Vụ bắt giữ Đường "nhuệ" cùng đồng phạm tại tỉnh Thái Bình vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Việc Cơ quan điều tra công anh tỉnh Thái Bình bắt giữ thêm 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp tỉnh này vì có liên quan đến Đường "nhuệ" càng khiến dư luận khẳng định có sự bảo kê, móc ngoặc của cơ quan chức năng với băng nhóm xã hội đen này.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương Thái Bình khi để vụ việc này xảy ra trong thời gian dài.
PV có cuộc phỏng vấn với ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội. |
Vụ bắt giữ Đường “nhuệ” và đồng phạm vừa qua ở Thái Bình khiến ông có suy nghĩ gì?
Chúng ta thấy, gần đây trên phạm vi cả nước xuất hiện các băng nhóm xã hội đen hoạt động núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp được phát hiện, triệt phá, ví dụ như một số như vụ ở Thanh Hoá hay Quảng Ninh và một số nơi khác.
Tôi thấy vấn đế này đang được cả xã hội quan tâm, Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn phải có giải pháp nhanh chóng và tích cực để giải quyết.
Theo quá trình phát triển của xã hội thì bao giờ cũng thế, đồng hành với nó luôn có một số hoạt động, hành vi trái pháp luật đòi hỏi chúng ta phải xử lý nghiêm khắc. Như vậy mới đảm bảo an ninh trật tự và an toàn chung cho xã hội.
Quan điểm của tôi là các cơ quan chức năng phải vào cuộc và phải có biện pháp kiên quyết đối với mọi loại tội phạm mới phát sinh trong xã hội.
Hai vợ chồng Đường "nhuệ" hoạt động phi pháp dưới mác Công ty TNHH Đường Dương kinh doanh lĩnh vực bất động sản. Ông thấy cách thức hoạt động của băng nhóm này có gì giống với nhiều băng nhóm xã hội đen từng được triệt phá trên phạm vi cả nước?
Các băng nhóm tội phạm hoạt động núp dưới vỏ bọc của các tổ chức kinh tế không còn xa lạ nữa. Các công ty này về bản chất cơ bản cũng giống nhau, chúng hoạt động dựa trên cơ sở móc nối vào các cơ quan Nhà nước.
Kết hợp giữa các hoạt động mang tính chức năng nhiệm vụ của một tổ chức kinh tế được tạo ra theo pháp luật và cấu kết với hoạt động của các băng nhóm xã hội đen dưới các hình thức khác nhau.
Cách làm thì có thể khác nhưng về bản chất cơ bản sẽ có những mối quan hệ như thế. Tức là tổ chức vi phạm pháp luật sử dụng mối quan hệ của họ với các băng đảng bên ngoài để trấn áp, răn đe, dùng luật rừng.
Bên cạnh đó lại móc nối vào sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền, hoặc một số cá nhân của các cơ quan có thẩm quyền.
Ở vụ án Đường “Nhuệ”, dư luận đặt ra nghi vấn có sự bảo kê, chống lưng nên băng nhóm này hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài?
Tôi cho rằng dư luận có quyền đặt ra nghi ngờ đó. Tuy nhiên, khi kết luận một hành vi hoặc hoạt động của một cá nhân, tổ chức nào đó đúng pháp luật hay không thì đòi hỏi phải có những bằng chứng cụ thể.
Do đó, dư luận đã đặt ra lo ngại nhưng để giải đáp những lo ngại đó, để dư luận không còn là dư luận nữa, không còn âm ỉ nữa thì rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chức năng phải trả lời là có hay không có.
Theo tôi, việc băng nhóm tội phạm này núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực và hoạt động rất tinh vi, dưới hình thức các công ty có "chân rết" ở nhiều nơi thì chuyện phát hiện, đấu tranh kịp thời các hoạt động vi phạm cũng không phải dễ.
Nhưng phải nói ngược lại, để những vi phạm này diễn ra lâu như thế, có những vụ việc, hiện tượng xảy ra mà dư luận bức xúc nhưng cơ quan có trách nhiệm ở đấy mà không có biện pháp gì thì cũng có trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà trách nhiệm chính là cơ quan công an.
Lực lượng công an chính là công cụ của Đảng và Nhà nước để duy trì an nình trật tự xã hội thì phải bảo đảm yêu cầu đó.
Các loại tội phạm trong quá trình phát triển đi lên của xã hội thì ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đấu tranh không phải dễ nhưng rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm cũng phải nhận thức được hạn chế của mình.
Và bây giờ phải trả lời trước công chúng là hạn chế do năng lực hay do có cá nhân nào đó bao che.
Vợ chồng Đường Dương. |
Giống như câu chuyện ở Đồng Nai hay một vài địa phương khác, dư luận cũng đặt ra câu hỏi tại sao khi có tân giám đốc công an thì những băng nhóm xã hội đen lộng hành suốt nhiều năm mới bị triệt phá, thưa ông?
Việc đưa các cán bộ từ nơi khác về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt ở các tỉnh, thành phố đang có nhiều vấn đề về an ninh trật tự hay có những băng nhóm tội phạm phát triển thì điều đó phản ánh hiệu quả đấu tranh của ban lãnh đạo cũ kém, không đạt được như mong muốn.
Trong công tác cán bộ, bao giờ cũng phải có công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Nếu lực lượng ở đó mà trong sạch vững mạnh, cán bộ tốt thì cán bộ ở đó có thể lên tại chỗ, bất cứ tổ chức nào cũng thế.
Nguyên ĐBQH Lê Việt Trường |
Nhưng đã phải đưa từ nơi khác về thì rõ ràng ở địa phương đó phải có vấn đề. Khi đưa người mới về thì nó phản ánh đúng thực tế.
Cán bộ mới về sẽ không phải chịu áp lực nào cả, không nằm trong nhóm nọ, bộ phận kia cho nên mới làm khách quan, vô tư và hoàn toàn có thể đấu tranh được.
Đây cũng chính là kinh nghiệm cho thấy rằng không được để một cán bộ nào đó giữ ví trị ở một địa bàn quá lâu.
Tuy có mặt thuận là nắm vững địa bàn, am hiểu công việc nhưng ngược lại nó cũng có những vấn đề, như có thể đã hình thành các lợi ích nhóm.
Phải luân chuyển, điều động, khi phát hiện nếu có vấn đề mất đoàn kết hay chia rẽ nội bộ là phải sớm xử lý.
Khi đưa cán bộ chủ chốt về, làm việc có trách nhiệm và vô tư trong sáng, không chịu áp lực của chuyện tiêu cực nào thì rõ ràng công việc sẽ đi vào quỹ đạo.
Vậy ở vụ án Đường “nhuệ”, trách nhiệm của Ban Giám đốc công an cũ và cao hơn là các cấp chính quyền Thái Bình ra sao?
Rõ ràng các cơ quan này tự bản thân họ đang phải rà soát, kiểm điểm, xem xét lại tình hình địa bàn, xem xét trách nhiệm. Tuy nhiên vẫn phải đợi vụ án này kết thúc, sau đó mới có thể có căn cứ bằng chứng, chứng cứ.
Giống như chúng ta theo dõi các vụ án lớn như vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc” hay vụ MobiFone mua AVG thì cũng phải đợi kết luận.
Sau khi có kết luận xong thì các cơ quan có thẩm quyền như Uỷ ban Kiểm tra của Đảng hay các cơ quan Thanh tra của chính quyền vào cuộc.
Nếu kết luận của Công an tỉnh Thái Bình chưa đủ thì Thanh tra Bộ Công an chắc chắn sẽ vào cuộc và có kết luận trả lời, nhưng phải trên cơ sở kết thúc vụ án này.
Điều tra để kết luận có bằng chứng tội phạm đến đâu, làm những gì, trong giai đoạn nào thì trên cơ sở đó sẽ xem xét trách nhiệm.
Như cách làm của Đảng và Nhà nước thời gian qua thì ngay cả nghỉ hưu cũng không có nghĩa là đã “hạ cánh an toàn” mà vẫn bị xém xét trách nhiệm. Từ cán bộ cấp Bộ trưởng cũng bị xem xét kỷ luật.
Tôi cho rằng địa phương lúc đó nếu không tự nhận thấy được thì sẽ có cơ quan chỉ ra sai phạm đến đâu và tập thể lãnh đạo của thời kỳ để xảy ra tình trạng đó kéo dài chắc chắn phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên trách nhiệm ở mức độ nào thì phải căn cứ vào tình hình cụ thể và kết thúc cụ thể của vụ án này xem nghiêm trọng ở mức độ nào.
Phải chăng cần có sự vào cuộc của Bộ Công an và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh vụ việc này, thưa ông?
Theo quy trình thì vụ án vẫn phải được điều tra, nếu có vấn đề thì cơ quan cấp trên có thể lấy lên để điều tra tiếp, đó là về tư pháp.
Còn về mặt Đảng nếu không thoả đáng thì sẽ phải kiểm điểm. Như trước đây vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM, địa phương kiểm điểm không đến nơi đến chốn, sau này Thanh tra Chính phủ vào kết luận và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào thì bắt đầu ra một loạt các cán bộ dính líu.
Ban đầu vì rất đông các cán bộ ở đó dính líu nên địa phương khi xem xét có phần cả nể, không xác định đầy đủ tất cả trách nhiệm, khi đó sẽ có cơ quan cấp trên, bây giờ khó lòng có thể “một tay che trời”.
Phải có vai trò của cấp trên, nhưng vấn đề vào lúc nào? Nếu mà ở dưới tự nhận thức và đánh giá được, làm với trách nhiệm tự phê bình và làm tốt thì cấp trên có thể căn cứ vào kết luận ở bên dưới, còn nếu không thoả đáng thì sẽ có biện pháp của cấp trên.
Xin cảm ơn ông!
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an cho rằng trong thời buổi đất nước thanh bình như hiện nay, ở giữa thành phố như Thái Bình lại để vợ chồng Đường “nhuệ” khuynh đảo như vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi có ai “chống lưng cho vợ chồng này không”? “Tôi đề nghị, các cơ quan Đảng ở Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính, Ban tổ chức Trung ương phải vào cuộc, bởi vì ở một thành phố như Thái Bình làm sao có thể để chuyện như thế xảy ra được, việc này cấp Trung ương phải vào cuộc. Việc của công an Thái Bình là họ làm theo tư pháp nhưng Trung ương phải vào cuộc để làm rõ có những cán bộ, đảng viên nào thuộc Thành uỷ TP.Thái Bình hoặc cấp trên nữa có liên quan đến việc này không. Thực chất nếu bộ máy trong sạch, Tỉnh uỷ, chính quyền Thái Bình mà trọn vẹn trong sạch, tuyệt vời thì băng nhóm như Đường “Nhuệ” không thể tồn tại được. Tôi đề nghị phải làm đến cùng và công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, sai đến đâu sửa đến đấy, đúng pháp luật. Nhân lúc trước Đại hội Đảng phải làm đến cùng”, ông Cương nhấn mạnh. Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng, việc phải đến khi có Giám đốc công an tỉnh mới, băng nhóm Đường “nhuệ” mới được đưa ra ánh sáng cho thấy công tác giám sát, kiểm tra của cấp trên làm chưa tốt. “Các cơ quan Trung ương ở đâu, làm thế nào, đã làm đến tận cùng chưa, một năm về địa phương bao nhiêu lần, đã kiểm tra và phát hiện thế nào?”, tướng Cương đặt câu hỏi. Tướng Cương cho rằng nếu có sự giám sát chặt chẽ thì sẽ không có các băng nhóm tội phạm lộng hành thời gian dài như vậy. |
Theo VTC