Đại án VNCB: Loạt câu hỏi "xoáy" của luật sư với đại diện Ngân hàng nhà nước

Thứ ba, 09/08/2016, 08:30
Hàng loạt câu hỏi "xoáy" của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đối với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên tòa đã bị từ chối bằng "điệp khúc": "sẽ trả lời sau".
Các luật sư tại tòa

Chiều 8/8, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư. Trong phần xét hỏi, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) đã mời đại diện NHNN lên trả lời thẩm vấn.

Trước tòa, luật sư Nguyễn Văn Trung đặt câu hỏi có phải theo kết luận thanh tra của NHNN ngày 10/7/2012, thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) lúc này vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Như vậy, có phải vào thời điểm này ngân hàng đã hết vốn điều lệ phải không?

Bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Chánh Thanh tra, người đại diện NHNN tại tòa xin phép để vị đại diện nguyên là Chánh Thanh tra NHNN trả lời sau. Luật sư hỏi tiếp cũng theo kết luận Thanh tra này, Trustbank luôn có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào phải không? Bà Hòa cho rằng đại diện NHNN tại phiên tòa này có 3 người, mỗi người nắm nội dung khác nhau nên bà không thể trả lời phần này, nguyên Chánh Thanh tra sẽ trả lời.

"Đến tháng 12/2012, tình trạng của Trustbank tồi tệ hơn, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng, lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vậy sao trước đó NHNN không đặt Trustbank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt? - Luật sư Trung hỏi. Đại diện NHNN cho biết vì phải căn cứ vào chủ trương tái cơ cấu của chính phủ và các quy định pháp luật.

Từ đó, luật sư Trung đặt giả thuyết nếu NHNN mua Trustbank vào tháng 12/2012 thì giá sẽ là bao nhiêu? Đây là một câu hỏi mới nhưng có lẽ vì nghe không rõ, đại diện NHNN từ chối trả lời và cho rằng đã trả lời tại phiên tòa trước. Ông Trung cũng đặt câu hỏi khi tái cơ cấu Trustbank, NHNN chủ trương tìm một tập đoàn đủ năng lực tài chính và chấp thuận cho Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu. Tuy nhiên, Thiên Thanh không hề hoạt động liên quan đến ngân hàng đúng không? Bà Hòa xin phép không trả lời vì không liên quan đến cáo trạng.

Bị cáo Phạm Công Danh

Trước đó, NHNN cho biết tại thời tháng 3/2015, cổ phần VNCB không còn giá trị nên NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng. Luật sư đặt vấn đề ngày 5/3/2015, NHNN đã mua lại Trustbank (sau này là VNCB) với giá 0 đồng. Căn cứ nào NHNN đưa ra mức giá trên? Vị đại diện cho biết đã trả lời câu hỏi này của luật sư Hoài tại phiên tòa trước nên xin không nhắc lại. Luật sư cho biết tại thời điểm đó cổ phần của VNCB đã âm 80.000 đồng/cổ phần.

Ông Trung đặt câu hỏi: Phạm Công Danh đã nộp 3.600 tỷ đồng để tái cơ cấu Trustbank. Hai năm sau, NHNN mua lại với giá 0 đồng, 35 bị cáo ra trước vành móng ngựa, đại diện NHNN có ý kiến gì không? Đại diện NHNN không ý kiến. Vị luật sư hỏi tiếp ngày 5/3/2015, NHNN mua lại VNCB giá 0 đồng sau đó đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (viết tắt là CB). Theo thông tin báo chí đưa, CB có đủ năng lực cho vay, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai... đúng không? "Tôi sẽ trả lời sau", đại diện NHNN trả lời.

“Bằng phép màu nào trong vòng hơn 1 năm NHNN đã đưa CB từ NH âm vốn trở thành một ngân hàng đủ năng lực, tiềm năng thực hiện nhiều nghiệp vụ. Có phải chỉ NHNN mới đủ năng lực?", luật sư Trung hỏi tiếp, đại diện NHNN cũng lặp lại câu “sẽ trả lời sau”.

Ông Trung đặt vấn đề: “Vậy nếu NHNN áp dụng biện pháp này từ năm 2012 thì không xảy ra vụ án đúng không?”. Đại diện NHNN cho biết tùy từng thời điểm NHNN mới áp dụng các biện pháp.

Luật sư hỏi tiếp “đại diện NHNN, bà có ý kiến gì với HĐXX không?" – “Tôi đã có ý kiến từ trước rồi”, bà Hòa nói.

Theo cáo trạng, để có tiền chăm sóc khách hàng và trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Danh đã có hành vi "cố ý làm trái..." và "vi phạm quy định về cho vay..." để rút tiền của VNCB. Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn của HĐXX và các luật sư, bị cáo Phạm Công Danh luôn khẳng định bản thân đã phải bỏ "tiền túi" rất nhiều để được tham gia tái cơ cấu Trustbank.

Khi nắm rõ thực trạng tài chính của ngân hàng, bị cáo Danh và nguyên Tổng Giám đốc Phan Thành Mai rất sốc. Bị cáo đã nhiều lần muốn rút lui nhưng được lãnh đạo NHNN động viên nên tiếp tục dẫn đến vụ án.

Bà Trần Ngọc Bích khẳng định không cho bị cáo Phạm Công Danh vay tiền

Trong sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Văn Trung, người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đặt câu hỏi với bà Trần Ngọc Bích về mối quan hệ giữa bà Trang và Phạm Công Danh thế nào? Bà Bích trả lời không biết, đồng thời bà Bích khẳng định, số tiền 5.190 tỷ đồng gửi Ngân hàng Xây dựng theo hợp đồng ngắn hạn, bà không hề ký giấy uỷ nhiệm chi để rút tiền, nhưng số tiền trên không còn trong tài khoản.

Trả lời luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, bà Trần Ngọc Bích khẳng định, vào thời điểm tháng 6, 7 và 8 năm 2013, bà gửi vào VNCB số tiền 5.190 tỷ đồng bằng 3 hợp đồng tiền gửi. Bà Bích yêu cầu Ngân hàng Xây dựng sử dụng khoản tiền trên để trả nợ vay và trả lại 118 sổ tiết kiệm đã cầm cố.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích