Và ai, ngoài vợ ông, là người lặng lẽ bao năm trời đi kêu oan cho ông ở tất cả các cửa, kể cả tiếp cận với những cán bộ lãnh đạo cao cấp?
"Tử tù" Hàn Đức Long đã được tại ngoại về với gia đình |
Những dấu hiệu oan sai rất rõ
Như PV đã từng thông tin, chúng tôi xin lược lại ngắn gọn những dấu hiệu oan sai và cả những dấu hiệu bức cung nhục hình mà ông Long phải gánh chịu đầy đau đớn về thể xác cũng như tủi nhục cho cả gia đình, họ hàng ông ở quê nhà cả chục năm qua.
Những dấu hiệu oan sai tôi trình bày dưới đây ngoài việc đọc hồ sơ, còn nhờ tiếp cận với một số vị có trọng trách ở cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và trao đổi với Luật sư Phạm Cương, văn phòng Luật sư T.H.
Thứ nhất, vụ án bắt đầu từ đơn của bà Khuyến (70 tuổi) và con gái bà (hàng xóm của ông Long) trong vòng 1 tuần lần lượt tố cáo ông Long có hành vi hiếp dâm, dù không có ai làm chứng (trước đó 1 tháng, ông Long đánh con trai bà Khuyến). Nhưng, ông Long vẫn bị Công an huyện Tân Yên, Bắc Giang áp giải lên công an huyện và tạm giữ luôn.
Đây là việc làm không bình thường, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS). Đặc biệt, chỉ sau một ngày bị tạm giữ, ông Long đã phải “đầu thú” nhận tội hiếp dâm 2 mẹ con bà Khuyến (!?). Và mười ngày sau đó, ông Long lại “đầu thú” tiếp tội hiếp dâm và giết cháu Yến!!
Vậy trong mười ngày bị tạm giam đó, vì sao ông Long không giết người, không hiếp dâm nhưng đều phải nhận tội (trước đó tòa đã tuyên ông Long không phạm tội hiếp dâm hai mẹ con bà Khuyến). Phải chăng các điều tra viên đã dùng nhục hình với ông Long? Câu hỏi này chắc chắn sẽ được điều tra trong một vụ án khác.
Thứ hai, với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng trong tất cả các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, tang chứng vật chứng đều không liên quan đến Hàn Đức Long. Thậm chí, ngay cả 3 lông của bộ phận sinh dục, máu và tinh dịch phát hiện ở hiện trường cũng không liên quan đến ông Long.
Thứ ba, không có một nhân chứng nào nhìn thấy Hàn Đức Long có mặt ở hiện trường. Trong khi đó lại có nhiều nhân chứng quan trọng có thể xác định thời gian mất tích của cháu Yến hoặc thời gian ngoại phạm của ông Long, nhưng không được điều tra làm rõ. Những yếu tố này đã bị các điều tra viên bỏ qua, dù các luật sư luôn đề cập trong các phiên tòa.
Thứ tư, có những mâu thuẫn ngay trong các kết luận điều tra, cáo trạng: Một con người có thể trạng ốm yếu như ông Long lại có thể vừa bế cháu Yến, vừa chạy maraton mà vẫn còn sức và hưng phấn để kích dục được hay không? Lạ lùng hơn nữa là, sau khi hãm hiếp cháu Yến, “vì đã xuất tinh, hết cảm hứng nên Long bế cháu Yến đi ngược bờ mương, vừa đi vừa cắn vào môi cháu Yến”. Không còn gì gượng ép hơn nhưng nó vẫn được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng chỉ duy nhất phục vụ mục đích: Lời khai phù hợp với những dấu vết trên người nạn nhân.
Thứ năm, về nguyên tắc, mỗi lần lấy cung phải có một quyết định trích xuất ra khỏi buồng giam để vào phòng hỏi cung. Tuy nhiên, qua hồ sơ cho thấy, số lần trích xuất ít hơn số bản cung. Vậy điều này đặt ra: Phải chăng các điều tra viên đã vào buồng giam để lấy cung hoặc có một số khả năng khác? Nhưng bất cứ khả năng nào cũng đều vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật TTHS.
Cuối cùng, điều đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án này là, cơ quan điều tra đã tự ý bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án tới 49 bút lục.
Những người góp phần quan trọng minh oan cho ông Long
Đầu tiên là người vợ của ông – bà Mai. Tất nhiên, phải là người rất hiểu chồng, có niềm tin vô bờ bến là chồng mình không thể phạm tội mới có thể kiên trì đi kêu oan cả chục năm ròng như bà. Tôi đã gặp bà tại Cty Luật T.H ở 337 đường Trường Chinh, Hà Nội - văn phòng của LS Phạm Cương.
Bà Mai mang theo đến cả chục cân hồ sơ để gửi tất cả những nơi bà có thể gửi, còn phần mình, bà đã thuộc lòng từng tình tiết nhỏ nhất của vụ án. Tôi thật sự khâm phục nghị lực của bà, bởi lẽ, cũng thương yêu, tin tưởng chồng, nhưng không phải ai cũng có đủ sức, đủ kiên trì đi kêu oan cho chồng từng ấy năm trời.
Và luật sư Phạm Cương (nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa, đã nghỉ hưu), thấy những dấu hiệu oan sai, ông tham gia bảo vệ cho bị cáo Long miễn phí đến cùng. Vì các luật sư khác đã bỏ cuộc, đến phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai, tham gia bào chữa cho ông Long chỉ còn duy nhất các luật sư của văn phòng luật sư T.H của ông Phạm Cương.
Không chỉ vậy, sau khi tòa vẫn tuyên án tử hình với ông Long, không chịu bỏ cuộc, luật sư Phạm Cương viết đơn trình bày những tình tiết mà kết luận điều tra không đúng đến một số cơ quan tố tụng ở trung ương và ông gửi nhiều lần mỗi khi phát hiện thêm tình tiết mới.
Mặt khác, LS Phạm Cương cùng LS Lê Xuân Thảo – giám đốc trung tâm tư vấn của Liên đoàn luật sư, đến nhà riêng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sau khi nghe trình bày, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã kính gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó có nội dung đề nghị: “Chủ tịch chỉ đạo tòa án cần thẩm tra lại, tránh làm oan với người vô tội.”
Sau khi nghiên cứu đơn và trình bày của LS Phạm Cương, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi văn bản tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị “Chủ tịch chỉ đạo tòa án cần thẩm tra lại, tránh làm oan với người vô tội.” |
Một điều cực kỳ quan trọng nữa là, rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ở trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội cũng vào cuộc ráo riết, yêu cầu các cơ quan tố tụng sớm có kết luận khách quan, trung thực để trả lại tự do cho công dân nếu họ bị oan khuất.
Nhưng điều đáng buồn là, cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang trong bản kết luận điều tra thứ 7 của mình vẫn không thấy những lỗi, những sai phạm của mình, mà vẫn cho rằng, ông Long chính là thủ phạm hãm hiếp và giết hại cháu gái vô tội. Rất may, lần này VKSND tỉnh đã trả lại kết luận điều tra này yêu cầu điều tra bổ sung.
Và cũng phải nói rõ, nếu bản án này không được các cơ quan tố tụng ở Trung ương trực tiếp họp vài lần bàn bạc, đưa ra những đánh giá, chỉ ra những sai sót, những vi phạm tố tụng của các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang thì chưa biết kết quả sẽ như thế nào.
Quan trọng là, dù rất đau xót, nhưng cuối cùng sự công bằng và cái kết có hậu đã đến với gia đình ông Hàn Đức Long.
Theo Dân Trí