Cư dân tại chung cư Skylight, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vừa có đơn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố, quận và phường về những bất đồng trong việc thu tiền điện nước tại đây. Dự án được quảng cáo là chung cư cao cấp gồm 2 tòa tháp 22 tầng, do Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư được đưa vào vận hành từ đầu năm nay.
Đại diện cư dân cho biết, đa số các hộ bắt đầu chuyển về đây sinh sống từ tháng 1/2014. Tuy nhiên, từ khi vào ở đến tháng 5, Ban quản lý tòa nhà đã thu tiền nước sinh hoạt với giá 8.435đ/m3 nước. Trong khi đó, mức giá theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội thời điểm đó chỉ là 4.172 đồng.
“Chủ đầu tư giải thích đây là giá nước kinh doanh. Sau đó, chúng tôi đã hoàn chỉnh và nộp hồ sơ theo yêu cầu của ban quản lý để làm thủ tục ký hợp đồng với công ty kinh doanh nước sạch từ tháng 7. Tuy nhiên, đến nay ban quản lý vẫn trì hoãn việc ký hợp đồng và yêu cầu chúng tôi nộp tiền nước với giá nêu trên", đại diện cư dân cho hay.
Chủ đầu tư yêu cầu các hộ dân nộp tiền nước với mức giá gấp đôi quy định và tiền điện bằng giá hộ kinh doanh. Ảnh: COMA |
Cũng theo các hộ dân, không riêng nước, giá điện mà ban quản lý áp cho cư dân từ khi vào ở đến giữa tháng 5 cũng bằng giá kinh doanh với mức 2.495 đồng mỗi kWh nhưng không xuất hóa đơn. Trong khi giá điện sinh hoạt cho các hộ thông thường theo quy định của Bộ Công Thương được tính theo bậc thang, dao động từ 1.418-2.420 đồng mỗi số.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với ban quản lý về những bất cập trên, đồng thời nêu rõ quan điểm sẽ nộp đủ tiền điện, nước nếu như mức giá phù hợp với quy định và có hóa đơn VAT. Tuy nhiên, ban quản lý lại liên tục gửi thông báo nếu không nộp tiền theo giá trên thì sẽ bị cắt điện nước", vị đại diện cư dân cho hay.
Bà này cũng cho biết, cư dân đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư về các vấn đề nêu trên nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện COMA mới xúc tiến để các cư dân ký hợp đồng với công ty điện lực Hai Bà Trưng, còn tiền nước vẫn yêu cầu phải nộp theo giá đơn vị kinh doanh.
Trong đơn, các hộ dân cũng nêu những bức xúc xung quanh việc chủ đầu tư sử dụng phần diện tích chung cho đơn vị rửa xe và nhà hàng karaoke thuê lại, gây ảnh hưởng đến môi trường sống...
Ông Dương Văn Hồng - Tổng giám đốc COMA cho biết việc thu giá điện nước cao hơn quy định là do "nguyên nhân khách quan". Theo ông Hồng, khi tòa nhà mới đi vào vận hành, chủ đầu tư chưa làm xong các thủ tục để các hộ dân được ký hợp đồng với điện lực và đơn vị cung cấp nước sạch. Vì thế, các cơ quan này vẫn thu tiền của chủ đầu tư theo giá điện, nước kinh doanh.
“Do đó, chúng tôi không còn cách nào khác là phải áp dụng mức giá trên với các hộ dân. Sau vài tháng, khi tòa nhà vận hành ổn định, chúng tôi đã xúc tiến để các hộ dân được ký hợp đồng trực tiếp với ngành điện từ tháng 5 vừa qua. Về hợp đồng với đơn vị cung cấp nước sạch, hiện COMA vẫn đang làm việc nên các hộ dân sẽ được ký hợp đồng trong thời gian tới”, ông Hồng lý giải.
Vị này cũng nhấn mạnh việc không ít lần đơn vị này ra thông báo nếu các hộ dân không nộp tiền thì chủ đầu tư sẽ cắt điện nước. Tuy nhiên, trên thực tế ban quản lý tòa nhà vẫn chưa lần nào cắt điện nước sinh hoạt của người dân.
“Hơn nữa, cũng chỉ có một số ít hộ dân không đồng ý với mức giá trên nên không chịu đóng nốt số tiền từ trước tháng 5. Sau buổi làm việc chiều ngày 21/10 với ban đại diện cư dân, chúng tôi đã quyết định, nếu cư dân không nộp theo mức này cũng đành chịu. Ban quản lý đành phải cắt giảm lương nhân viên để bù nộp cho cơ quan điện lực và cấp nước, chứ thực tế chủ đầu tư không được hưởng lợi gì từ các khoản này”, ông Hồng nói.
Theo VnExpress