Theo đó, ông Cao Anh Tuấn cho biết, về trường hợp của Metro, Bộ Tài chính đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và sẽ sớm cung cấp kết quả thanh tra.
Được biết, Metro đã hoạt động 12 năm tại Việt Nam nhưng chỉ duy nhất vào năm 2010 Metro báo lãi còn lại đều liên tục thua lỗ. Tính đến năm 2012, Metro lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng và chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Song đơn vị này lại liên tục mở rộng hệ thống siêu thị lên đến 19 trung tâm trên cả nước.
Trả lời trước báo giới và đại diện Cục Thuế TP.HCM, đại diện Metro từng đưa ra lý do, do chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ cho rằng, lý giải từ phía Metro không thuyết phục và yêu cầu phía Bộ Tài chính, Tổng cục thuế vào cuộc thanh tra nghĩa vụ thuế của Metro.
Thông tin thêm về công tác chống chuyển giá, ông Cao Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ Tài chính đã có kế hoạch thanh tra hàng loạt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.
Theo kết quả báo cáo, tính đến tháng 9/2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 39.000 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2013. Với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 7.440 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống chuyển giá, Bộ Tài chính đã có đề án triển khai chống chuyển giá. Theo đó, cơ quan thuế đã tập hợp các dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
|
Bộ Tài chính chính thức thanh tra thuế Metro sau 12 năm hoạt động chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. |
Cụ thể, đại diện Bộ Tài chính chỉ ra trường hợp đầu tư ban đầu lớn như các ngành công nghiệp nặng, khai thác quặng mỏ... chi phí đầu tư ban đầu, khấu hao lớn nên doanh nghiệp kê khai lỗ.
Trường hợp thứ hai là kinh doanh thua lỗ, rút vốn kinh doanh khỏi Việt Nam. Hàng năm, có hàng chục trường hợp doanh nghiệp FDI trả lại giấy phép đầu tư và từ bỏ dự án.
Với trường hợp kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu dẫn tới chi phí lãi vay lớn nên lỗ. Tuy nhiên, vốn vay lại thuộc công ty mẹ, công ty thành viên hỗ trợ nên số lỗ được tính vào công ty mẹ ở nước ngoài.
Ngoài ra, trường hợp khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, mua thiết bị, nguyên liệu đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài cũng được đánh giá là chuyển giá. "Qua đó, chúng tôi nhận định một số tiêu chí nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, dấu hiệu liên kết là doanh nghiệp lỗ nhiều năm liên tục, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cục thuế thực hiện. Còn trong năm 2015, trong tổng số doanh nghiệp mà ngành thuế kiểm tra sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá", ông Cao Anh Tuấn thông tin.
Theo DĐĐT