Có rất nhiều lý do giải thích tình trạng đó, nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là năng lực yếu kém của các nhà thầu luôn vượt qua tấm "barie" đấu thầu một cách... dễ dàng. Vậy tại sao?
Cú "lách" ngoạn mục và chiêu "gọt chân cho vừa giày"
Điểm qua hàng loạt các dự án năng lượng do các nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu cho thấy, chỉ bằng bí quyết bỏ thầu giá rẻ, rẻ đến mức không ngờ, họ đã thắng thầu. Trong khi đó, các nhà thầu thuộc khu vực Âu, Mỹ với thế mạnh đã được khẳng định trên toàn thế giới là công nghệ hiện đại, giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường, cũng không thể "đấu" lại giá của nhà thầu Trung Quốc. (Một số ý kiến cho rằng, đây là chiêu "gọt chân cho vừa giày" của các nhà thầu Trung Quốc sau khi đã thực hiện xong "cú bắt tay" và "lobby" với chủ đầu tư để hạ thấp các tiêu chí quan trọng khác về công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá, nhằm đảm bảo... kiểu gì cũng trúng thầu?).
Đơn cử, khi mở thầu các dự án điện, một nước trong nhóm G7 bỏ với suất đầu tư hơn 2.000 USD/KWh thì nhà thầu Trung Quốc chỉ khoảng 1.000 USD/KWh, tức là thấp hơn 50%. Bằng cách đó, các nhà thầu Trung Quốc đã có mặt ở rất nhiều dự án nhiệt điện. Nhưng điều đáng nói việc thi công của các nhà thầu Trung Quốc tiến độ chậm, chất lượng thiết bị, công nghệ kém và lạc hậu so với các nước G7.
Thông tin từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phát đi với nhận định, nguyên nhân sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam là do họ chào giá quá thấp. Trong khi đó, Luật Đấu thầu lại không cho phép chủ đầu tư đưa ra sự khống chế về xuất xứ thiết bị, công nghệ khi xét thầu, mà chỉ có thể đưa ra các điều kiện về hiệu quả, chất lượng công trình. Ngoài ra, nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay thương mại và ODA của Trung Quốc, nên chỉ nhà thầu của nước này mới được tham gia.
Điều này hoàn toàn phù hợp với thông tin mà PV thu thập được từ phía các nhà thầu từng nếm mùi "thất bại" với nhà thầu Trung Quốc trong các gói thầu nhiệt điện. Theo đại diện từ phía các nhà thầu này, quy định của Luật Đấu thầu Việt Nam thì việc đấu thầu EPC (tổng thầu) hoặc từng gói thầu của các dự án đầu tư xây dựng được chia làm hai giai đoạn: Sơ tuyển về năng lực, kinh nghiệm và đấu thầu thương mại và giá.
Theo phương thức lựa chọn này, hầu hết các nhà thầu đều vượt qua giai đoạn 1 (sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm), vì thực tế các nhà thầu (kể cả nhà thầu không đủ năng lực) họ có thể thuê các nhà tư vấn có kinh nghiệm làm bài, và khi đã vào đến giai đoạn 2 (đấu thầu thương mại và giá) thì giá đấu thầu luôn được đưa lên bàn cân rõ ràng nhất.
Như vậy, thực chất đấu thầu ở đây chỉ là về giá. Với cách làm này, bằng nhiều chiêu trò khác nhau các nhà thầu Trung Quốc sẽ lần lượt hạ các đối thủ "sừng sỏ" hơn mình nhiều về kinh nghiệm và chất lượng. Tất yếu, khi đã nắm chắc quy luật này, các nhà thầu Trung Quốc thả sức lộng quyền trên mặt trận các dự án nhiệt điện.
Lãnh đạo thuộc một tổng công ty Nhà nước lớn thường "va chạm" với Trung Quốc trong lĩnh vực này khi được PV hỏi, đã đưa ra sự ví von: "Thật sơ đẳng về nhận thức khi chúng ta cho rằng một xe hơi công suất 3.0 của Trung Quốc cũng được đánh giá tương đương xe hơi công suất 3.0 của Đức hoặc Nhật. Tương tự như vậy, một nhà máy điện công suất 300MW của Trung Quốc cũng tương đương về giá trị như đối với thiết bị của Đức, Nhật... Nghĩa là trong Luật Đấu thầu, hồ sơ mời thầu chúng ta cần đưa hệ số tính điểm về xuất xứ thiết bị vào để xét thầu".
Vị lãnh đạo trên nói với điều kiện giấu tên rằng: "Nếu chúng ta không thay đổi quan điểm đánh giá cũng như không xác định được các yêu cầu về mức độ tiên tiến và hiện đại của thiết bị công nghệ nhập khẩu thì chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ sau một nền công nghiệp với các hệ thống máy móc công nghệ lạc hậu, tuổi thọ thấp và không đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Nghĩa là, chúng ta cần có những quy định cụ thể cho các yêu cầu tối thiểu về cấp độ tiên tiến và hiện đại của thiết bị công nghệ cho từng lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nhiệt điện. Đồng thời có sự quy định trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ban, ngành để quản lý, giám sát việc thực hiện các yêu cầu này".
Những "lỗ hổng" trong đấu thầu bộc lộ những quan ngại ở nhiều dự án nhiệt điện. (ảnh minh họa)
Có chuyện... "quen, thân"?
Một thực tế đáng buồn hiện nay là, dù các nhà thầu Trung Quốc khi chào thầu với mức giá rẻ, thậm chí là rất rẻ, nhưng khi thực hiện, nhiều dự án nhiệt điện do các nhà thầu này thi công đều bị đội giá lên rất nhiều, có những dự án khi hoàn thành tổng mức đầu tư cũng ngang ngửa, thậm chí cao hơn với giá được các nhà thầu Đức, Mỹ hay Nhật... chào thầu.
Điều đó cho thấy, việc đưa ra mức giá thấp chào thầu chỉ là chiêu trò của các nhà thầu Trung Quốc nhằm trúng thầu, và khi đã có trong tay quyền năng định đoạt dự án, nhà thầu Trung Quốc mới tung ra những yêu sách khiến chủ đầu tư Việt Nam phải cắn răng... móc hầu bao.
Theo một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực đấu thầu thì, lấy việc các công ty Trung Quốc thắng thầu vì họ chào giá thấp vẫn chưa đủ. Trên nguyên tắc cơ bản, với những dự án lớn về năng lượng giá cả không thể xếp trên những yếu tố về chất lượng, tính ổn định trong vận hành và mức độ lệ thuộc vào một nhà cung cấp. Việc quyết định thực hiện một dự án không thể chỉ dựa vào mỗi một tiêu chí là chi phí đầu tư ban đầu mà hiệu quả vận hành mới là yếu tố quan trọng nhất. Nên việc "chấm" các nhà thầu Trung Quốc theo tiêu chí giá rẻ xem ra còn vì căn nguyên khác, không loại trừ yếu tố "thân, quen" nào đó.
Cũng theo chuyên gia này, Luật Đấu thầu của Việt Nam tuy còn khiếm khuyết, nhưng đó cũng không thể là nguyên nhân duy nhất giải thích cho sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc.
"Nếu nói là tại luật, thì vì sao trong ba doanh nghiệp Nhà nước đang đầu tư lớn vào nhiệt điện, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), thì số đông dự án do EVN làm chủ đầu tư, nhà thầu Trung Quốc mới thắng thế, còn các dự án của PVN thì nhà thầu trong nước chi phối hết?", vị này đặt ra câu hỏi.
Dẫn lời ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, để hạn chế tình trạng nhà thầu Trung Quốc chưa đủ năng lực nhưng trúng thầu các dự án quan trọng tại Việt Nam, cần phải có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ các nhà thầu Trung Quốc, hạn chế các nhà thầu Trung Quốc có năng lực kém vào tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, các nhà thầu Việt Nam cũng phải điều chỉnh, tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực của mình.
Cũng theo ông Nghi, tình trạng "lót tay, đi đêm" có không? Quản lý thế nào? Làm sao để kiểm soát?... cũng rất cần có cái nhìn nghiêm túc. Ngoài ra, khi phát hiện những nhà thầu như vậy thì phải thẳng thắn loại bỏ những nhà thầu năng lực yếu kém, không đạt yêu cầu. Tất nhiên, ở đây không thể không nói tới trách nhiệm thẩm định thầu.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, chúng ta có nhiều dự án, năng lực cũng bị chia sẻ cho nhiều dự án khác nhau nên mặt bằng năng lực của các chủ đầu tư hiện cũng kém hơn. Chẳng hạn, trước đây EVN tập trung làm 1-2 dự án ở Phả Lại, toàn bộ năng lực của EVN tập trung cho một dự án, khác xa so với việc bây giờ, do phải phát triển quá nhiều dự án nên việc tích luỹ kinh nghiệm, bổ sung nhân sự cho các chủ đầu tư của các dự án đấy được ngang với mặt bằng giống như EVN trước đây làm cũng khó hơn.
Lo ngại nhất là vấn đề an ninh năng lượng "Liên quan đến nguồn vốn, lẽ đương nhiên nước nào cấp vốn cho Việt Nam thì doanh nghiệp của nước đó được độc quyền đấu thầu. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp chủ yếu cung cấp ODA cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Việt Nam. Còn Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào các dự án công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng và những ngành khai thác tài nguyên trong nước. Điều này rất đáng lo, nhất là đối với vấn đề an ninh năng lượng. Ai dám chắc khi nhà máy vào vận hành, hết thời gian bảo hành sẽ vẫn chạy tốt, và ai dám chắc tuổi thọ các nhà máy do Trung Quốc làm sẽ có tuổi thọ dài đến đâu". (Một chuyên gia ngành năng lượng lên tiếng) |
Theo Người Đưa Tin