Trùm cá độ bóng đá hầu hết là côn đồ, lưu manh

Thứ hai, 13/06/2016, 09:19
Cục Cảnh sát hình sự nhận định trùm cá độ bóng đá hầu hết là côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp. Họ sử dụng hàng nóng, thu nạp xã hội đen để giao dịch tiền cược và đòi nợ thuê.

Trước khi Euro 2016 khởi tranh, Bộ Công an đã tung trinh sát nắm thông tin về các đường dây cá độ bóng đá. Zing.vn đã có cuộc trao đổi với đại tá Lê Văn Tam - Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội - Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an) về hoạt động này.

- Vì sao nhiều người vẫn cho rằng côn đồ, lưu manh thường cầm đầu các đường dây cá độ bóng đá, thưa ông? Những khó khăn khi đeo bám trường hợp đầu sỏ ra sao?

- Qua các chuyên án đã khám phá thấy rằng người cầm đầu đường dây cá độ bóng đá ở Việt Nam hầu hết là côn đồ có tiền án, tiền sự. Họ thường sử dụng vũ khí nóng và xã hội đen để siết nợ, đòi nợ thuê. Nếu tội phạm hình sự khác khi bị trấn áp sẽ dạt về nông thôn, thì kẻ cầm đầu đường dây cá độ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Đây là loại tội phạm ẩn, có vỏ bọc tinh vi.

Đại tá Lê Văn Tam - Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội C45. Ảnh: Tùng Lâm.

Để thâm nhập mạng lưới, làm rõ chủ thầu và các chân rết, trinh sát thường mất từ 3 đến 12 tháng. Trước khi bắt giữ, cảnh sát phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ xác định tội phạm có sử dụng vũ khí nóng hay không, từ đó có giải pháp tiếp cận phù hợp. Đặc biệt, việc bắt giữ nghi phạm cá độ bóng đá phải triển khai đồng loạt để loại trừ tình huống người liên quan bỏ trốn, hoặc đánh sập hệ thống dữ liệu điện tử.

- Ông dự đoán các băng nhóm tổ chức cá độ dịp Euro 2016 sẽ hoạt động ra sao?

- Gần đây, tội phạm cá độ lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. Chúng đặt máy chủ ở nước ngoài sau đó lập các tài khoản từ lớn đến nhỏ theo hình thức quản trị mạng và thuê người trong nước điều hành. Khi thanh toán tiền, tội phạm cá độ hay sử dụng CMND giả để mở tài khoản ngân hàng. Nhận tiền từ con bạc, họ nhanh chóng rút tại cây ATM hoặc chuyển vào tài khoản người quản lý cao hơn để đổi ngoại tệ mang ra nước ngoài. Có những đường dây cá cược có lượng tiền giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng, gây ra tình trạng “chảy máu” ngoại tệ.

Ngoài các ổ nhóm cá độ tay bo theo kiểu truyền thống ở vùng nông thôn sẽ xuất hiện các đường dây cá cược xuyên quốc gia, có phương thức cá cược ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Họ không còn nhận trước tiền cược từ tài khoản của người chơi bất kỳ, giờ đây chủ thầu chỉ nhận kèo của người quen và phương thức giao dịch chuyển từ thế chấp sang tín chấp (cược trước, giao nhận tiền sau).

- Nhiều người cá độ trên mạng suy nghĩ rằng, chứng cứ điện tử dễ xóa nên cảnh sát sẽ gặp khó khi thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của họ. Ông nghĩ sao về việc này?

- Chống cá độ bóng đá là cuộc đấu tranh cam go. Nếu án hình sự sử dụng con người thì chuyên án cá độ phải dùng kỹ thuật. Ngoài phối hợp các nhà mạng chặn khóa trang mạng cá độ, 6 tháng trước khi Euro 2016 diễn ra, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương đã nắm thông tin về các đường dây, lập chuyên án triệt xóa các băng nhóm, tổ chức cá độ quy mô lớn.

Ngoài chứng cứ vật chất (tiền, thiết bị, máy móc), bằng biện pháp trinh sát và kỹ thuật nghiệp vụ, cơ quan công an có thể thu thập, chuyển hóa chứng cứ điện tử thành bằng chứng xác định hành vi phạm tội của người tổ chức cá độ bóng đá hoặc con bạc tham gia đánh bạc dưới hình thức này.

Mùa World Cup 2014, cảnh sát đã làm rõ, xử lý 3.700 trường hợp, trong đó chủ yếu là người tham gia cá độ qua mạng Ineternet. Trong số này có cả cán bộ công chức, học sinh, sinh viên, người không việc làm… Cá biệt, có trường hợp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp vừa cá độ vừa nhận trang từ nước ngoài về tổ chức nhận kèo để hưởng hoa hồng.

Loạt súng đạn liên quan đến băng nhóm cá độ mùa Euro 2012 do Cục cảnh sát hình sự thu giữ. Ảnh: Hà Anh.

- Cơ quan chức năng có thống kê được lượng tiền cá độ bóng đá chuyển ra nước ngoài không? Và việc chuyển tiền giữa nhà cái nước ngoài với chân rết trong nước được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Với các chuyên án đã khám phá, cảnh sát có thể xác định được tổng số tiền giao dịch. Tuy nhiên, không thể thống kê chính xác lượng ngoại tệ đã “chảy” ra nước ngoài do mỗi đường dây sử dụng nhiều hình thức chuyển tiền khác nhau. Tài khoản dễ phát hiện liên quan đến cá độ chủ yếu được các nghi phạm dùng để chi trả tiền công, hoa hồng. Còn số tiền thực tế giao dịch cá độ liên tục qua lại, quay vòng nên khó xác định cụ thể.

Việc giao dịch tiền cá độ giữa nhà cái hoặc công ty cá cược nước ngoài với chân rết trong nước được thực hiện thông qua 1-2 ông trùm người Việt Nam (còn gọi là mạng tổng). Họ không biết nhau và luôn giữ bí mật tài khoản ngân hàng. Để che giấu hành tung, có trường hợp đã tính đến việc giao dịch thông qua ngân hàng ngoại quốc hoặc sử dụng hình thức chuyển tiền điện tử.

- Nghi phạm người Việt giữ vai trò gì trong đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia?

- Nghi phạm người Việt trong các đường dây cá độ có yếu tố nước ngoài chủ yếu giữ vai trò giúp sức như quảng cáo, lôi kéo người chơi, giao nhận tiền cho nhà cái… Một số trường hợp được thuê làm quản trị trang cá độ ở trong nước hoặc là con bạc nhận trang cá độ rồi làm đầu mối nhận kèo, trở thành chân rết thuộc mạng lưới.

Trước khi Euro 2016 diễn ra, cảnh sát đã gọi hỏi, răn đe những người có tiền án, tiền sự từng tham gia cá độ bóng đá đồng thời phối hợp với với Interpol, Aseanpol và nhà mạng chặn, khóa các trang mạng cá cược, theo dõi nghi phạm nước ngoài cấu kết với người Việt mở đường dây cá độ.

Máy móc phục vụ việc cá độ của một trùm giang hồ ở Bắc Ninh năm 2012. Ảnh: Hà Anh.

Người có hành vi tổ chức cá độ bóng đá qua mạng Internet để hưởng lợi bất chính bằng tiền hoặc hiện vật phạm vào tội Tổ chức đánh bạc được quy định tại điều 249 – Bộ luật Hình sự năm 1999 (từ 1/7/2016 quy định tại Điều 322 – Bộ luật Hình sự) có mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù.

Người tham gia các độ bóng đá trên mạng đề ăn tiền với mức cược từ 2 triệu đồng trở lên phạm tội Đánh bạc được quy định tại Điều 248 – Bộ luật hình sự năm 1999. Từ 1/7/2016, mức cược từ 5 triệu đồng trở lên phạm vào tội Đánh bạc quy định tại Điều 321 – Bộ luật Hình sự năm 2015 có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích