Sáng ngày 1.8, sau nhiều lần trì hoãn, Công ty mía đường Hiệp Hòa đã đồng ý thoả thuận với gần 30 nông dân để giải quyết vấn đề nợ tiền thu mua mía vụ mùa 2015 – 2016.
Tại buổi làm việc, các nông dân và thương lái mong muốn công ty Hiệp Hoà nhanh chóng thanh toán số nợ 3,4 tỉ đồng để họ trả nợ ngân hàng. Số tiền trên đa phần nông dân, thương lái đều phải vay ngân hàng để đầu tư sản xuất. Việc công ty Hiệp Hoà chậm trả nợ khiến họ phải gồng mình trả lãi ngân hàng và không thể đầu tư cho vụ mía tiếp theo vì không được ngân hàng cho vay nữa.
Cổng công ty bị nông dân treo băng rôn đòi nợ |
Tuy nhiên, đại diện công ty Hiệp Hoà cho biết: “Hiện công ty đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thể giải quyết số nợ trên. Hiện, chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc công ty đang đi công tác nước ngoài nên công ty chưa thể quyết định được thời gian trả nợ cho người dân. Trong tuần tới khi lãnh đạo có mặt đầy đủ công ty sẽ họp mặt và tìm phương án trả nợ thích hợp nhất”.
Không chấp nhận sự thờ ơ của công ty Hiệp Hoà, nhiều nông dân đã ngay lập tức đi làm băng rôn để treo trước cổng công ty để phản đối. Để đảm bảo an ninh trật tự, UBND huyện Đức Hoà đã cử lực lượng công an, dân phòng xuống công ty Hiệp Hoà để khuyên can người dân nhằm tránh những hành động quá khích.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Văn Lanh – Chủ tịch UBND huyện Đức Hoà cho biết cũng đã nắm bắt sự việc và đang đàn phán với công ty Hiệp Hoà và sẽ sớm có cách giải quyết dứt điểm vấn đề trên.
Việc, các công ty mía đường nợ nông dân không còn là chuyện lạ ở Long An. Trước đó, từ ngày 4 – 8.5.2016, hơn 20 nông dân, thương lái kéo đến Công ty Cổ phần NIVL, đóng tại xã Lương Hòa (huyện Bến Lức) để giăng băng rôn đòi tiền nợ khoảng 90 tỉ đồng. Sau nhiều lần đàm phán, ông A.Nandaa Kumar – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NIVL đã cam kết sẽ trả nợ cho dân trong vài ngày sau đó.
Công ty hứa sẽ làm việc với ngân hàng cho bán 1.000 tấn đường đã thế chấp hiện đang để trong kho để lấy tiền thanh toán nợ. Dù vậy, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều nông dân phải bỏ ruộng mía để trồng những giống cây khác như thanh long, dứa, đu đủ…