Tham nhũng y tế ở Đắk Lắk: Lo ngại 'chìm xuồng'

Thứ hai, 20/02/2017, 09:58
Dù báo chí đã đăng nhiều bài về các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng của lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk, nhưng 2 văn bản chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ về việc phải sớm điều tra làm rõ vấn đề này, xử lý theo đúng pháp luật đến nay vẫn chưa được thực thi. Thực trạng thiếu thuốc, ô nhiễm về nước và rác thải, mua sắm bừa bãi trang thiết bị y tế còn đó, Sở Y tế lại tiếp tục vi phạm Luật Dược trong việc tổ chức đấu thầu thuốc năm 2017.

Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với nhóm phóng viên.

Bài I: Trục lợi đấu thầu thuốc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tại Sở Y tế Đắk Lắk, xử lý theo pháp luật.

Thông tư liên tịch (TTLT) số 01 được Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành từ tháng 1/2012, được sửa đổi, bổ sung bởi các TTLT số 36, 37, đã hướng dẫn tỉ mỉ cách tổ chức đấu thầu. Các tỉnh thành hằng năm đều đấu thầu thông suốt theo các quy định này.

Riêng Sở Y tế Đắk Lắk (SYT) đã rất nhiều lần bị các công ty dược tố cáo sai trái nghiêm trọng trong tổ chức đấu thầu. Hậu quả đợt đấu thầu tháng 11/2014 với chỉ có 666 mặt hàng trúng thầu trên tổng số 1.197 mặt hàng chào thầu còn kéo dài tới năm nay. Bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đắk Lắk xác nhận hơn 2 năm qua, hoạt động của BVĐK vô cùng khó khăn vì thiếu thuốc.

Do số lượng thuốc SYT quyết mua không dựa vào nhu cầu thực tế của bệnh viện, nên thứ quá thiếu, loại quá thừa. Đến nay, bệnh viện ĐK tỉnh vẫn phải liên tục xin mua thuốc bổ sung khẩn cấp bằng các gói chỉ định thầu dưới 1 tỷ đồng; Lần nào cũng phải chờ SYT xử lý rất chậm trễ việc cho mua thuốc bổ sung, từ loại thông thường đến các loại thuốc cấp cứu. Vì thiếu thuốc, mà các bác sĩ phải liên tục thay đổi rất nhiều loại kháng sinh trong phác đồ điều trị.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh gần 1 năm trước đã yêu cầu Thanh tra tỉnh phải giao hồ sơ về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế sang cho cơ quan điều tra công an tỉnh tiếp tục làm rõ các sai phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng tại SYT Đắk Lắk, xử lý theo pháp luật.

Nhiều loại thuốc bị làm đội giá

Một trong những lý do cơ quan điều tra Đắk Lắk kêu “khó”, “củng cố hồ sơ” mãi không xong, là việc đề nghị cơ quan chức năng thẩm định các thiệt hại do SYT gây ra, chờ mãi không được đáp ứng đúng yêu cầu.

Sau 2 lần bị cơ quan điều tra gửi văn bản thúc giục, ngày 30/12/2016, một phó giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk mới ký công văn số 3819 “trả lời một số nội dung theo trưng cầu giám định của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk”, xác nhận việc SYT dùng nguồn vốn xây lắp bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên (BV ĐKVTN) để mua 111 cái máy vi tính là “không đúng” “trách nhiệm thuộc về giám đốc SYT, giám đốc BQL Dự án BVĐKVTN và những người trực tiếp tham mưu cho giám đốc Sở”. Sở Tài Chính cũng đưa ra số tiền gốc và lãi mua máy tính là hơn 2,3 tỷ đồng.

Về vấn đề này, PV từng phản ánh chỉ rõ dấu hiệu tham nhũng trắng trợn của SYT. Tháng 12/2010, SYT dùng nguồn tiền xây lắp BV ĐKVTN để ký hợp đồng mua 111 chiếc máy vi tính bàn với một công ty... xây dựng, giá đắt bất thường (hơn 23 triệu đồng/chiếc). Hơn 6 năm trôi qua, cả tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa ai thấy hình dạng 111 cái máy tính này như thế nào, vì BV ĐKVTN vẫn xây chưa xong, mà Bộ Tài chính quy định thời hạn sử dụng và hao mòn của máy vi tính chỉ có 5 năm!

Tố cáo của các công ty dược chỉ rõ, SYT Đắk Lắk đã có nhiều tiêu cực trong tổ chức đấu thầu, cố tình đổi nhiều nhóm thuốc. Trong kết quả   đấu thầu thuốc cuối năm 2014, SYT Đắk Lắk đã biến nhiều loại thuốc thành độc quyền, đẩy giá lên rất cao và cho trúng thầu.

Trong đó, chỉ tính riêng 5/7 loại thuốc bị đổi nhóm mà Cục Quản lý Dược hồi âm cho một doanh nghiệp bằng văn bản, đã làm tăng giá thuốc trong kết quả trúng thầu lên 1.100.163.500 đồng. Thực tế, thì tổng trị giá chênh lệch phải lên tới hàng chục tỷ đồng, vì SYT Đắk Lắk còn cho bệnh viện liên tục mua bổ sung số mặt hàng này sai quy định.

Tỉnh láng giềng của Đắk Lắk là Gia Lai. Các đợt đấu thầu thuốc từ năm 2008-2010 dù chưa được hướng dẫn chi tiết bởi hàng loạt thông tư như sau này, nhưng cũng do mời thầu sai nhóm thuốc, tiêu cực trong xét thầu mà nguyên dàn cán bộ lãnh đạo SYT Gia Lai đã bị khởi tố tới 9 người, với kết luận gây tổn thất hơn 8,5 tỷ đồng ngân sách.

Sau mấy năm hầu tòa, tháng 5/2014, các bị cáo này tiếp tục bị Chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị, đề nghị hủy toàn bộ các bản án hình sự phúc thẩm, sơ thẩm, xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt. Hiện vụ tham nhũng trong đấu thầu thuốc tại SYT Gia Lai vẫn chưa xử xong.

Có làm trái luật?

Ngày 24/1, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ 1 ngày, SYT Đắk Lắk phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu thuốc Generic thuộc dự án mua thuốc khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Luật Dược ra đời từ giữa năm 2016, kèm thông tư hướng dẫn rất cụ thể rằng khi lập danh mục thuốc đấu thầu, phải ưu tiên cho những mặt hàng tốt Việt Nam sản xuất được. Theo đó, lẽ ra các mặt hàng nhóm 3 trúng thầu với giá hợp lý, đáp ứng yêu cầu về điều trị và đảm bảo khả năng cung ứng trong đợt mở thầu thuốc tháng 9/2016 tại SYT Đắk Lắk như cefepime 1g (tổng trị giá trúng thầu 250.488.000 đồng), cefoxitin 1g (86.400.000 đồng), Cefmetazol 1g (195.000.000 đồng) v.v... phải được ưu tiên sử dụng khi xây dựng danh mục thầu tiếp theo.

Thế nhưng, trong hồ sơ mời thầu 2017, hàng loạt mặt hàng nhóm 3 do các công ty Việt Nam sản xuất đã bị SYT loại bỏ khỏi danh mục hoặc giảm số lượng, để thay thế bằng các loại kháng sinh giá cao ngất, ngoại nhập,  chưa từng được sử dụng tại Đắk Lắk, với số lượng cực lớn. Ví dụ  cefoxitin 1g nhóm 1 đặt mua 8.949.000.000 đồng, cefoxitin 2g nhóm 1 đặt mua 5.016.350.000 đồng, cefepim 2g đặt mua 3.895.800.000 đồng, ceftriaxon 2g đặt mua 3.473.111.250 đồng...

Cách làm này đi ngược với chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Luật Dược có quy định: Không chào thầu thuốc nhập khẩu mua từ nguồn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập... khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp!

Trong danh mục thuốc 2017, SYT Đắk Lắk chào thầu với trị giá rất ít cho các loại thuốc tốt sản xuất trong nước, dành ưu tiên cho nhiều mặt hàng ngoại nhập, độc quyền với giá trị rất lớn. Ví dụ danh mục kê Cefoxitin 1g, 2g nhóm 1, thì chỉ có Cefoxitin Gerda 1g, Cefoxitin Gerda 1g là thuốc độc quyền của nhà sản xuất Torlan – Tây Ban Nha mới đấu trúng, làm tổn hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước, rút ruột quỹ bảo hiểm xã hội một cách trắng trợn.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích