Phạm Công Danh đề nghị được bán tài sản để khắc phục hậu quả

Thứ ba, 02/08/2016, 09:08
Trước HĐXX, Phạm Công Danh và các luật sư bào chữa cho bị cáo Danh kiến nghị được “đặc cách”, cho một cơ chế để Danh được bán tài sản là tại sân vận động Chi Lăng của tập đoàn Thiên Thanh để khắc phục hậu quả trong việc làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB.
Bị cáo Phạm Công Danh và thuộc cấp tại tòa

Chiều 1/8, phiên tòa xét xử vụ đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục làm việc với phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB). Mở đầu phiên tòa, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có kiến nghị với HĐXX về việc tạm dừng việc thành lập hội đồng định giá tài sản trong tố tụng để định giá các lô đất tại Đà Nẵng của Tập đoàn Thiên Thanh (hiện thế chấp để vay 4.700 tỷ tại VNCB), đồng thời xin HĐXX TAND TP.HCM cho cơ chế để được bán tài sản này khắc phục hậu quả.

Trước đó, HĐXX quyết định lập hội đồng định giá tài sản của Phạm Công Danh, theo đó, có 2 đơn vị định giá các lô đất này, giá thứ nhất là 1260 tỷ, đơn vị thứ 2 là 2600 tỷ. Bị cáo Phạm Công Danh cho biết, bản thân các lô đất này nằm trên các trục đường lớn của Đà Nẵng, nên giá đất không thể thấp như thế. Trước khi Danh bị bắt thì đã có một tập đoàn nước ngoài hỏi mua với giá 250 triệu đô la. Tuy nhiên, bị cáo Danh bị bắt nên việc mua bán không được tiến hành.

Sau khi tham khảo ý kiến với Phạm Công Danh, các luật sư bào chữa cho bị cáo Danh đã đề nghị HĐXX tạm dừng lại việc thành lập hội đồng định giá tài sản bởi việc đó sẽ mất nhiều thời gian. Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cũng đề nghị HĐXX cho phép bị cáo Phạm Công Danh được gặp người đại diện của Tập đoàn Thiên Thanh để bàn việc bán các lô đất để khắc phục hậu quả.

Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh cũng xác nhận rằng theo thông tin bị cáo nắm được thì đến nay có một số tổ chức muốn mua lại các lô đất này, nếu được HĐXX đồng ý thì cho phép bị cáo được bán đất để khắc phục. Chủ tọa phiên tòa cho rằng việc khắc phục hậu quả là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vậy nên HĐXX sẽ xem xét dựa trên căn cứ pháp luật.

Bị cáo Phạm Công Danh

“Đây là nguyện vọng của tôi, mức định giá tài sản của tôi quá thấp so với giá trị thật. Tôi chưa bao giờ nghĩ nó như thế. Theo tính toán, nếu có thể cho tôi gặp luật sư, đại diện Thiên Thanh, vợ, em tôi thì có nhiều đối tác muốn gặp tôi. Tôi không có nhiều sự lựa chọn. Tôi nghĩ giá thấp nhất cũng gấp nhiều lần so với giá 2.600 tỷ, nếu bán được tôi sẽ nộp toàn bộ số tiền này vào ngân hàng, qua đó khắc phục hậu quả việc làm của tôi. Tôi mong muốn gặp gia đình bàn bạc”, bị cáo Danh trình bày trước tòa.

HĐXX đã ghi nhận ý kiến, sau đó sẽ xem xét theo đúng quy định pháp luật. Đây là một trong những tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội. HĐXX cũng nêu rõ, nếu bị cáo Danh muốn gặp ai dù chỉ 15 phút đến 30 phút cũng phải có đơn để HĐXX xem xét. Từ ngày mai 2/8 bị cáo Danh sẽ được gặp trực tiếp ông Phạm Công Trung (em bị cáo Danh) vào lúc giải lao và sự gặp gỡ này sẽ có điều tra viên C46 giám sát bởi vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ. Những người tham gia buổi gặp gỡ phải có văn bản gửi chủ tọa sau mỗi buổi gặp gỡ.

Điệp khúc “nhớ không rõ”!

Tại phiên tòa, bị cáo Danh nhiều lần khai "không nhớ rõ"

Trong buổi làm việc này, bị cáo Danh còn khai quen biết với bà Trần Ngọc Bích qua sự giới thiệu của Trang “phố núi”. Theo ông Danh, ông và bà Bích có thỏa thuận cho bà Bích vay tiền tại ngân hàng thông qua việc cho bà Bích cầm cố những sổ tiết kiệm tại ngân hàng.

“Khoản vay 3.100 tỷ vào ngày 21/6/2013 thì bị cáo cho rằng mình không nhớ rõ ai là người trực tiếp đóng nhưng bị cáo chắc chắn tiền này là của bị cáo. Theo bị cáo, bà Bích vay cho bị cáo vay lại nên bị cáo là người trực tiếp trả lãi cho ngân hàng. Còn việc thỏa thuận giữa cô Trang với ai đó cũng như nhóm bà Bích cũng phải có sự đồng ý của bị cáo. Khoản tiền vay ngày 21/8/2013 thì bị cáo nhớ không rõ bởi cô Trang là người trực tiếp làm, nhưng bị cáo khẳng định nếu có ai đó chuyển tiền đi thì phải thông qua bị cáo. Còn việc bà Bích vay tiền thiếu chứng từ thì tôi không biết rõ, cho tới thời điểm bị cáo bị bắt thì mới biết”, bị cáo Danh khai tại tòa.

Trong rất nhiều câu hỏi của đại diện VKS, bị cáo Phạm Công Danh đều nói không nhớ, chỉ biết rằng việc vay tiền là đúng, nhưng bị cáo hoàn toàn không biết chuyện các cán bộ ngân hàng (cụ thể là bị cáo Hoàng Đình Quyết, phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho nhóm bà Bích nợ chứng từ.

“Bị cáo rất bàng hoàng khi biết việc này, bị cáo không thể tin được rằng Quyết lại cho bà Bích nợ lại chứng từ. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét việc nợ chứng từ như thế này diễn ra từ khi nào” - bị cáo Danh nói.

Về việc số tiền 5.190 tỉ do nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB rồi lại thế chấp sổ tiết kiệm vay ra, VKS hỏi bị cáo Danh là thực tế số tiền này có được rút ra khỏi VNCB hay không. Danh trả lời, Danh vay món sau để trả món nợ trước, do đó tiền này không được rút ra khỏi VNCB mà chỉ chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác.



Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn