Khởi tố 5 bị can trong vụ án Trịnh Xuân Thanh

Thứ sáu, 17/02/2017, 08:50
Bốn trong số 5 bị can vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố do liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt giam để phục vụ điều tra.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 5 bị can liên quan vụ án Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát gần 3.300 tỷ đồng. Họ bị cáo buộc phạm tội Tham ô tài sản, theo Điều 278 BLHS.

Theo nguồn tin từ Bộ Công an, những người liên quan gồm 3 cán bộ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): Lương Văn Hoà (37 tuổi), nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án; Lê Xuân Khánh (41 tuổi), Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp; Nguyễn Lý Hải (53 tuổi), nguyên Trưởng phòng kỹ thuật (hiện là nhân viên phòng kỹ thuật thi công Ban điều hành Dự án nhiệt điện Thái Bình 2).

Hai người còn lại là Nguyễn Thành Quỳnh (44 tuổi), Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty Miền Trung và Lê Thị Anh Hoa (38 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quỳnh Hoa.

Cảnh sát đã bắt giam 4 người và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Hoa.

Trinh Xuân Thanh (giữa) đang bị cảnh sát Việt Nam truy nã. Ảnh: Bá Chiêm.

Trước đó, tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra ra lệnh bắt tạm giam, khám xét và khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, ông Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định nhà về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC.

Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, qua đó phát hiện PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài gây thua lỗ và thất thoát vốn của nhà nước.

Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn.

Tại kỳ họp thứ 8 diễn ra cuối tháng 11/2016,  Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và đề nghị Ban Bí thư cảnh cáo 2 nguyên ủy viên trung ương Đảng vì liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định kỷ luật 2 Thứ trưởng Bộ Nội vụ là ông Nguyễn Duy Thăng và bà Trần Thị Hà với hình thức khiển trách do liên quan việc phê duyệt chức danh và đề xuất tặng Huân chương cho Trịnh Xuân Thanh.

Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi, quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội), có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị.

Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và được HĐND tỉnh này bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5/2015, ông Thanh là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu.

Theo Zing

Các tin cũ hơn