Thưa ông, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chết vì không tiếp cận được tín dụng với lãi suất phù hợp thì có ý kiến cho rằng, ngân hàng thương mại đang “ngủ đông” trong trái phiếu Chính phủ, nói cách khác là các ngân hàng thương mại đang sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách. Ông có đồng tình với ý kiến này không và vì sao?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết, hãy nhìn lại những con số tăng trưởng tín dụng và huy động trái phiếu chính phủ trong thời gian vừa qua.
Theo thông báo của Ngân hàng nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng với nền kinh tế tăng 3,72% so với tháng 12/2013. Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, thông báo trên trang web chính thức của Bộ Tài chính cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2014, kho bạc nhà nước đã huy động được trên 73.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Tiếp đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến 22/9/2014, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 22/9 tăng 6,62% so với tháng 12/2013. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục sôi động với 65.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ được bán ra.
Một thông tin nữa cần lưu ý, trong các phát ngôn chính thức, Ngân hàng Nhà nước luôn thừa nhận tín dụng dư nợ chưa cao vì nền kinh tế vẫn khó hấp thụ vốn, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng có phải là gián tiếp đầu tư vốn vào nền kinh tế?. Thực tế là những nguồn vốn trái phiếu chính phủ không có mục đích hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mà phần lớn là đầu tư vào các công trình công cộng với hiệu quả kinh tế dài hạn hoặc để chi vào bội chi ngân sách.
Điểm lại các thông tin trên, có thể nhận định, ý kiến về việc ngân hàng thương mại “ngủ đông” trong trái phiếu Chính phủ là hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề đặt ra là, điều này sẽ dẫn tới hệ quả trực tiếp là gì?
Chức năng của ngân hàng thương mại là huy động vốn nhàn rỗi từ người dân để cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động, tương tự như quả tim bơm máu cho cơ thể. Nếu chức năng này không được thực hiện, cơ thể đó sẽ chết. Minh chứng đã quá rõ ràng, chỉ năm tháng đầu năm 2014, đã có 28.000 doanh nghiệp giải thể.
Việc doanh nghiệp phá sản hàng loạt vì không tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý đã được những nhà quản lý nhìn nhận. Thời gian vừa qua, liên tiếp có những chỉ đạo về việc bơm tiền cho nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng, cho vay tín chấp. Tuy nhiên, giữa chỉ đạo và thực hiện lại đang có một khoảng cách quá xa.
Ví dụ, về việc cho vay tín chấp, dù Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn phải đáp ứng các tiêu chí tương đương 4-5 trang A4 như: vốn điều lệ phải là 100 tỷ đồng trở lên, lập tài khoản của ngân hàng và dòng tiền mỗi tháng chuyển qua tài khoản này khoảng 5-10 tỷ đồng…
Các nước không làm như thế. Một doanh nghiệp mới ra mà không có những báo cáo tài chính năm trước và năm sau, những vốn điều lệ… , đến ngân hàng thương lượng thì ngân hàng không đuổi doanh nghiệp về. Họ đánh giá mức độ khả thi của dự án, nếu đạt thì sẽ được vay tiền. Nhưng ngân hàng thương mại Việt Nam chưa biết, và chưa quen với cách làm như thế bởi từ trước tới nay chỉ tập trung vào việc dễ hơn tức là cho vay thế chấp.
Đó là những việc cần phải điều chỉnh. Nếu thực hiện chỉ đạo một cách máy móc như hiện nay, tất yếu dẫn tới ngân hàng mua trái phiếu của nhà nước hay gọi những ông doanh nghiệp nhà nước thỏa thuận cho vay. Đó không phải là cách để nền kinh tế phát triển.
Quả thật, nhìn từ góc độ ngân hàng thương mại, với gánh nợ xấu chưa giải quyết được (theo báo cáo là 3-4% nhưng có thể là 13-14% hay hơn thế), đầu tư vào kênh trái phiếu nhà nước hay cho doanh nghiệp nhà nước vay là lựa chọn an toàn nhất, dễ nhất, có lợi chắc chắn nhất. Như vậy, ngoài những chỉ đạo mang tính định hướng, để hướng luồng tín dụng đến đúng địa chỉ, phải làm như thế nào, thưa ông?
Ngân hàng huy động vốn từ người dân nhưng không cho vay được mà vẫn phải trả lãi suất cho người có tài khoản tại ngân hàng, họ phải tìm nơi nào để đầu tư để có tiền trả phần lãi đó.
Trước tình huống này, Chính phủ đứng ra vay và trả lãi ngân hàng nên ngân hàng vẫn giữ lãi suất cho vay cao. Nếu việc quản lý tài chính của Chính phủ hiệu quả hơn, Chính phủ không vay tiền từ ngân hàng thương mại (bằng hình thức trái phiếu Chính phủ), tất yếu, ngân hàng phải hạ lãi suất, nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn. Lẽ ra, lãi suất của chính phủ phải thấp nhất trên thị trường vì lãi suất căn cứ vào mức rủi ro. Nhưng nghịch lý ở Việt Nam là Chính phủ trả lãi suất cao để đi thâu tóm tín dụng ngân hàng. Nói cách khác, Chính phủ cạnh tranh với doanh nghiệp để vay số tiền nhàn rỗi huy động từ người dân.
Cụ thể, sau nghị quyết 11 năm 2011 về kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo bằng cách kiềm chế tăng trưởng tín dụng, tăng lãi suất cho vay. Năm 2011, Chính phủ huy động được hơn 81.716 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, năm 2012 là hơn 110.000 tỷ đồng, năm 2013 là 143.000 tỷ đồng.
Song song với đó, số lượng doanh nghiệp phải giải thể cũng tăng dần theo các năm. Cụ thể, theo số liệu của VCCI, trong năm 2011-2012, số doanh nghiệp ngừng hoạt động khoảng hơn 107.000, bằng con số ngừng hoạt động của cả 12 năm trước. Trong năm 2013, có khoảng 61.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Ở các nước, khi tình hình kinh tế khó khăn, như sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương hạ ngay lãi suất chiết khấu và lãi suất cho các ngân hàng thương mại vay đến mức 0% hoặc 0,1% hay 0,5% để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất từ 1-2% (như ở Mỹ, châu Âu, Nhật và các nước trong khu vực.
Nhưng ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại không có động thái đó mà còn giữ lãi suất ở mức cao để “kiềm chế lạm phát”, mặc cho ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất “chết” (20-27%), bất chấp quy định của Luật Dân sự về trần lãi suất (không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước). Như vậy chẳng khác nào tưới nước nóng vào ruộng lúa, hủy diệt hàng loạt doanh nghiệp.
Đây là một vấn đề căn bản về quản lý chính sách tiền tệ. Việt Nam cần phải quán triệt rõ rệt hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Trung ương.
Có thể nói, thay vì có chính sách hướng luồng tín dụng tới đúng địa chỉ, đã có những chính sách chính thức hay không chính thức tạo điều kiện cho ngân hàng mua trái phiếu nhà nước và tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất cao để ngân hàng có lãi và tồn tại.
Vẫn chưa hết. Trong một cuộc họp năm 2012, một vị lãnh đạo một ngân hàng thương mại đã nêu vấn đề còn 4 tỷ USD trong ngân hàng mà không cho vay được. Lãnh đạo Ngân hàng đưa ra chủ trương mua tín phiếu của ngân hàng nhà nước.
Kết quả là năm đó, lãi suất tín phiếu NHNN là 12%, trong khi lãi suất ngân hàng thương mại cho vay là 15-17%. Bốn tháng cuối năm 2012 tổng giá trị giao dịch tín phiếu NHNN đạt hơn 909 tỷ đồng, năm 2013 đạt 11.695 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2014 đạt 8.103 tỷ đồng.
Tại sao ngân hàng nhà nước lại đi trả tiền lãi cho ngân hàng thương mại với lãi suất cao trong khi lẽ ra ngân hàng nhà nước phải cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp? Với chính sách này, thêm một phần tín dụng lẽ ra phải đến với doanh nghiệp sản xuất lại dành cho Chính phủ vay.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được hoặc là tiếp cận được với lãi suất cực cao, lên tới 17-18% như những năm 2012, 2013. Bơm tín dụng như thế vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ có còn nước chết thôi.
Phía quản lý nhà nước đã không đánh giá đủ sự độc hại của lãi suất cao như vậy. Đó là chất độc ngấm từ từ vào doanh nghiệp, doanh nghiệp còn tồn tại trong những năm sau nhưng là nợ xấu và không hoạt động kinh doanh được và chết dần chết mòn trong những năm tiếp theo.
Đáng nói, không phải 1-2 doanh nghiệp mà toàn bộ doanh nghiệp phải đối diện với mức lãi suất như vậy. Điều hành tiền tệ như vậy không khác nào bơm nước nóng vào ruộng lúa đang khát nước.
Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam từ những năm mở cửa tới nay phát triển tự phát, sống nhờ các doanh nghiệp tư nhân. Từ năm 2011, doanh nghiệp bị chính sách ép chặt và mỗi năm mỗi chết thêm.
Ngân hàng thương mại dùng tiền huy động từ người dân mua trái phiếu chính phủ hay tín phiếu kho bạc nhà nước, nghĩa là cho nhà nước vay. Nhà nước sử dụng tiền này để chi tiêu công và đầu tư xây dựng cơ bản, nghĩa là chỉ tạo ra hiệu quả gián tiếp. Bội chi ngân sách vẫn năm sau cao hơn năm trước. Vậy vấn đề cân đối, lành mạnh thu chi ngân sách nhà nước phải được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Dù không xét tới việc bán trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước vay nợ người dân thông qua hình thức trái phiếu Chính phủ cũng sẽ khiến nợ công cao hơn.
Nếu nhà nước dùng nợ công đó để dù có bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước thì trên lý thuyết, một phần trong số đó vẫn vào sản xuất kinh doanh (tất nhiên, hiệu quả của những khoản đầu tư này chưa bao giờ được đánh giá cao).
Nếu nhà nước dùng nợ công làm các công trình hạ tầng cơ sở, làm đường cao tốc thì sự đầu tư đó không những chưa mang lại hiệu quả kinh tế mà còn dẫn tới mất mát, rút ruột công trình. Điều này đã được truyền thông trong nước phản ánh rất nhiều.
Nếu nhà nước dùng nợ công để chi tiêu cho chính phủ nghĩa là khoản tiền đó sẽ mất đi. Đẩy mạnh những khía cạnh đó thì nền kinh tế làm sao phát triển được?
Ở đây có một vòng luẩn quẩn mà nếu không tìm cách thoát ra thì nền kinh tế Việt Nam sẽ trì trệ kéo dài dẫn tới những hệ quả xấu hơn.
Nhà nước đang cạnh tranh với doanh nghiệp để chiếm dụng nguồn vốn. Tiền không được đưa vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghĩa là không tạo ra sản phẩm, doanh nghiệp giải thể, ngân sách mất nguồn thu.
Khi đó, chưa nói tới chuyện trả khoản vay gốc, Nhà nước muốn trả lãi cho ngân hàng thương mại (để ngân hàng thương mại trả lãi cho người dân) sẽ phải trích từ ngân sách (vốn là tiền đóng thuế của dân). Đến một lúc nào đó, khi sức dân cạn, muốn trả lãi cho người dân thì phải vay từ nước ngoài. Cần phải nhớ, vài năm nay, Việt Nam đã bắt đầu phải vay nợ nước ngoài để trả lãi những khoản nợ chưa giải quyết được.
Tóm lại, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, nền kinh tế teo lại còn nợ công thì cứ lớn ra.
Theo Đất Việt