Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, thị trường bất động sản đang hình thành hai phân khúc khác biệt, chung cư cao cấp và nhà giá rẻ. Trong khi nhiều căn hộ cao cấp vượt quá khả năng chi trả của người dân ế ẩm, sản phẩm giá rẻ lại đang chiếm lĩnh thị trường bất động sản.
Ông Võ dẫn chứng, trước kia một dự án chung cư chào bán căn hộ 10 triệu đồng mỗi m2 đã gây sốt cho thị trường. Đưa ra giá sốc, chủ đầu tư nhận được sự “hậm hực” của nhiều doanh nghiệp khác khi cho rằng đang bán phá giá. Tuy nhiên, sau đó, làn sóng giảm giá đã lan mạnh ra thị trường và cuộc tranh cãi bán phá giá đã chấm dứt. Theo ông Võ, việc đưa bất động sản xuống mức thấp hơn được coi như một quy luật tất yếu của thị trường.
Chung cư giá rẻ vẫn là điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lan |
“Rất nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng kinh doanh như dự án 10 triệu kia đã làm và có khả năng đưa giá xuống thấp hơn”, ông Võ cho hay. Câu chuyện nhà giá rẻ được ông Võ đề cập tại hội thảo quản lý thị trường bất động sản với kinh nghiệm của Nhật Bản do BIDV và ngân hàng SuMi Trust vừa tổ chức đã gây được sự quan tâm của nhiều người.
Tại sự kiện này, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết thị trường địa ốc vẫn trong quá trình tái cơ cấu nhằm phát triển đa dạng các loại hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của số đông. Sau một thời gian dài giảm sâu, giá cả bất động sản đã dần ổn định và phân khúc nhà giá rẻ đã được thị trường đón nhận. Chủ đầu tư ngày càng hướng đến những căn hộ có thể đáp ứng được nhu cầu thực của thị trường. “Nhờ vậy, nguồn cung bất động sản tiếp tục tăng, đặc biệt là nguồn cung của phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ, giá cả vừa phải”, ông Võ nói.
Theo ghi nhận cho thấy, trên thị trường bất động sản hiện nay, Hà Nội xuất hiện hàng loạt căn hộ giá rẻ như Văn Phú Victoria , Golden Silk, PV 6… Với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, diện tích căn hộ dao động khoảng 45-70m2, những căn hộ này đã hâm nóng thị trường bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giao dịch trên thị trường bất động sản đã được cải thiện, đặc biệt tại Hà Nội với khoảng 4.000 giao dịch thành công, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những phân khúc bình dân hâm nóng thị trường, các chuyên gia nhận định, nhìn chung giá nhà vẫn còn cao, vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Bắt mạch thị trường, ông Võ cho rằng, chính những cơn sốt đất vào những năm 1993, 2000 và 2007 đã thổi bong bóng cho bất đổng sản và tạo nghịch lý. Cụ thể, giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập năm của người lao động, trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2 - 4 lần. “Nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà”, ông Võ thẳng thắn.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh bất cập về giá cả, hiện thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều điểm không hợp lý như lệch pha cung cầu, tâm lý đám đông... Nguyên nhân chủ yếu là phát triển thiếu ổn định, đầu tư mang tính tự phát, thiếu minh bạch và chưa chuyên nghiệp. Số đông các ý kiến cho rằng, việc cần làm của Việt Nam hiện nay là tiếp tục hạ giá nhà đi xuống đồng thời có các chính sách kịp thời kịp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho địa ốc.
Lấy kinh nghiệm từ Nhật Bản, Giám đốc nghiệp vụ Koashi Kazuhisa của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust nhận định, thị trường bất động sản Nhật từng trải qua thời kỳ bong bóng dẫn đến khủng hoảng tài chính kéo dài suốt 15 năm (1990 - 2005). Khi bong bóng vỡ, giá đất giảm mạnh và nhiều tổ chức cá nhân đã bị phá sản. “Bong bóng không phải là sự ổn định mà chắc chắn sẽ vỡ, do đó cần có động thái để chuẩn bị tâm lý”, ông nhận định. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm để tránh trường hợp thị trường bất động sản có biến.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho rằng, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. “Để thị trường phát triển một cách ổn định, lành mạnh thì việc tiếp tục phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở là hết sức cần thiết”, ông Hà nói.
Theo VnExpress