Cắt giảm nhằm cải thiện lợi nhuận
Thị trường ngân hàng đang đón nhận thông tin về việc một số nhà băng cắt giảm lãi suất huy động. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 3 - 6 tháng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) giảm 0,2-0,3%/năm các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Cùng với đó, xu hướng cắt giảm lãi suất cũng diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm khoảng 0,2%/năm kỳ hạn 3 tháng; Eximbank giảm 0,2%/năm kỳ hạn từ 3-12 tháng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh giảm 0,1 - 0,2%/năm các kỳ hạn dưới 12 tháng…
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm.
Trước đó, đầu tháng 9, thị trường từng đón nhận thông tin một số ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, ACB … công bố giảm lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư. Đặc biệt, đây là lần giảm lãi suất thứ 2 trong năm, kể từ đầu tháng 3 trở lại đây.
Với các điều chỉnh giảm này, mức lãi suất thấp nhất được BIDV niêm yết chỉ còn 4,5% cho kỳ hạn 1 tháng, tương đương mức giảm tới 1,3% so với đầu năm 2014.
Về lãi suất cho vay bằng VND, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục ổn định. Riêng VietinBank, Eximbank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-0,3%/năm ở các kỳ hạn.
“Một số ngân hàng tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm”, thông tin nhấn mạnh.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các nhà băng cắt giảm thêm lãi suất huy động nhằm giảm chi phí vốn đồng thời giảm bớt lượng tiền đổ vào ngân hàng, khi mà tình hình cho vay vẫn chưa khả quan.
Do đo, động thái giảm mặt bằng lãi suất huy động lúc này thiên về việc cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các nhà băng trong những tháng cuối năm hơn là giảm lãi suất cho vay. “Có vẻ như các nhà băng đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trong điều kiện tín dụng khó tăng trưởng mạnh. Họ đang sử dụng độ chênh kỳ hạn để tối đa hóa lợi nhuận. Độ chênh giữa tài sản có và tài sản nợ càng cao thì ngân hàng càng lãi lớn”, một chuyên gia cho biết.
Đến nay, lạm phát cơ bản vẫn trong xu hướng giảm đáng kể từ 1 năm qua và giảm xuống còn 3,12% trong tháng 9/2014 so với cùng kỳ. Với xu hướng trên, trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2014 sẽ chỉ trong khoảng 3 - 4%.
Dù lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh giảm nhưng việc lạm phát tăng trong giới hạn cho phép vẫn đem đến giá trị thực dương cho người gửi tiết kiệm. Bởi vậy, dù các ngân hàng giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng không giảm, mà chỉ thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
Tính đến ngày 29/8, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,09% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 9,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 0,1%. Thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm 2013, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Sẽ còn giảm tiếp
Dự báo về xu hướng lãi suất ngân hàng thời gian tới, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho biết: Với kỳ vọng lạm phát cả năm khoảng 5% đến dưới 6%, để đảm bảo duy trì lãi suất thực dương cho người gửi tiền, lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm.
Tuy nhiên, “đối với lãi suất cho vay, theo thông tin từ Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ nay đến cuối năm 2014, về cơ bản NHNN vẫn điều hành chính sách lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu không có biến động đột biến của chỉ số giá tiêu dùng, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay xuống thêm 1-2%/năm”, ông Thông cho hay.
Chia sẻ về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay: Lãi suất thị trường đã có sự điều chỉnh trong thời gian qua. Về lãi suất định hướng của NHNN, hiện chỉ còn mức lãi suất trần 6 tháng đặt ở mức 6% và trên thực tế cũng là chỉ định hướng so với lạm phát. Bởi trên thực tế, các tổ chức tín dụng đã huy động hơn mức trần khá nhiều.
“Nếu chúng ta đưa mức lãi suất trần xuống, ví dụ như 5% để cho phù hợp với diễn biến lạm phát của năm nay thì kỳ vọng lạm phát còn ở mức cao hơn. Nếu chính sách không ổn định, nó sẽ tạo ra chấp chới, mất niềm tin của nhân dân, dù vậy chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của đại biểu nhân dân, tiếp tục phân tích và theo dõi sát tình hình, khi các điều kiện cho phép chúng tôi sẽ tiến hành”, Thống đốc nhắn nhủ.
Còn về lãi suất cho vay, Thống đốc Bình cho biết, lãi suất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, nhưng với mức độ giảm thấp.
Thống đốc Bình cho biết thêm, mặt bằng lãi suất đến nay đã giảm khoảng 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013, trong đó lãi suất huy động giảm khoảng 0,5-1%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 1-1,5%/năm. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các tổ chức tín dụng tích cực giảm; đến cuối tháng 8/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,3% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Theo Dân Trí