Nước ngoài đổ 570 triệu USD thôn tính dự án BĐS nội

Thứ tư, 06/08/2014, 15:32
Hàng loạt dự án BĐS được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay khiến vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS Việt Nam tăng mạnh.
Vốn nước ngoài đang đổ vào BĐS Việt Nam

Việc mua bán các dự án BĐS những tháng đầu năm tiếp tục sôi động với các ông chủ mới là những nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử trong tháng 01/ 2014 tập đoàn Tung Shing ở Hong Kong đã mua 53% cổ phần của khách sạn Movenpick Sài Gòn.

Lotte Mart – tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc – đã mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động.

Tập đoàn Bất động sản Sun Wah Việt Nam cũng đã cam kết đầu tư vào dự án Bay Water – một dự án do các nhà đầu tư trong nước sở hữu. Cùng với đó, Sunwah Group (Hong Kong) cũng đã kịp đầu tư 200 triệu USD vào dự án xây dựng khu chung cư tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trước đó, dự án này do Công ty Bay Water (thành lập bởi 2 đối tác trong nước là SATO Invesment và Công ty CP Xây dựng số 5, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) là chủ sở hữu.

Tại Khánh Hòa, một nhà đầu tư Israel đã cam kết đầu tư 300 triệu đô la vào dự án Khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort. Được biết, cũng đầu năm 2014, tỷ phú người Israel Igal David Ahouvi đã bỏ ra tới 300 triệu USD để mua lại resort này.

Các giao dịch M&A trong nước cũng tạo được sự chú ý trong công chúng.

Vào tháng 05 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố rút vốn khỏi dự án Đông Nam tại TP.Hồ Chí Minh và chuyển giao cho công ty Him Lam.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã xác nhận bán khu văn phòng thuộc Vincom Center HCM cho Vicentra với giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có thể kể đến những thương vụ khác như Vinacapital đã hoàn thành việc bán cổ phần tại Movempick Hotel Saigon trong quý I với giá trị 16,1 triệu USD.

Các giao dịch đáng chú ý khác trong phân khúc nhà ở bao gồm việc bán dự án Water Garden của PPI cho Tập đoàn Đất Xanh và việc mua lại 95% cổ phần của công ty xây dựng Thanh Hóa ở dự án Sky Park Residence.

Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 473 thương vụ mua lại các công ty Việt Nam, trong khi đó, mới chỉ có 6 thương vụ các công ty Việt Nam mua lại công ty nước ngoài.

Nếu nhìn vào những thương vụ M&A bất động sản nổi bật nhất trong 2 quý đầu năm 2014, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy điều này, khi không có nhiều thương vụ của các nhà đầu tư trong nước được giao dịch thành công có quy mô trên 10 triệu USD.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, cả nước thu hút 5,7 tỉ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào nửa đầu năm nay, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10% (570 triệu USD), chủ yếu thông qua hoạt động M&A.

Các hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam được kỳ vọng ​​sẽ tiếp tục tăng mạnh, với quan điểm Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất.

Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán. Quy định này được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính minh bạch và tạo ra cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam chia sẻ: “Thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phân khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà đầu tư Singapore và Đài Loan ở phân khúc nhà ở và văn phòng”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích