Phiên xử phúc thẩm bị cáo Võ Văn Minh (36 tuổi, ngụ Tiền Giang) tội Cưỡng đoạt tài sản cách đây vài hôm thu hút sự quan tâm của dư luận.
Niềm hy vọng trên chuyến ôtô đến tòa
Với dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, trước khi vào phiên xử, ông Võ Văn Kỷ (72 tuổi - bố bị cáo Minh) tâm sự với phóng viên rằng để có mặt ở đây, ông cùng một số người thân phải dậy từ lúc 4h sáng. Dọc đường đi, ai cũng hy vọng, với sự bào chữa miễn phí của nhiều luật sư, Minh sẽ được trắng án hay chí ít cũng giảm được hình phạt để sớm về đoàn tụ cùng gia đình.
“Mấy ngày trước, vợ chồng tôi mượn tiền khắp xóm để lấy kinh phí thuê chiếc xe 16 chỗ với giá 1,7 triệu đồng”, ông Kỷ nói.
Ông Võ Văn Kỷ (72 tuổi) cùng vợ buồn bã sau khi HĐXX tuyên y án bị cáo Võ Văn Minh về tội Cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Bùi Thư. |
Theo lời ông lão có dáng vẻ lam lũ, từ khi Minh bị bắt, cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh bấp bênh bởi thu nhập trong gia đình đều do con trai ông gánh vác. Mỗi lần có ý định xuống thăm con trong trại giam là một lần ông cùng vợ phải "thắt lưng buột bụng" để có chút kinh phí.
Cũng kể từ đó, quán ăn hai vợ chồng Minh thuê mặt để kinh doanh chung cùng chị gái cũng phải trả lại cho người ta. Để có tiền chăm đứa con 4 tuổi, chị Luyến (vợ Minh) phải gửi về bà ngoại trông giúp để lặn lội lên Bình Dương làm thuê ở một quán ăn.
Đứng cạnh chồng, bà Mậu (mẹ Minh) nghẹn ngào: "Trước lúc bị bắt, Minh nó nuôi được 8 con heo, đàn gà, đàn vịt dữ lắm. Từ đó đến nay, nhà không còn làm ra tiền nên mỗi lần đi thăm là tôi phải bán đi vì tốn cả triệu bạc chứ có ít đâu. Giờ đàn heo không còn, tui cũng mệt mỏi. Hôm đi thăm, còn 3 con gà cũng phải bán nốt…”.
Bà Mậu chia sẻ, chồng bà đổ bệnh cả tháng nay, người bị nổi dị ứng, da cứ lột tróc ra rồi thâm đen lại. Ông nay đã 72 tuổi, nhưng vẫn gắng chạy theo luật sư này, chắp tay cảm ơn luật sư kia đã bào chữa miễn phí cho con mình.
Bị cáo Võ Văn Minh nhận mức án 7 năm tù vì tội Cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Bùi Thư. |
Nước mắt người ở lại
Ngay khi HĐXX tuyên y án bị cáo Võ Văn Minh phải chịu 7 năm tù, vợ chồng ông Kỷ choáng váng phải tựa vào con gái. Không khí phòng xử lúc này chùng xuống, nhiều người dân đổ đến an ủi phía gia đình bị cáo Minh. Các luật sư bào chữa miễn phí đến quàng cái ôm, động viên gia đình.
“Bác cố gắng, pháp luật còn cho phép kêu oan, mấy anh em luật sư tụi con đã cố gắng hết mình. Bác giữ sức khỏe, ổn định tinh thần để động viên Minh”, một luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo bị buộc tội Cưỡng đoạt tài sản nói.
Chiều hôm đó, tất tưởi đi theo xuống sân, trông thấy bóng của con trong chiếc xe bít bùng, bà Mậu lại rơi nước mắt. Bà lặng đi nhìn chồng, rồi than: “Tạm giam đã khổ, giờ bảy năm nữa chắc tôi và ông chết luôn, chờ không nổi…”.
Lúc này người vợ trẻ cũng vội dẫn đứa con 4 tuổi xin phép cảnh sát cho được gặp bố. Hình ảnh bị cáo Minh ngồi trên xe ôm đứa con nhỏ khiến ai chứng kiến cũng xúc động.
Vẫy tay theo chiếc xe chở phạm rời khỏi sân tòa, chị Luyến đã rơi nước mắt. Ai đó dễ dàng nhận thấy ranh giới mong manh giữa lòng tham và tù tội.
Chiều 8/9, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm với Nguyễn Văn Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo nội dung vụ án, ngày 3/12/2014, Minh lấy chai Number 1 bán cho khách thì phát hiện bên trong có con ruồi. Ngày 5/12/2014, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát thông báo sự việc và yêu cầu giao 1 tỷ đồng để đổi lấy sự im lặng. Nếu không đưa tiền, anh ta dọa sẽ nộp chai nước cho Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương (nơi Tân Hiệp Phát đặt trụ sở), cung cấp thông tin cho báo chí và in 5.000 tờ rơi để hạ uy tín doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Tân Hiệp Phát đã cử nhân viên xuống Tiền Giang làm việc với anh Minh 3 lần và đều được lập biên bản.
Hai bên thỏa thuận giảm mức tiền từ 1 tỷ xuống 500 triệu đồng.
Ngày 27/1/2015, đại diện Tân Hiệp Phát đưa tiền cho Minh tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè và làm biên nhận. Khi người đàn ông này mang tiền bỏ vào cốp xe máy để ra về thì bị công an ập vào bắt quả tang.
Theo Zing