Người phát tán tin nhắn riêng tư của Vũ Cát Tường có thể bị xử lý như thế nào?

Thứ năm, 11/08/2016, 08:16
Khoan bàn tới chuyện nội dung của đoạn chat hay việc nói xấu ai, hành vi phát tán trái phép những đoạn chat riêng tư - được coi là một dạng thông tin cá nhân cần được bảo mật tối đa, hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.

Đoạn chat 1 năm trước bỗng lùm xùm trở lại

Sau lùm xùm khi Vũ Cát Tường lên tiếng về sản phẩm gây tranh cãi của Sơn Tùng M-TP, những nội dung đoạn chat được cho là giữa Vũ Cát Tường và người yêu đồng tính với nhiều chi tiết nhạy cảm bất ngờ được phát tán khiến dư luận sửng sốt.

Đoạn chat sex này được cho là của Vũ Cát Tường và một nữ stylist tên H.M - người cộng sự với vai trò định hướng cho hình ảnh của nữ ca sĩ.

Hình ảnh thân mật của Vũ Cát Tường và nữ stylist cũng được lan truyền những ngày qua.

Ngoài những tin nhắn tình cảm riêng tư, trong nội dung đoạn chat còn bàn tán rất nhiều về những nghệ sĩ của showbiz như: Mỹ Tâm, Hà Hồ, Thu Minh, Lệ Quyên, nhạc sĩ Đức Trí, Hà Kin, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Tôn, Trung Quân, Tiên Tiên, Gil Lê, Danny Đỗ...

Theo tìm hiểu, đoạn chat này đã được tung ra 1 năm trước. Tuy nhiên, sau lùm xùm với Sơn Tùng MTP và bị tố đạo nhạc thì đoạn chat này lại đồng loạt bị khui lại. Ngoài phát tán hình ảnh, cả 2 đường link với đầy đủ nội dung tin nhắn riêng tư được cho là của Vũ Cát Tường và H.M cũng được chia sẻ rộng rãi để ai cũng có thể dễ dàng download về.

Vũ Cát Tường vẫn chưa lên tiếng xác nhận những nghi vấn này thế nhưng dư luận đang thắc mắc vì sao và làm cách nào những tin nhắn riêng tư của hai người lại bị lộ ra với bên thứ ba và phát tán rộng rãi như thế.

Một số tin nhắn có nội dung nhạy cảm bị tung ra.

Phát tán tin nhắn riêng tư của người khác sẽ bị xử phạt thế nào?

Theo Luật gia Nguyễn Trung Tín, tin nhắn là một dạng thư tín cá nhân, cần được bảo mật tối đa. Việc lấy thông tin bất hợp pháp của người khác như xem lén/đánh cắp nội dung thư từ, tin nhắn và phát tán, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xem xét xử lý theo Điều 125, Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

"Mức án trong trường hợp này có thể lên tới mức phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định trong vòng 5 năm", luật gia cho biết.

Bên cạnh đó, tại Điều 12 Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 có quy định về việc nghiêm cấm các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Người này còn đưa ra những tin nhắn cho rằng Vũ Cát Tường nói xấu đồng nghiệp.

Những cá nhân hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin như trên thì tùy theo từng tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật với mức phạt lên đến 20 triệu đồng.

Cụ thể, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, thì hành vi thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân, tổ chức khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 66)

Cũng theo luật gia, nếu nữ ca sĩ Vũ Cát Tường phát hiện tin nhắn của mình bị đánh cắp có thể thông báo ngay tới chủ nhà mạng hoặc cơ quan quản lý về thông tin, truyền thông để có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Vũ Cát Tường có thể khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm

Cũng có một số ý kiến cho rằng những tin nhắn như trên có thể chỉ là giả, thế nhưng, việc giả nội dung tin nhắn mang tính chất riêng tư, gây thiệt hại lớn đến danh dự và nhân phẩm hoặc thiệt hại về vật chất khi bị phát tán thì người bị đánh cắp tin nhắn có thể khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm, hoặc buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi công khai…theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 Bộ Luật Dân sự 2005.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn