Mô hình cầu Nhật Tân.
Trễ hẹn 3 năm
Với mục tiêu kết nối trung tâm thành phố với các khu vực phía Bắc sông Hồng, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và tạo điểm nhấn cho giao thông Thủ đô, năm 2006 dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn được Bộ GTVT phê duyệt. Tiến độ hoàn thành được Bộ GTVT yêu cầu vào quý IV năm 2010. Tuy nhiên, do TP Hà Nội không giải phóng được mặt bằng nên sau đó, dự án phải điều chỉnh lại tiến độ theo từng gói thầu.
Cụ thể, gói thầu số 3, khởi công đầu tiên tháng 4/2009, yêu cầu hoàn thành tháng 2/2012; gói thầu số 1: khởi công tháng 10/2009, yêu cầu hoàn thành vào tháng 10/2012; gói thầu số 2: khởi công tháng 9/2011, yêu cầu hoàn thành 5/2014. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa gói thầu nào hoàn thiện. Riêng gói thầu số 2 (xây dựng cầu và đường dẫn lên xuống phía bờ Nam - quận Tây Hồ) TP Hà Nội chưa giải phóng xong mặt bằng. So với tiến độ được phê duyệt ban đầu, đến nay dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn chậm 3 năm.
Có vai trò kết nối và giảm áp lực cho giao thông Thủ đô như vành đai 1 vành đai 2, đường 5 kéo dài, QL 32… nhưng đến nay sau gần 10 năm triển khai các dự án này vẫn ngổn ngang công trường. |
Tuy nhiên, thực tế tại công trường dự án cầu Nhật Tân những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, dự án vẫn tắc lại bởi hơn 40 hộ dân ở phường Phú Thượng chưa chịu bàn giao để nhà thầu thi công đường dẫn lên xuống (gói thầu 2). Về nguyên nhân, các hộ dân ở đây cho rằng, giá đền bù chưa phù hợp với thực tế, cầu không được xây dựng theo đúng quy hoạch ban đầu…
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND quận Tây Hồ cho rằng, theo chỉ đạo của Chủ tịch TP, thời gian qua, quận Tây Hồ đã gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dự án, cùng với đó là áp dụng chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư theo hệ số K (hệ số đền bù, hỗ trợ cao nhất tại Hà Nội) nhưng trong số hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng hiện còn 43 hộ không hợp tác. “Đây là lý do chính khiến tiến độ GPMB mà lãnh đạo thành phố giao cho quận chưa thực hiện được”, đại diện UBND quận này cho hay.
Theo Tiền Phong