Các bị cáo được đưa rời khỏi phòng xét xử. |
Trong phần trả lời đại diện VKS, bị cáo Phạm Việt Thép cho biết, năm 2012, bị cáo được Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty An Phát rồi thuê công ty dịch vụ mở công ty này. Sau đó bị cáo đã giao con dấu công ty cho nhân vật Nguyễn Thị Quỳnh Trang giữ. Trong việc ký hợp đồng tư vấn nâng cấp Corebanking của Ngân hàng Xây dựng, các hợp đồng được Nguyễn Thị Quỳnh Trang chuẩn bị sẵn và đưa đến Ngân hàng Xây dựng Chi nhánh Lam Giang để Thép ký (Thép khi ấy kiêm luôn nhân viên hành chính VNCB Chi nhánh Lam Giang) và Thép đã ký vào hợp đồng chứ không xem qua để Phạm Công Danh rút từ Ngân hàng Xây dựng ra 63 tỷ đồng.
Còn bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc (nhân viên bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh) cũng cho biết được nhờ đứng tên giám đốc công ty nhưng không giữ con dấu, giấy tờ. Ông cũng được Nguyễn Thị Quỳnh Trang mang hợp đồng đã chuẩn bị sẵn đến nhờ ký vay tiền. Khi thấy hợp đồng đưa tới thì ông ký theo.
Tương tự, bị cáo là giám đốc làm thuê cho Phạm Công Danh như: Nguyễn Thị Hà Thu (Giám đốc Công ty Đặng Hoàng Phương) Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Công ty Cường Tín); Trần Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Thanh Quang); Nguyễn An Vinh (Giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh); Cao Phước Nhàn (Giám đốc Công ty Phước Đại), Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Công ty An Phát thay cho Phạm Việt Thép)… đều khẳng định rằng các hợp đồng họ ký vay tiền đều do Nguyễn Thị Quỳnh Trang đưa đến để các bị cáo ký, hoặc gọi các bị cáo lên ký. Các hồ sơ vay tiền đều đã được lập sẵn.
Trước vấn đề này, HĐXX đã đặt câu hỏi: Nguyễn Thị Quỳnh Trang là ai và liên quan như thế nào trong vụ án? Đến ngày 1.8, Nguyễn Thị Quỳnh Trang lại được nhắc đến khi HĐXX yêu cầu Quỳnh Trang trả lời một số câu hỏi với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, nhân vật này không có mặt tại tòa.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh (có bố đẻ là Nguyễn Hữu Duyên đã bị khởi tố trong vụ án) có liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Công Danh. Với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thấy chưa đủ căn cứ nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an không đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trong quá trình, xét hỏi công khai tại phiên tòa nếu có căn cứ, HĐXX xem xét kiến nghị khởi tố hoặc quyết định khởi tố theo quy định của pháp luật. |
Trong khi đó, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng Nguyễn Thị Quỳnh Trang là một nhân viên bình thường của Tập đoàn Thiên Thanh, không có nhiều năng lực hay chức danh lãnh đạo gì.
“Khi có việc, cô Trang được điều động nhảy vào giải quyết. Cô là người liên quan đến chứng từ, thực hiện bình thường chứ không chỉ đạo trực tiếp gì trong vụ án này. Không những cô Trang, tất cả những người ở Thiên Thanh liên quan đến vụ án này không ai có quyền lợi gì, họ chỉ có lương. Tôi ân hận chưa mang lại gì cho họ, không cho họ quyền lợi nào mà còn lôi kéo họ vào vụ án này”, bị cáo Danh thừa nhận.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng. |