|
Quán cà phê của ông Tấn - Ảnh: Phan Thương |
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Tấn (49 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), chủ quán cà phê Xin Chào tại địa chỉ C12/26 KP.3, TT.Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM, đang khiến dư luận xôn xao.
Cạnh tranh với căn tin của công an?
Chiều 19/4, PV có mặt tại quán cà phê của ông Tấn để tìm hiểu vụ việc. Theo quan sát của PV, quán cà phê nằm đối diện cổng chính của trụ sở Công an H.Bình Chánh; còn căn tin của công an huyện nằm ở cổng sau, trong trụ sở làm việc của công an.
|
Ông Tấn cho biết vì muốn chọn ngày tốt khai trương nên dù chưa có giấy phép kinh doanh ông đã khai trương và hoạt động vào ngày 8/8/2015. “Đến ngày 13/8/2015, Công an H.Bình Chánh đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về việc tôi kinh doanh không có giấy phép. Tôi có cung cấp biên lai hẹn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của UBND H.Bình Chánh vào ngày 19/8/2015. Tuy nhiên, ngày 18/8/2015, Công an H.Bình Chánh vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 lỗi vi phạm đối với tôi, số tiền phạt 17 triệu đồng. Tôi đã đóng phạt”, ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, sau khi có giấy phép kinh doanh, ông cũng tiến hành đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và được hẹn trả kết quả ngày 29/9/2015. Tuy nhiên, khi chưa kịp hoàn tất giấy tờ thì ngày 10/9/2015, Công an H.Bình Chánh tiếp tục kiểm tra lần 2, lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm, kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cho rằng ông Tấn từng bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nên Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an H.Bình Chánh đã khởi tố bị can và sau đó Viện trưởng KSND H.Bình Chánh quyết định truy tố ông Tấn ra tòa để xét xử về tội “kinh doanh trái phép”.
Trong thời gian tại ngoại chờ ra tòa, ông Tấn bức xúc: “Đây là việc làm mang tính chủ quan của công an, cố tình ép tôi phải nghỉ kinh doanh nếu không căn tin của công an sẽ bị ế ẩm, không buôn bán được. Họ chưa một lần đến nhắc nhở, hướng dẫn tôi phải hoàn tất các thủ tục để được kinh doanh, đùng đùng đến kiểm tra rồi xử phạt. Khi đến kiểm tra lần 1, bản thân tôi biết mình chưa đúng đã cố gắng tiến hành các bước hoàn tất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, rồi giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi cũng đã cung cấp các giấy hẹn các cơ quan chức năng hẹn đến ngày trả kết quả nhưng tại sao họ cứ ép phải xử phạt rồi xử lý hình sự tôi?”.
Sợ mở quán sẽ phát sinh “cò” và “chạy” án ?
Trả lời PV, đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an H.Bình Chánh, nói: “Công an huyện đã có báo cáo chi tiết vụ việc lên Công an TP.HCM. Hiện tình tiết vụ việc, Công an H.Bình Chánh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Công an TP mới được phép trả lời báo chí”.
Liên quan đến việc ông Tấn cho rằng vì cạnh tranh với căn tin trong Công an H.Bình Chánh dẫn đến thù hằn cá nhân nên công an mới xử lý hình sự ông, ông Quý nói: “Không có việc đó. Căn tin bán trong trụ sở công an được đấu thầu theo đúng quy định chứ không có việc tôi đưa người quen vô bán. Còn ông Tấn suy diễn cạnh tranh, thù hằn cá nhân là việc của ổng”.
Theo ông Quý, trước khi ông Tấn đổ đất san lấp, xây dựng quán cà phê thì công an huyện đã nhiều lần phân tích, hướng dẫn cho ông hiểu rằng khu đất này nằm trong lộ giới đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên không được xây dựng; việc buôn bán của ông Tấn trước cổng công an huyện sẽ phát sinh những vấn đề như “cò” làm giấy tờ xe, “chạy” án… tập trung về gây mất trật tự. “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn, khuyến cáo ông Tấn về việc xây dựng và kinh doanh trước cổng công an huyện nhưng ông Tấn vẫn bất chấp buộc công an phải xử lý theo quy định pháp luật”, ông Quý nói.
|
Ông Lê Thanh Tòng, Phó viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh - người ký quyết định ban hành cáo trạng truy tố ông Tấn tội “kinh doanh trái phép”, cho biết ban đầu nhận hồ sơ từ CQĐT Công an H.Bình Chánh, lãnh đạo Viện đã trả hồ sơ lại nhiều lần với mong muốn không xử lý hình sự nhưng CQĐT kiên quyết xử lý, Viện kiểm sát chỉ có 2 cách: phê chuẩn hoặc hủy đề nghị nếu không có căn cứ.
“Song, với tài liệu hồ sơ vụ án chúng tôi thấy, lần 1 Công an H.Bình Chánh đã xử phạt đúng. Lần 2, khi kiểm tra trở lại, quán vẫn hoạt động bình thường, ngành nghề kinh doanh trong giấy phép kinh doanh là bán hàng ăn uống, cà phê, nước giải khát. Đồng thời, theo giấy phép kinh doanh nêu rõ với ngành, nghề kinh doanh này, chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ông Tấn không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại thời điểm kiểm tra thì việc xử phạt lần 2, từ đó tạo tiền đề xử lý hình sự ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép là phù hợp”, ông Tòng nêu.
Ông Tòng cho biết thêm: “Ban đầu tôi cũng áy náy vì mức độ kinh doanh của ông Tấn, xét về tình thì cũng làm khó cho ông nhưng xét về lý cơ quan Viện kiểm sát cũng không muốn bỏ lọt tội phạm. Hồ sơ công an đưa qua, nếu đầy đủ chứng cứ mà tôi không đồng ý phê chuẩn, ký quyết định thì lại bị anh em đàm tiếu”.
Không bình thường
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định không có dấu hiệu hình sự trong vụ án này. “Hành vi không có giấy phép kinh doanh và hành vi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là 2 hành vi hoàn toàn khác nhau, không thể coi là tái phạm rồi xử lý hình sự. Hơn nữa, sự quan tâm của công an đối với ông Tấn là không bình thường, quá dồn dập, căn ke. Thay vì giáo dục, hướng dẫn người dân thì công an lại dồn họ vào thế bí dù người dân đã tích cực bổ sung các giấy tờ liên quan”, LS Đức nhìn nhận.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng hành vi vi phạm của ông Tấn đơn thuần chỉ là vi phạm hành chính, không có sự tái phạm trên cùng một hành vi nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cho nên việc công an, Viện kiểm sát xử lý hình sự ông Tấn là trái quy định pháp luật.
|
Theo Thanh Niên