Theo một đại diện DN có trụ sở hoạt động ở TP.HCM, khó khăn lớn nhất khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng tín chấp hiện nay là sức mua trên thị trường chưa cải thiện. Nhiều DN kỳ vọng sức mua hàng hóa, dịch vụ tăng vào mùa cuối năm sẽ là điều kiện thị trường cho nguồn vốn vay tín chấp được đưa vào sản xuất kinh doanh những tháng tới.
Khẳng định nhu cầu vốn dồn vào cuối năm theo quy luật thường niên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM cho hay, để cung cầu vốn gặp nhau cần có sự nỗ lực từ người vay và bên cho vay. Theo ông Hưng, lúc này không phải DN nào cũng còn tài sản thế chấp vay vốn, nên NH cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn phần nào cho DN. Thực tế chưa nhiều DN đủ điều kiện vay vốn tín chấp trong điều kiện thị trường hiện nay, mặc dù chủ trương đã có.
|
Nhiều TCTD đánh giá tín nhiệm DN để cấp hạn mức tín dụng. |
"Chúng tôi thấu hiểu, bản thân ngân hàng (NH) cũng thực hiện theo các quy định tín dụng nên phải thận trọng trong cho vay, nhất là những khoản tín dụng tín chấp. Vì người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với khoản vay vẫn là bản thân các NH, nếu khoản tín dụng đó rơi vào nợ xấu. Thế nhưng, nếu hỗ trợ DN vượt qua khó khăn lúc này NH cũng giảm được khó và tiếp tục tăng trưởng tín dụng”, ông Hưng nói.
Trong phiên trả lời chất vấn trước UBTVQH đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, hoạt động “cho vay tín chấp sẽ được làm từng bước thí điểm”. Đồng thời sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điểm trong Nghị định 41 về cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo hướng thuận lợi hơn cho nông dân ở các khu vực thị trấn và vùng ven đô thị tiếp cận vốn vay tín chấp. Theo NHNN, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm 40% so với năm 2012 và tương đương với mức lãi suất trước khủng khoảng kinh tế năm 2008.
Tuy nhiên, cho vay tín chấp cũng đặt ra cho bên vay vốn phải cung cấp thông tin hoạt động minh bạch hơn. Khi đó, NH sẽ cho vay vốn theo hình thức cấp hạn mức tín dụng cho DN theo nhu cầu thực tế từng thời điểm. Cụ thể, kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN đến đâu, cần có lượng vốn bao nhiêu thì NH sẽ giải ngân tới đó và phải được quản lý toàn bộ dòng tiền của DN để tạo cơ sở lòng tin giữa DN và NH trong quan hệ tín dụng.
Như vậy, việc nghiên cứu để xếp hạng tín nhiệm DN đòi hỏi phải được NHTM nâng lên một bước. Trong đó, quy trình thu thập, khai thác thông tin đánh giá tín nhiệm khách hàng phải được thu thập từ nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, DN cũng phải đạt được những chỉ số tín nhiệm của các hệ thống xếp hạng nội bộ ngành để làm cơ sở cho NH cấp hạn mức hàng năm cho vay tín chấp.
Thực tế, VietinBank, Vietcombank, BIDV và một số ngân hàng đã sử dụng kết quả đánh giá tín nhiệm DN nội bộ để cấp hạn mức tín dụng cho mỗi DN lên đến hàng trăm tỷ đồng một năm và áp dụng lãi suất thấp nếu DN sử dụng dịch vụ khép kín của NH. Thế nhưng, do các quy định pháp lý chưa đầy đủ nên các TCTD đã từng cấp hạn mức tín dụng theo năm vẫn cầm tài sản là nhà xưởng của DN.
Hiện nay, chủ trương thí điểm cho vay bằng tín chấp đang mở rộng thêm thị trường tín dụng nhưng lại gặp khó khăn về khoản nợ xấu chưa thật sự được “giải phóng”, nên các NH chưa thể mạnh tay triển khai cho vay không có tài sản đảm bảo. Tuy vậy, một lãnh đạo NHTM lớn cho biết, họ vẫn sẽ chọn lọc cẩn thận những khách hàng tốt để triển khai cho vay tín chấp
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang bắt đầu triển khai chủ trương xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp, song cũng rất thận trọng. Bởi rủi ro trong cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn. Vì thế, buộc các NH sàng lọc kỹ khách hàng cho vay tín chấp và chỉ cấp tín dụng đối với DN có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi cao.
Vì thế, theo một lãnh đạo cấp cao ngành NH, việc đẩy mạnh cho vay tín chấp các ngân hàng thương mại phải kiểm soát được rủi ro. Riêng việc mở rộng tăng trưởng tín dụng lại phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, NH không thể đơn phương tháo gỡ khó khăn, dù giảm lãi suất hay đẩy mạnh cho vay tín chấp.
Theo Zing