Chuyển núi tiền về một mối
Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết ngày 22/9 ông Nguyễn Hồng Nam, thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc SSI và vợ đã chuyển nhượng thành công 18,2 triệu cổ phiếu SSI sang Công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn Đan Linh.
Sau chuyển nhượng, ông Nguyễn Hồng Nam và vợ không còn là cổ đông của SSI. Trong khi đó, Sài Gòn Đan Linh trở thành cổ đông lớn nắm giữ 18,2 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 5,16% vốn điều lệ.
Điều đáng chú ý là: Sài Gòn Đan Linh là công ty riêng của ông Nguyễn Hồng Nam, em trai ông Nguyễn Duy Hưng, tỷ phú số 1 trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư tài chính. Đây là một vụ chuyển cổ phiếu từ cá nhân về công ty riêng.
Như vậy, từ giờ trở đi các giao dịch liên quan tới ông Nam sẽ ít nhắc tới tên ông Nam cũng như người có liên quan là ông Nguyễn Duy Hưng nữa, thay vào đó là một tổ chức: Công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn Đan Linh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, tỷ phú số 1 trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư tài chính |
Trong thông báo mới nhất liên quan tới quyết định đăng ký thoái vốn của cổ đông lớn nhất tại SSI là Ngân hàng ANZ, SSI cho biết: Sài Gòn Đan Linh đăng ký mua thêm 7 triệu cổ phiếu. Như vậy, 2 cái tên Nguyễn Hồng Nam và Nguyễn Duy Hưng đã không được nhắc đến.
Một công ty khác là Đầu tư Đường Mặt Trời cũng đăng ký mua 11 triệu cổ phiếu SSI từ ANZ. Đây là công ty do ông Nguyễn Mạnh Hùng, một em trai khác của ông Hưng làm chủ tịch. Công ty này gần đây khá nổi tiếng với vụ cùng SSI giành quyền kiểm soát đối với CTCP Bibica (BBC). Đường Mặt Trời hiện nắm giữ gần 22% cổ phần BBC.
Phong trào chuyển cổ phiếu cá nhân sang công ty riêng diễn phổ biến trong thời gian gần đây với rất nhiều gương mặt đại gia nổi tiếng. Một trong những doanh nhân đã dẫn đầu phong trào này chính là ông Nguyễn Duy Hưng.
Cuối năm 2009, ông Hưng đã chuyển toàn bộ lượng cổ phiếu SSI của mình sang công ty TNHH Một thành viên Nguyễn Duy Hưng. Công ty này hiện được đổi tên thành Công ty TNHH NDH Việt Nam. NDH hiện đang sở hữu gần 29 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 8,2% và có trị giá khoảng 850 tỷ đồng. DN này còn đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp niêm yết khác như Pan Pacific, Giống cây trồng Miền Nam, Gilimex... với tổng giá trị đạt ít nhất là 400 tỷ đồng.
Gần đây, giới đầu tư cũng chứng kiến đại gia Lê Phước Vũ "giấu" 22 triệu cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen, tương đương 22,8%, trị giá 1.100 tỷ đồng ở Công ty TNHH MTV Tam Hỷ do chính ông làm chủ tịch kiêm giám đốc.
Dư luận hồi giữa tháng 9 cũng đặt câu hỏi người từng giàu nhất trên TTCK ông Đặng Thành Tâm đã bán số cổ phiếu KBC trị giá gần 500 tỷ đồng cho ai. Thông tin người mua chưa được xác định nhưng cùng trong thời gian ông Tâm bán ra thì một cổ đông lớn khác của Kinh Bắc City là CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (KB Invest) đã công bố mua vào hàng chục triệu cổ phiếu KBC.
Học cách quản lý, đầu tư tiền của Bill Gates?
Rất nhiều doanh nhân Việt khác trong vài năm gần đây cũng dần dần chuyển phần lớn cổ phiếu cá nhân về các công ty riêng như ông Đặng Văn Thành (về Thành Thành Công), Trần Kim Thành (chuyển cổ phiếu KDC về Công ty PPK), Hà Văn Thắm (chuyển cổ phiếu OGC về Hà Bảo)...
Rất nhiều đại gia Việt đã không còn trực tiếp đứng tên tài sản, họ đang điều chuyển dần về các tổ chức chuyên nghiệp hơn để nắm giữ và đầu tư. |
Gần đây, ông Nguyễn Đức Tài - gương mặt nhà giàu mới nổi khiến loạt tỷ phú Việt bật bãi khỏi tốp 10 trên sàn chứng khoán - cũng đã chuyển khoảng 80% tài sản, trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng về công ty riêng. Đồng sáng lập của Thế giới di động, ông Trần Lê Quân, cũng chuyển số lượng cổ phiếu trị giá khoảng 1.350 tỷ đồng về công ty riêng và chỉ còn trực tiếp đứng tên khoảng 130 tỷ đồng.
Hiện tượng đại gia đồng loạt chuyển cổ phiếu về công ty riêng có nhiều lý do. Trước hết, đó là việc được hưởng lợi từ thuế thu nhập. Việc chuyển nhượng chứng khoán thuộc sở hữu tổ chức chịu thuế thu nhập DN "dễ chịu" hơn so với thuế thu nhập cá nhân. DN được khấu trừ nhiều loại chi phí trước khi tính thuế. Về mặt pháp lý, rủi ro cũng thấp hơn nhiều, công ty TNHH hay CTCP chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ, trong khi cá nhân chịu trách nhiệm pháp lý vô hạn.
Bên cạnh đó, mục tiêu của việc chuyển cổ phiếu về DN riêng còn là để giữ gìn hình ảnh cá nhân của các đại gia, tránh rủi ro truyền thông trong các giao dịch cổ phiếu lớn, hay cầm cố cổ phiếu nếu cần vay vốn ngân hàng.
Việc tập trung tài sản về công ty riêng cũng giúp cho việc quản lý, đầu tư hiệu quả hơn.
Trên thế giới, rất nhiều tỷ phú cũng đã làm như vậy. Tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates hiện cũng chỉ trực tiếp đứng tên khoảng 20% tổng số tài sản. Số cổ phiếu Microsoft có trị giá chỉ khoảng hơn 10 tỷ USD, so với con số tổng khoảng 80 tỷ USD.
Cascade Investment LLC là công ty đầu tư thuộc sở hữu của Bill Gates và gia đình. Công ty này không chỉ quản lý tài sản của Bill Gates mà còn làm gia tăng chóng mặt khối tài sản của tỷ phú này lên thêm cả chục lần trong vòng 2 thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, với nhiều đại gia, sự nổi danh giờ đây không phải là điều ai cũng mong muốn. Sự nổi danh thậm chí có thể còn gắn liền với sự phiền phức. Sự hiệu quả và tĩnh tại có lẽ là điều mà nhiều người đã nghĩ tới.
Theo VEF