Một đại gia TP.HCM sống trong khu lâu đài đắt nhất khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 có giá 100 tỷ. Nhưng đối với ông, biệt thự sang trọng, khu vườn đẹp... nếu vẫn phải bật công tắc điện, đến mở cửa... phải dùng tay... thì ngôi nhà quá tầm thường. Nhà của đại gia bây giờ, ngoài to, đẹp còn phải thông minh. không chỉ tự động hoàn toàn, mà phải có cảm xúc, hiểu được ý muốn chủ nhân, đó mới là đẳng cấp.
Hãy hình dung, bạn tỉnh giấc vào lúc 6h30 phút sáng, khi hệ thống âm thanh phát ra những bản nhạc yêu thích, đèn phòng ngủ dần sáng lên, rèm cửa mở ra, bình nước nóng được bật sẵn sàng. Bữa sáng bắt đầu với phòng ăn có ánh sáng ấm áp cùng rèm cửa mở rộng và các bản nhạc nhẹ nhàng.
Khi ra khỏi nhà để đi làm, hệ thống loa sẽ thông báo về tình hình giao thông, thời tiết, cửa ga-ra đã mở sẵn, sau đó, đèn, điều hòa, bình nóng lạnh tắt; rèm, cửa đóng lại; hệ thống an ninh được kích hoạt.
|
Bảng điều khiển cảm ứng mạ vàng 24k, có giá trị 30 triệu đồng. |
Buổi chiều về nhà, mọi thứ lại bắt đầu, các rèm cửa mở ra, đèn hành lang được bật sáng vừa phải, điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng được bật lên, robot lau nhà hoạt động; hệ thống an ninh tắt.
Ăn tối, không gian phòng ăn sáng lên với âm thanh đa vùng, phát các bản nhạc yêu thích. Khi đi ngủ, rèm cửa đóng lại, đèn tắt, hệ thống điều hòa chỉnh về chế độ tiết kiệm năng lượng, hệ thống an ninh lại được kích hoạt... Tất cả những hoạt động trên đều hoàn toàn tự động, như một người giúp việc cần mẫn, luôn luôn hiểu rõ ý chủ nhân muốn gì.
Nhà thông minh (Smart Home), được hiểu là ngôi nhà mà ở đó các hệ thống từ ánh sáng, rèm mành, kiểm soát môi trường, an ninh, giải trí... được kết nối, hoạt động theo các kịch bản, ngữ cảnh đã định sẵn và hoàn toàn tự động.
Chủ nhân có thể giao tiếp với nó qua điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay thao tác trực tiếp trên các bảng điều khiển cảm ứng, được thiết kế như các cụm công tắc gắn trên tường.
Không chỉ đại gia Sài Gòn mà hiện nhiều căn hộ và biệt thự cao cấp tại Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Bình Dương... cũng được chủ nhân bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để biến thành ngôi nhà thông minh như kể trên. Tuy nhiên nhiều đại gia không hề tiếc tiền mà còn đòi hỏi những gói sản phẩm đặc biệt với mức độ cá nhân hóa cao.
Thậm chí, có những khách hàng đã yêu cầu phải mạ vàng 4 cạnh của tất cả các bảng điều khiển cảm ứng, để phù hợp với trang thiết bị mạ vàng có sẵn trong ngôi nhà. Một bảng điều khiển cảm ứng mạ vàng 24k có giá 30 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Lumi, hiện đã có hàng nghìn ngôi nhà trên cả nước lắp đặt công nghệ thông minh. Số lượng khách hàng đang ngày càng tăng, chủ yếu là những người thành đạt và yêu thích công nghệ.
Với đời sống đang được nâng cao, số người giàu ngày càng tăng, cùng với tỉ lệ tăng trưởng các thiết bị di động, tốc độ đường truyền và nhu cầu giải trí trực tuyến... đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho xu hướng sử dụng công nghệ thông minh trong cuộc sống đô thị hiện đại. Điều này khiến cho nhu cầu về nhà thông minh ngày càng cao và đây sẽ là lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng trong thời gian tới.
Theo ông Tài, trước đây, đa số các công nghệ này được nhập khẩu, nhưng hiện nay đã có những DN Việt Nam tham gia thị trường này. Hiện đã có gần 10 DN kinh doanh dịch vụ nhà thông minh từ các gói cơ bản chỉ có công tắc điện cảm ứng, cho đến những gói đặc biệt cao cấp, đáp ứng tính cá nhân hóa cao của khách hàng trong và ngoài nước.
|
Giao tiếp với hệ thống Smart Home qua bảng điều khiển cảm ứng. |
Ông Vũ Thanh Thắng - Phó chủ tịch công ty Bkav mới đây tiết lộ, không chỉ khách hàng trong nước, mới đây một tỷ phú nổi tiếng của Singapore đã qua Việt Nam tham quan và đặt hàng công nghệ nhà thông minh của DN Việt Nam. Không tiết lộ giá trị, nhưng với chi phí khoảng 10% ngôi nhà thì với biệt thự Singapore 8 triệu USD, tỷ phú này đã chi một khoản tiền không nhỏ. Theo ông Thắng, đây là lĩnh vực công nghệ mà DN Việt Nam hoàn toàn tham gia để tạo ra những công nghệ thông minh Made in VN.
Được biết, công nghệ nhà thông minh của DN Việt Nam đã có thể chạy các kịch bản tự động, nó còn có khả năng học thói quen của người dùng, để tự động điều chỉnh theo sở thích của người trong nhà.
Với chế độ "Đi ngủ", bình thường được mặc định tự động rèm đóng, đèn tắt, điều hòa giảm xuống 25 độ C. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút, chủ nhân điều chỉnh điều hòa tăng lên 28 độ C, nếu thực hiện 3-4 lần như vậy thì hệ thống sẽ tự điều chỉnh chế độ "Đi ngủ" với điều hòa lúc đầu là 25 độ C, sau 30 phút tăng lên 28 độ C. Không những thế, nó còn biết chủ nhân muốn làm gì tiếp theo, để hiển thị trên màn hình các thiết bị điều khiển những kịch bản phù hợp.
Ngay cả phần cứng là các thiết bị cũng đạt chất lượng rất cao, bởi khách hàng là những người giàu có nên họ không bao giờ chấp nhận những sản phẩm bình thường. Chẳng hạn như các bảng điều khiển cảm ứng, không sử dụng nhựa thông thường, mà dùng nhôm phay nguyên khối, kính cường lực chống bám vân tay, giống như công nghệ sản xuất phần cứng điện thoại iPhone... thậm chí là mạ vàng.
Theo Vef