Sáng 27-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã đưa vụ án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm ra xét xử phúc thẩm.
27 trong số 36 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có Phạm Công Danh. Nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác cũng có đơn kháng cáo, trong đó có nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát).
Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong vòng 20 ngày.
HĐXX cho biết phiên tòa có 80 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng không có lý do chính đáng.
Bị cáo Phạm Công Danh tha thiết mong HĐXX triệu tập ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) để đối chất trực tiếp tại tòa. Đồng thời luật sư của Phạm Công Danh yêu cầu phải có mặt 2 nhân vật mấu chốt của vụ án là Trang Phố núi và đại gia Hứa Thị Phấn.
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa |
Liên quan đến vụ án này, trước phiên xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã gửi giấy ủy thác triệu tập bà Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) tham gia phiên tòa để đối chất với bà Bích, bị cáo Danh... Bản án sơ thẩm xác định bà Trang có hành vi giúp sức đối với hành vi phạm tội của Danh nên đã quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi giúp sức này.
Cũng liên quan đến bà Trang, trong suốt diễn biến phiên tòa, bà Trần Ngọc Bích khai rằng bà chỉ cho Trang vay tiền, không cho Danh vay. Còn Danh thì khẳng định toàn bộ số tiền 5.490 tỉ đồng mà các nhân viên VNCB đã chuyển đi từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Danh là do bà Bích cho ông ta vay.
Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bà Trang đã gửi đơn đến TAND Cấp cao khẳng định bà có giới thiệu ông Danh gặp ông Trần Quý Thanh (cha bà Bích) nhưng không liên quan gì đến việc vay mượn giữa ông Danh và bà Bích. Sau đó, bà Trang đã sang Mỹ sinh sống nên khi cơ quan điều tra khởi tố và điều tra vụ án đã không làm rõ được hành vi của bà.
Như tin đã đưa, sau hơn một tháng xét xử, ngày 9-9, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh mức án 30 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đây là mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn.
Giúp sức tích cực cho Danh, các bị cáo Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên Tổng Giám đốc VNCB) lãnh 22 năm tù, Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù, Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) 9 năm tù.
Ngoài ra, 31 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị tuyên phạt từ 3 năm tù hưởng án treo đến 7 năm tù giam. Ngoài hình phạt tù, bản án sơ thẩm còn tuyên thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng, trong đó có khoản tiền 5.190 tỉ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.
Tuyên buộc Phạm Công Danh nộp 63,6 tỉ đồng; Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh liên đới nộp lại 930,6 tỉ đồng; Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh liên đới nộp lại 3.646,6 tỉ đồng do sai phạm các công ty con của Thiên Thanh gây ra.
Buộc bà Trần Ngọc Bích nộp hơn 72 tỉ đồng, ông Trần Quí Thanh nộp 362 tỉ đồng, bà Hứa Thị Phấn (cổ đông đại diện nhóm Phú Mỹ của Ngân hàng Đại Tín) nộp 97 tỉ đồng. Riêng số tiền 851 tỉ đồng liên quan đến bà Phấn sẽ được giải quyết trong một vụ án khác nếu các bên có yêu cầu.
Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị Cơ quan Điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao điều tra làm rõ hành vi sai phạm của một số cá nhân liên quan trong vụ án này để tránh bỏ lọt tội phạm. Quyết định khởi tố Phạm Thị Trang, bà Hứa Thị Phấn và một số thành viên của nhóm Phú Mỹ vì trước khi Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, nhóm này đã có một số sai phạm trong hoạt động cho vay với bà Phấn.
Để đảm bảo việc thi hành án, HĐXX còn yêu cầu tiếp tục kê biên các quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM, giao cho VNCB quản lý để bảo đảm việc thi hành án của Phạm Công Danh; một số tài sản giao cho các ngân hàng khác nếu còn dư thì nộp cơ quan thi hành án.
Theo NLĐ