Nghìn tỷ của con gái chủ Tân Hiệp Phát đi thế nào ở VNCB?

Thứ ba, 26/07/2016, 12:29
Cáo trạng cho thấy tại cơ quan điều tra, Phạm Công Danh khai để huy động tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, ông phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2- 4% theo thời điểm.

Các khoản vay luân chuyển liên tiếp xuất hiện trong thời gian từ 28/12/2012 đến 30/7/2013 đã được thực hiện để có thể rút tiền từ Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Cụ thể, ông Danh thông qua Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) đặt vấn đề với ông Trần Qúy Thanh, con gái ông Thanh là Trần Ngọc Bích và một số người thân của gia đình bà Bích (nhóm Trần Ngọc Bích) gửi tiền vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay-rút tiền. Nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB và nhận sổ tiết kiệm.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh khai phải trả lãi suất cao hơn thị trường 2-4% để vay tiền nhóm Trần Ngọc Bích.

Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai là Tổng Giám đốc VNCB lúc bấy giờ, Mai Hữu Khương (Thành viên HĐQT, Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền, bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này.

Sau khi hoàn tất thủ tục, VNCB chi nhánh Sài Gòn giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB chi nhánh Sài Gòn.

Tiếp đó, khi Phạm Công Danh muốn vay tiền thì thông qua Trang thỏa thuận, thống nhất với Bích điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định (các tài khoản này được ghi nhận là của Phạm Đình Thiêm và Phạm Công Danh).

Bích thực hiện các thủ tục theo quy định để VNCB chuyển tiền vào các tài khoản đó hợp pháp, đúng quy định. Ngược lại khi nào đến hạn trả nợ, Bích cũng thỏa thuận thống nhất với Trang chuyển trả vào tài khoản do Bích chỉ định.

Với những cách thức đó, chỉ trong vòng 7 tháng, hai bên đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích, với tổng số tiền VNCB đã giải ngân hơn 17.761 tỷ đồng, trong đó có 16.260 tỷ được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh.

Cáo trạng cũng nêu rõ, đây là các khoản vay luân chuyển, khoản vay sau trả cho khoản vay trước, cộng với một phần Danh vay thêm nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản vay trước.

Số tiền khi được chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh sử dụng để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, trả cho Bích để tất toán các khoản vay trước đó, một phần sử dụng cho các mục tiêu cá nhân khác.

Cáo trạng cũng cho thấy tại cơ quan điều tra, ông Danh khai rằng để huy động được tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, ông đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2- 4% theo từng thời điểm.

Theo đó, ông Danh nói tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này khoảng 2.500 tỷ đồng. Cáo trạng cũng nêu rõ, trong số hơn 63 tỷ đồng rút ra từ VNCB bằng đề án nâng cấp CoreBanking, Phạm Công Danh đã trực tiếp sử dụng 47,54 tỷ đồng để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích.

Để có tiền trả nợ nhóm Trần Ngọc Bích, từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, Phạm Công Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo Tổng giám đốc Phan Thành Mai và các cấp dưới tiến hành các thủ tục lập hồ sơ, phê duyệt cho 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do Danh thành lập, thuê người đứng tên giám đốc) và 2 công ty (thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan) vay tổng cộng 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thực tế các bộ hồ sơ mua bán vật liệu và các phương án trả nợ đều là khống, các biên bản họp HĐQT đều không có thật. Trong đó tài sản thế chấp cho các khoản vay trên là 13 lô đất ở sân vận động Chi Lăng và lô đất 209 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng. Điều bất ngờ là các tài sản đảm bảo này đã được Phạm Công Danh nâng giá cao gấp nhiều lần.

Việc nâng khống khối tài sản này của Phạm Công Danh được hỗ trợ bởi ba cấp dưới là Thái Minh Thanh (nguyên Giám định viên Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB - AMC), Đặng Đình Tuấn (nguyên Phó phòng AMC) và Bạch Quốc Hào (nguyên Giám đốc AMC). Tại tòa cả ba bị cáo này đều thừa nhận sai phạm này là thực hiện theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.

Cụ thể, Thanh tiếp nhận việc định giá các tài sản thuộc Sân vận động Chi Lăng và đất tại 209 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng. Đầu tiên, Thanh đã thực hiện việc định giá đúng theo giá thị trường là 64 triệu đồng/m2 đối với các lô đất tại Chi Lăng. Tuy vậy Danh không đồng ý với mức giá đã thẩm định mà chỉ đạo Thanh phải nâng mức giá lên 178 triệu đồng/m2.

Khi được hỏi về các vấn đề liên quan, Phạm Công Danh vẫn chỉ có duy nhất một câu trả lời là “bị cáo không nhớ”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn