Metro bị thanh tra thuế: Tại sao giờ mới làm?

Thứ bảy, 04/10/2014, 07:15
“Nếu ai làm DN thì đều biết, chỉ cần 1-2 năm không đóng thuế thu nhập DN thôi là ngay lập tức bị cơ quan thuế “sờ gáy” ngay, nhưng với nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Metro lại khác”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu quan điểm trước thông tin Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chính thức có quyết định thanh tra toàn diện Metro Việt Nam.

“Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của Tổng cục Thuế, mà đáng lý đã phải làm từ lâu”- bà Loan mở đầu cho quan điểm của mình.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Theo bà Loan, trước đây Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có công văn gửi cùng lúc tới 3 bộ, ngành là Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị và yêu cầu thanh tra thuế Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Hai lý do được Hiệp hội đưa ra, thứ nhất là Metro có dấu hiệu vi phạm khi né đóng thuế thu nhập DN trong 12 năm hoạt động tại Việt Nam.

Lý do thứ 2, Metro đầu tư vào Việt Nam với tư cách nhà bán buôn, nhưng thực tế tại 19 trung tâm của Metro trên toàn quốc thì đều là những điểm bán lẻ, cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ địa phương. Chưa kể, vì nhận được sự ưu ái nào đó, mà các trung tâm của Metro đều được tọa lạc ở những vị trí đắc địa, rất gần với khu trung tâm. Trong khi, thông thường những trung tâm bán buôn kiểu Metro phải nằm cách khu vực trung tâm từ 10-15km….

Sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam và kêu lỗ liên tục, Metro Việt Nam sẽ bị thanh tra thuế toàn diện và giám sát thương vụ chuyển nhượng với tập đoàn đại gia Thái Lan

“Nếu ai làm DN thì đều biết, chỉ cần 1-2 năm không đóng thuế thu nhập DN thôi là ngay lập tức bị cơ quan thuế “sờ gáy” ngay, nhưng với nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Metro lại khác” – bà Loan nói.

Với số vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD tại Việt Nam từ năm 2002, 12 năm kinh doanh Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, doanh thu liên tục tăng, như năm 2013 khoảng hơn 14.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong chừng đó năm hoạt động tại Việt Nam Metro đều “kêu” lỗ, doanh thu chưa bù đắp được giá vốn mua hàng và chi phí để “né” đóng thuế thu nhập DN.

Thời gian gần đây, cái tên Metro lại nổi lên và được dư luận quan tâm khi công bố nhượng lại toàn bộ hệ thống bán lẻ tại Việt Nam cho đại gia Thái với giá trị chuyển nhượng lên tới gần 900 triệu USD.

Vì thế, với quyết định sẽ thanh tra thuế toàn diện Metro Việt Nam và giám sát chặt thương vụ chuyển nhượng giữa Metro Việt Nam và tập đoàn bán lẻ Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kỳ vọng, “phân phối bán lẻ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, vì thế nên lưu ý khi cấp phép mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Chúng ta cùng chờ đợi kết luận thanh tra minh bạch, công bằng đối với tất cả các DN, trong đó có DN bán lẻ Việt Nam” .

Theo Infonet

Các tin cũ hơn