Những biệt thự tiền tỉ nằm phơi nắng mưa. |
Sau chuyến “khứ hồi” chở tôi đi thăm người ốm ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trên đường về qua khu biệt thự trong làng Trung Văn, anh xe ôm tên Tấn chỉ tay vào biệt thự nằm ngay sát đường, xởi lởi: “nhà em đây, cần đi đâu bác cứ ới em tiếng, em đón bác tận nhà luôn”.
Giật nảy người sau lời giới thiệu quá ấn tượng của Tấn, tôi tò mò “ở biệt thự thế mà lại làm xe ôm, anh giả nghèo giả khổ để rửa tiền à?”.
Chẳng phật lòng sau câu hỏi của tôi, Tấn phá lên cười, “ối giời, chả phải mình em được “ở sang” thế đâu, mấy khu biệt thự quanh đây, chủ nhà toàn cánh xe ôm, đồng nát, phụ hồ xây dựng thôi. Biệt thự nhà em mới có 3 tầng chưa ăn thua, thằng em em đi đánh giầy còn ở hẳn biệt thự 5 tầng trong khu Văn Phú, Hà Đông ấy, bác ạ”.
Để thỏa nỗi tò mò và kiểm chứng cái nghịch lý toàn dân lao động ngoại tỉnh mồ hôi đầy hơn bát cơm, nhưng lại ở toàn biệt thự tính sơ sơ cũng ở con số hàng chục tỷ, tôi theo Tấn làm một vòng thị sát.
Từ Trung Văn, xuôi theo đường Lê Văn Lương vào Hà Đông, đến khu biệt thự Nam Cường, Tấn bảo: “khu này có quây rào bảo vệ chặt nên không ai nhảy dù vào ở được, bác ạ. Tý vào mấy khu kia, tha hồ người ở luôn.”
Qua khu Nam Cường, lần lượt là các khu Văn Khê, Văn Phú, rồi Văn Quán. Chả khó khăn gì để nhìn thấy hàng chục biệt thự đã xây xong phần thô, hoang tàn phơi mưa nắng.
Nhiều biệt thự cỏ mọc tốt um, rác rưởi, phế thải xây dựng chất đống, đổ chồng trước cửa, nhìn thấy mà xa xót.
Đến khu Văn Phú, Tấn móc điện thoại, sau vài câu í ới, Tấn đỗ xe vào một quán nước nhỏ ngay đầu đường, rồi quay sang bảo tôi: “em với bác vào uống chén nước, đợi tý em em về, tha hồ cho bác hỏi chuyện. Nó đánh giầy ngay bến xe Hà Đông, em vừa “triệu tập” về rồi”.
Chén trà chưa kịp cạn, cậu em của Tấn lẹt quẹt đôi dép về tới. Nghe Tấn kể qua, cậu em Tấn tên Sinh, cười nhe hàm răng ố vàng khói thuốc: “bác gặp anh em nhà em là trúng tủ luôn đấy”.
Nói rồi, cậu khẩn khoản mời tôi về “nhà” cậu để “nói chuyện cho nó đàng hoàng”.
Biệt thự thành nơi đổ phế liệu, rác thải. |
Nhà Sinh là căn biệt thự đã xây xong phần thô, phần vữa trát tường cũng được chủ đầu tư trát lên đến hết tầng 2, phần sân trước cũng được trồng hai cây cau thẳng tắp.
Cơ duyên để ở biệt thự của Sinh bắt nguồn từ ...cái ví rỗng. Từ Tam Điệp, Ninh Bình lên Hà Nội theo mấy người trong làng làm nghề đánh giầy, lúc đầu Sinh còn có tiền để đóng nhà trọ 10.000 đồng/đêm, sau mấy tháng vạ vật kiếm chẳng đủ tiền ăn, ở nhờ mãi cũng oải, Sinh cầm theo túi đồ nghề lang thang khắp khu vực Hà Đông.
Ngày tìm khách, đêm tiện đâu ngủ đó, khi thì là mái hiên của một hàng tạp hóa, lúc thì ghế đá vườn hoa, tắm rửa, vệ sinh thì vào nhờ nhà vệ sinh công cộng trong bến xe Hà Đông.
Đến một đêm mưa, Sinh dừng lại ở khu biệt thự Văn Phú. “Mưa to quá, em nhảy đại vào một biệt thự, định ngủ qua đêm tránh mưa rồi đi thôi.
Sáng hôm sau em đi “làm” tiếp, đến chiều tối lúc chuẩn bị đi tắm mới nhớ là để quên bọc quần áo ở biệt thự rồi. Thế là em quay lại lấy quần áo, đi tắm rồi chẳng hiểu sao ăn uống xong lại quay về biệt thự ấy ngủ. Ở mãi chả thấy ai hỏi han gì, cũng chẳng bị đuổi, em ở luôn.
Trước em ở nhà bên kia, cách đây hơn chục nhà, sau em tìm được nhà này, có trát vữa, có cả cái phản gỗ chắc của mấy anh thợ xây để lại nên chuyển qua đây ở. Nhà kia em gọi mấy anh cùng làng bỏ chỗ trọ, đến đây ở cũng được hơn năm rồi, vừa rộng rãi, thoải mái, vừa tiết kiệm được bao tiền, bác ạ.”
Với tay rút cái điếu cày giắt sát mép phản, Sinh mồi thuốc, châm lửa, rít sòng sọc rồi ngửa cổ nhả khói, tiếng nói chen giữa vòng khói thuốc khét lẹt “cơ mà em chẳng may bằng bác Tấn, bác ấy vừa được ở biệt thự vừa được tiền”.
Thấy tôi ngạc nhiên nhìn sang, Tấn cười thanh minh “không phải em bán chác gì trong biệt thự đâu bác ạ. Lúc đầu cũng là túng quá hóa liều, không có tiền ở trọ thì vào ở chui trong biệt thự thôi. Em vừa ở vừa lo nơm nớp, chủ nhà bắt được người ta đuổi đi còn là may, có khi họ còn đánh cho vì tội nhảy dù ấy chứ.
Nhưng bà chủ nhà em tốt bụng, hôm ấy em bị ốm, nằm ở nhà, bà chủ nhà đâu trên mạn Hồ Tây, có việc đi qua nên ghé vào thăm nhà. Thấy em nằm đắp chăn rên hừ hừ trên nền nhà, bà hỏi nhà cửa ở đâu, sao vào đây ở.
Em cũng thật thà kể hết, mà em ở nhà cửa em quét quáy gọn gàng lắm, không quăng bỏ vãi hay xả rác ra đâu, cỏ mọc ở sân em cũng nhặt sạch sẽ.
Chắc thấy vậy nên bà ấy thương. Bà mở ví cho em 500.000 đồng, bảo cứ ở lại đây, coi như có người trông nhà. Thế rồi thỉnh thoảng bà ấy và cậu con trai lại qua, lần nào qua cũng cho em tiền cả.”
Theo Tiền Phong