này cũng tăng dần.

Hàng loạt các nghi án trốn thuế, chuyển giá rộ lên trong cả chục năm qua nhưng rồi lại không được làm rõ.

Hàng loạt các nghi án trốn thuế, chuyển giá rộ lên trong cả chục năm qua nhưng rồi lại không được làm rõ.

Thậm chí, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng không chấp nhận Coca-Cola mở rộng có sở sản xuất tại đây vì DN thua lỗ liên tục. Cục thuế TP.HCM cũng đưa Adidas và Coca-Cola Việt Nam vào tầm ngắm trong danh sách các DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. Tuy nhiên, đến giờ các DN FDI vẫn không ngừng báo lỗ và cũng không ngừng mở rộng hoạt động.

Tuy nhiên, những giải thích sau đó của Coca-Cola vẫn không làm rõ được nghi vấn và đại diện tập đoàn này còn cho biết sẽ tiếp tục lỗ theo kế hoạch ở Việt Nam. Mới đây, thương vụ Metro Cash & Carry được bán cho tỷ phú người Thái với giá gần 900 triệu USD cũng được nhiều người quan tâm khi trong 12 năm hoạt động ở VN, Metro chỉ lãi duy nhất một năm, còn lại thua lỗ.

Nghi án lách thuế và "không có cơ hội" đóng thuế thu nhập DN còn rất nhiều với những cái tên lừng lẫy như: Adidas, PepsiCo, Nestle... hay như trường hợp Hualon Corporation "thổi giá" dây chuyền "phế thải" từ 400.000 USD lên 16 triệu USD và khai lỗ trong suốt 20 năm hoạt động. Nestle vào Việt Nam gần 20 năm nay cũng chứng kiến lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng.

Tổn thương nguồn lực

Thuế, ngoài nhiệm vụ là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia thì còn là công cụ mang đến công bằng xã hội thông qua thu/chi thuế tiến bộ, dân chủ và minh bạch. Người nghèo phụ thuộc vào dịch vụ công. Ngân sách NN là để đầu tư cho các dịch vụ công, y tế, xóa đói giảm nghèo và đầu tư cơ sở hạ tầng đều trông chờ vào thuế.

Tuy nhiên, nguồn lực này đang bị đe dọa bởi các hành vi lách thuế, trốn thuế, chuyển giá... của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia và của chính cả các DN trong nước.

Không chỉ các DN FDI thua lỗ triền miên, không nộp một đồng thuế thu nhập DN cho VN, các DN lớn trong nước cũng tìm cách lách thuế, trốn thuế...

Không chỉ các DN FDI thua lỗ triền miên, không nộp một đồng thuế thu nhập DN cho VN, các DN lớn trong nước cũng tìm cách lách thuế, trốn thuế...

Theo một khảo sát của ActionAid, các nước giàu viện trợ phát triển khoảng 100 tỷ USD cho các nước nghèo mỗi năm nhưng hoạt động trốn/lách thuế của các công ty đa quốc gia khiến các nước nghèo thiệt hại khoảng 160 tỷ USD.

Hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI, Việt Nam đã thu hút được nhiều DN lớn đến làm ăn. Nhiều tập đoàn thậm chí còn chuyển từ quốc gia khác sang Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu thuế và học tập công nghệ nước ngoài dường như đã thất bại.

Không chỉ các DN FDI như Coca-Cola, Nestle... thua lỗ triền miên, không nộp một đồng thuế thu nhập DN cho Việt Nam, các DN lớn trong nước cũng tìm cách lách thuế, trốn thuế, chậm đóng thuế bằng nhiều cách thức khác nhau.

Năm ngoái, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công bố danh sách 77 DN đang chây ỳ, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có DN nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng, cao gấp nhiều lần vốn. Nhiều đại gia trong nước như Ôtô Trường Hải cũng từng kêu cứu Chính phủ để xin gia hạn cả nghìn tỷ đồng tiền thuế.

Vài năm gần đây, TTCK chứng kiến các đại gia chuyển cổ phiếu cá nhân trị giá hàng nghìn tỷ nhưng không nộp thuế. Trong khi đó nhiều cá nhân đã chuyển cổ phiếu sang công ty riêng để hưởng lợi từ thuế thu nhập.

Đầu năm nay, cơ quan thuế TP.HCM đã quyết định truy thu và phạt một số cá nhân đã không kê khai và nộp đầy đủ thuế trong vụ chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ và công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Phở 24. Phở 24 bị truy thu số thuế 16,17 tỷ đồng, Y khoa Hoàn Mỹ bị truy thu và phạt 166,2 tỷ đồng.

Cơ quan thuế trong nhiều năm qua vẫn nỗ lực chống thất thu thuế nhưng gặp nhiều khó khăn. Đại diện Thanh tra Tổng cục thuế từng cho biết, việc DN lãi hay lỗ là hiện tượng bình thường trong cơ chế thị trường. Rất khó để nói một DN nào trốn thuế, tất cả đều phải căn cứ trên số liệu và theo quy định.

Theo ông Cao Anh Tuấn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tính đến tháng 9/2014, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 39.000 DN với tổng số thuế tăng thu thêm 7.440 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm ngành thuế đã rà soát trong số 39.637 DN thì có 1.938 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317,9 tỷ đồng giảm lỗ 4.129,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ hoàn thuế 82,8 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, trốn thuế, lách thuế, chuyển giá là một thực tế rất nhức nhối.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng - phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - cho rằng, nếu DN chuyển lỗ 5 năm thì nên để giảm vốn, đóng cửa. Tuy nhiên, không dễ thanh tra kiểm tra các DN. Muốn thanh kiểm tra DN phải có văn bản, 1 năm không quá 1 lần và 1 lần không quá 5 ngày. Điều quan trọng là có các quy định chặt chẽ, phải sửa luật DN, sửa luật đầu tư, phải phối kết hợp giữa các ban ngành.

Theo Vef

Các tin cũ hơn