Hồi đầu năm 2013, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đây là năm MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP (M&A) trong lĩnh vực bất động sản sẽ tăng mạnh. Thế nhưng, kết thúc năm 2013, không có nhiều thương vụ M&A như dự kiến.
Rõ ràng thị trường bất động sản Việt Nam đã đi xuống trong gần 5 năm qua và đây là dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư có tiềm lực muốn thâu tóm dự án. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thể bùng nổ trở lại thì đôi lúc việc mua dự án nhưng không thể đưa vào kinh doanh là một rủi ro luôn chực chờ.
Biệt thự mẫu Goldora của Khang Điền được chào bán năm 2011. |
Dự án Goldora Villa có thể là một ví dụ. Goldora Villa nằm tại P. Phú Hữu, Q.9, TP.HCM, với 119 căn biệt thự song lập và đơn lập được xây dựng trên diện tích 8,2 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền làm chủ đầu tư. Mặc dù đã mua lại gần 3 năm nhưng đến nay Indochina Land vẫn chưa thể đưa dự án Eden, tên gọi mới của dự án Goldora, ra thị trường.
Mua lại dự án vào cuối năm 2011, nhưng cho đến nay, hầu như mọi thông tin về thương vụ này vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, theo một thông tin đăng tải trên một tờ báo kinh doanh vào cuối năm 2013, Indochina Land đã chi ra khoảng 50 triệu USD để mua lại dự án Goldora. Thông tin này khiến giới kinh doanh đặt ra vấn đề có lẽ Indochina Land đã mua hớ.
Không xác nhận thông tin này, phía Indochina Land chỉ nói rằng, khi họ mua lại dự án này, giá đất đã khá hấp dẫn do thị trường khá trầm lắng. Một nguồn tin khác cho biết, nguyên là giám đốc đầu tư của một công ty bất động sản nước ngoài lớn tại Việt Nam, cho biết 50 triệu USD không phải là giá mua là mà là tổng số vốn đầu tư của Indochina Land đổ vào Eden, bao gồm cả số tiền mua lại Goldora. Theo nguồn tin này, giá trị thương vụ này chỉ khoảng trên dưới 20 triệu USD.
Con số này là có vẻ hợp lý nếu xem lại những thông tin được Khang Điền công bố tại báo cáo thường niên năm 2011. Cụ thể, quý IV/2011 Khang Điền quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án Goldora Villa cho tập đoàn Indochina Land và chuyển nhượng 70% dự án Spring Life cho CapitaLand. Nguồn thu từ việc chuyển nhượng dự án đã giúp cho tổng nợ của Công ty giảm khoảng 500 tỉ đồng so với quý III/2011
Ngoài ra, theo ông Lý Điền Sơn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khang Điền, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng hai dự án chỉ ở mức chấp nhận được. Con số chấp nhận được mà ông Sơn nói là khoảng 40 tỉ đồng khi ghi nhận khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính sau khi chuyển nhượng 99% cổ phần tại Công ty Cổ phần Không Gian Xanh, công ty sở hữu dự án Goldora, theo báo cáo tài chính quý IV/2011 của Khang Điền. Trong khi đó, tính đến thời điểm cuối quý III/2011 giá trị hàng tồn kho của dự án Goldora là khoảng 280 tỉ đồng.
Bỏ qua vấn đề Indochina Land mua được Goldora với giá hời hay hố, câu hỏi được đặt ra là tại sao cho đến nay Indochina Land vẫn chưa thể đưa dự án Eden ra thị trường?
“Chúng tôi mua dự án với mức giá hấp dẫn khi thị trường đang đi xuống với mục tiêu mở bán lại khi thị trường sôi động hơn và cơ sở hạ tầng nối quận 9 với trung tâm thành phố tốt hơn. Và năm nay chúng tôi thấy cả 2 điều kiện này đều đang theo chiều hướng có lợi”, ông Christopher Piro, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Indochina Land, cho biết.
Theo ông, nếu như năm 2009 để đến công trường, ông phải lái xe gần 40 phút qua các con đường nhỏ hẹp thì giờ đây có thể đến đó chỉ trong 20-25 phút dọc theo đường vành đai. Nhìn xa hơn, thời gian đi lại sẽ giảm xuống 15 phút khi đường dẫn vào cao tốc Long Thành Dầu Giây hoàn thành vào đầu năm 2015.
Trong khi đó về phía thị trường bất động sản, ông cho rằng Chính phủ đã thành công trong việc bình ổn nền kinh tế năm 2013 và trên thực tế các dự án đang bán của Indochina Land đã có lượng giao dịch tăng đáng kể từ tháng 6 năm 2013. “Chúng tôi sẽ giới thiệu dự án Eden vào nửa cuối năm 2014”, ông Piro cho biết thêm.
Một câu hỏi khác mà giới kinh doanh bất động sản cũng đang tò mò là Indochina Land sẽ làm gì với Goldora sau khi mua lại, ngoài việc đổi tên dự án, bởi một điều quận 9, nơi Eden tọa lạc là khu vực có độ cạnh tranh rất cao khi có nhiều dự án tập trung vào phân khúc tương tự. Chẳng hạn, Riveria Cove do Công ty Keppel Land và Hưng Phú làm chủ đầu tư, The Graland của Vina Capital, Vila Park, Hoja của Khang Điền.
“Indochina Land đã dành gần 2 triệu USD để đầu tư vào dự án những tiện ích, cảnh quan nổi bật, tạo ra cuộc sống đẳng cấp cho cư dân và chủ sở hữu của cộng đồng Eden. Đặc biệt, chúng tôi tận dụng kinh nghiệm dày dặn về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nhằm đưa phong cách của một khu nghỉ dưỡng vào dự án biệt thự đô thị này”, ông Piro chia sẻ.
Đẳng cấp của Indochina Land đã được kiểm chứng qua nhiều dự án. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng phân khúc biệt thự là phân khúc bất động sản cao cấp, bị ảnh hưởng nhiều nhất từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Thậm chí trong các báo cáo nghiên cứu thị trường của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây, hạng mục biệt thự còn không được cập nhật.
Tháng 6/2011, Khang Điền đã tung ra dự án Goldora với giá bán khoảng 6,6 tỉ đồng/căn, nên sau khi mua lại Indochina Land chắc chắn sẽ không bán rẻ hơn con số này. Và nếu tổng vốn đầu tư là 50 triệu USD, giá bán sẽ phải cao hơn nhiều để đảm bảo có lợi nhuận. Với bối cảnh thị trường hiện nay, đây là một thách thức cho Indochina Land.
“Chúng tôi luôn ý thức được điều kiện cạnh tranh thông thường này của thị trường và luôn tự tin bởi lẽ bối cảnh cạnh tranh không còn xa lạ với chúng tôi khi ra mắt các dự án khác. Ví dụ, Hyatt Regency Da Nang Residences và Indochina Plaza Hanoi và các dự án của chúng tôi vẫn luôn chiếm một vị trí nhất định”, ông Piro nói.
Theo thông tin từ Indochina Land, tổng doanh thu hạng mục kinh doanh nhà ở do công ty này quản lý đã đạt xấp xỉ 350 triệu USD. Trong khi đó, chỉ tính trong năm 2013, doanh thu của hạng mục này đã đạt gần 45 triệu USD, một con số đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn hiện nay.
Theo NCĐT